• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ vẫn theo đuổi chiến lược gây sức ép tối đa Triều Tiên

Thế giới 03/10/2018 07:49

(Tổ Quốc) - Đồng thời, Washington lôi kéo Bình Nhưỡng tiến bước phi hạt nhân hóa.

 Kỳ họp lần thứ 73 của Đại hội đồng Liên hợp quốc năm nay có một điểm khác thường, đó là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump trực tiếp điều hành một phiên họp của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và phát biểu tại phiên họp Đại hội đồng, thẳng thắn đề cập đến một số vấn đề gay cấn trong quan hệ quốc tế của Mỹ. Chủ đề nổi bật là Triều Tiên.

 Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc, ngày 27/9, bày tỏ sự lạc quan về các phát triển gần đây tại bán đảo Triều Tiên. Ông Moon nhấn mạnh việc cộng đồng quốc tế cần đáp lại lựa chọn mới và những nỗ lực trong thời gian qua của Triều Tiên; đánh giá Triều Tiên đã thoát ra khỏi sự cô lập kéo dài, hòa nhập với toàn thế giới do chính thức chấm dứt lộ trình phát triển hạt nhân, bắt đầu dốc sức vào phát triển kinh tế.

 Phát biểu của ông Moon là để khuyến khích mối quan hệ đang ấm lên giữa hai miền Triều Tiên, với việc văn phòng liên lạc liên Triều họp phiên đầu tiên, trong đó hai bên thảo luận về cuộc gặp gỡ thượng đỉnh liên Triều tại Hàn Quốc, hai miền kỷ niệm 11 năm ngày Tuyên bố chung liên Triều ngày 4/10, về việc tổ chức cuộc họp của Ủy ban quân sự chung liên Triều, cuộc họp của hội chữ thập đỏ liên Triều, cuộc họp chung quốc hội hai miền, tổ chức lễ khởi công kết nối tuyến đường sắt Nam - Bắc Triều Tiên.

Bắt đầu từ 1/10, trong vòng 20 ngày, hai miền Triều Tiên  tiến hành chiến dịch tháo gỡ mìn bẫy tại đồi Hwasalmori thuộc Khu phi quân sự (trong ảnh: Lính Hàn Quốc đã bắt đầu công tác).

 

Trong khi đó, ngày 29/9, phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho cho biết, Triều Tiên đã đưa ra “các biện pháp thiện chí đáng kể” trong năm qua, chẳng hạn như đình chỉ các vụ thử nghiệm hạt nhân và tên lửa, tháo dỡ các địa điểm thử nghiệm hạt nhân, cam kết sẽ không phổ biến vũ khí hạt nhân và công nghệ hạt nhân, thế nhưng Mỹ chưa hề đáp ứng thiện chí ấy, mà vẫn khăng khăng đòi hỏi “giải trừ hạt nhân trước”. Ông Ri Yong Ho cho rằng nếu dùng chế tài có thể khiến Triều Tiên qui phục “là giấc mơ hão huyền” và “đang đào sâu thêm sự ngờ vực của chúng tôi”.

Phát biểu của Ngoại trưởng Triều Tiên là nhằm ép lại Mỹ, nhưng đáng kể ở chỗ nó không bác bỏ thẳng thừng việc Bình Nhưỡng đơn phương giải trừ hạt nhân. Nhưng Washington ngày càng chật vật để duy trì áp lực quốc tế, vì các hành xử tích cực của Triều Tiên đang làm suy giảm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Đặc biệt, Nga tăng cường ủng hộ Triều Tiên trước thềm hội nghị thượng đỉnh giữa Kim Jong-un và Vladimir Putin.

Về phía Mỹ, phát biểu tại Đại hội đồng LHQ, ông Trump ghi nhận một số việc làm của Triều Tiên, “cảm ơn Chủ tịch Kim vì sự can đảm của ông ấy và những bước tiến mà ông ấy đã thực hiện, mặc dù còn rất nhiều việc phải làm”, đồng thời khẳng định “cấm vận sẽ vẫn được duy trì cho tới khi quá trình phi hạt nhân hóa diễn ra”.

Bài phát biểu với những lời lẽ khác thường của ông Trump tại một diễn đàn quốc tế đa phương dường như là để phục vụ cho cuộc vận động bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ, diễn ra vào tháng 11 tới. Đảng Cộng hòa đang phải vật lộn để duy trì đa số tại hai viện Quốc hội Mỹ. Một kết cục không thuận đối với đảng này sẽ tác động đến tương lai chính trị của bản thân Tổng thống Trump, khi Hạ nghị viện sẽ quyết định có luận tội tổng thống hay không do những bê bối về sự can dự của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống cuối năm 2016.

 Mỹ vừa gây áp lực, vừa lôi kéo Triều Tiên 

Tại một phiên họp cuả Hội đồng bảo an LHQ, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đánh giá vấn đề hạt nhân Triều Tiên đã có một bước ngoặt mới. Trong quá khứ, những nỗ lực về mặt ngoại giao của Mỹ nhằm ngăn chặn Triều Tiên phát triển hạt nhân và tên lửa đều gặp thất bại, nhưng giờ đây, “bình minh của một ngày mới” đã đến. Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh con đường hướng đến hòa bình và tương lai tươi sáng cho Triều Tiên chỉ có thể đạt được thông qua ngoại giao và phi hạt nhân hóa.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ thăm Triều Tiên trong tháng 10 tới nhằm trao đổi cụ thể về hội đàm thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 và các biện pháp phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Lập trường chính thức của phía Mỹ cũng như Triều Tiên là hoàn thành phi hạt nhân hóa Triều Tiên đến cuối nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 1/2021.

Tiến trình ấy không thể không kèm theo các nhượng bộ của Mỹ, như tuyên bố kết thúc tình trạng chiến tranh kéo dài từ năm 1953, thậm chí là ký Hiệp ước hòa bình. Bình Nhưỡng cũng sẽ tìm cách đánh đổi phi hạt nhân hóa từng bước lấy những đảm bảo cho sự tồn tại của chế độ Bình Nhưỡng và cho phép Triều Tiên ra khỏi sự cô lập chính trị, thực hiện các cải cách kinh tế ở miền Bắc đang ngày càng trở nên bức thiết./.

 

 

 

Người bình luận

NỔI BẬT TRANG CHỦ