• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mỹ xả kho dầu dự trữ kiếm chế khủng hoảng năng lượng: Phản ứng từ OPEC

Thế giới 24/11/2021 12:52

(Tổ Quốc) - Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 23/11 đã thông báo mở kho dầu dự trữ khẩn cấp nhằm giải quyết tình trạng giá năng lượng cao.

Xả kho dầu giải quyết khủng hoảng năng lượng

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, Bộ Năng lượng nước này sẽ xuất 50 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược, một động thái phối hợp với các quốc gia khác nhằm hạ nhiệt giá dầu. Đây là lần đầu tiên, Mỹ phối hợp mở kho dầu dự trữ với một số nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.

Mỹ xả kho dầu dự trữ kiếm chế khủng hoảng năng lượng: Phản ứng từ OPEC - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AP

"Động thái lần này sẽ chưa thể giải quyết vấn đề giá khí đốt cao trong một sớm một chiều. Chúng ta sẽ cần thêm thời gian nhưng sau một thời gian nữa, khi bạn đổ xăng, giá xăng có thể giảm. Và trong dài hạn, chúng ta có thể giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ khi chuyển sang năng lượng sạch", Tổng thống Biden khẳng định vào ngày 23/11.

"Chương trình xả kho dầu sẽ triển khai vào khoảng từ giữa đến cuối tháng 12 và có thể kéo dài thêm cho đến khi ổn định thị trường", một quan chức cấp cao chính quyền Mỹ cho biết.

"Chúng tôi đang hành động. Phần lớn lý do khiến người Mỹ đối mặt với giá khí đốt cao là do các quốc gia sản xuất dầu và các công ty lớn đã không tăng nguồn cung đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu. Và nguồn cung nhỏ hơn đồng nghĩa với mức giá dầu cao hơn trên toàn cầu", Tổng thống Biden nói trong cuộc họp tại Nhà Trắng.

Theo CNN, chương trình xả kho dầu của Mỹ nằm trong chiến dịch phối hợp đa quốc gia nhằm kìm lại giá dầu thô đang tăng vọt trên toàn cầu dẫn tới nhiều hệ lụy với các nền kinh tế mới bắt đầu phục hồi. Bên cạnh Mỹ, các quốc gia khác cùng tham gia là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh. Các quan chức Mỹ tin tưởng nỗ lực phối hợp hành động lần này có thể tác động đến việc hạ giá xăng.

"Tổng thống Mỹ sẵn sàng hành động thêm nếu cần và sử dụng toàn quyền của mình, phối hợp với lãnh đạo một số quốc gia trên thế giới để duy trì nguồn cung đầy đủ cho đến khi chúng ta thoát khỏi đại dịch", một quan chức Mỹ nói trên AFP.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Nhà Trắng đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng trong cuộc khủng hoảng năng lượng, tạo nên tình trạng lạm phát tăng cao nhất trong nhiều thập kỷ.

Tổng thống Biden ngày 23/11 cũng đã nhấn mạnh hiện tượng này đang là một vấn đề nghiêm trọng ở cả Mỹ và các quốc gia trên thế giới cho dù giá tăng đột biến chỉ là tạm thời. Vì vậy, thế giới không thể chỉ đứng yên và chờ giá giảm.

"Người tiêu dùng Mỹ cũng lo ngại vì hóa đơn tiêu thụ khí đốt ở các hộ gia đình tăng chóng mặt. Các doanh nghiệp Mỹ cũng vậy. Hiện tại, nguồn cung dầu không theo kịp nhu cầu tiêu thụ trong bối cảnh đại dịch", thông cáo Nhà Trắng nêu rõ. "Đây là lý do tại sao Tổng thống Biden đang tìm cách huy động mọi công cụ có thể để giúp giá dầu giảm và giải quyết tình trạng thiếu nguồn cung".

Phản ứng của OPEC

Theo CNN, Mỹ đã thông báo về việc cùng giải phóng nguồn dự trữ dầu trong bài phát biểu vào ngày 23/11 nhưng thời điểm hiện tại vẫn còn phụ thuộc vào các quốc gia khác để có thể hoàn tất thỏa thuận. Tổng thống Biden gần đây khẳng định việc khai thác nguồn cung từ kho dự trữ sẽ không thể nhanh chóng giải quyết các vấn đề hiện tại nhưng một số nghị sỹ dân chủ lập luận khẳng định đó chỉ là nguồn cung tạm thời.

Mặc dù được dự đoán là sẽ có tác động không đáng kể nhưng lựa chọn giải phóng trữ lượng dầu trong chương trình phối hợp giữa các quốc gia cũng sẽ ảnh hưởng đến thế giới về lâu dài. Chương trình tăng cường xả dầu sẽ thúc đẩy hoạt động khoan dầu được gia tăng và gây ra ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc gần đây, Tổng thống Biden đã hứa hẹn Mỹ sẽ dẫn đầu trong sáng kiến năng lượng sạch.

Theo Theo Hiệp hội ô-tô Mỹ (AAA), giá khí đốt trung bình ở Mỹ tính đến ngày 23/11 là 3,403 USD – cao hơn đáng kể so với trung bình cùng kỳ năm ngoái khi nhiều người không lái xe hay hạn chế đi lại do đại dịch.

Động thái lần này của Mỹ cũng đang ảnh hưởng đến các quốc gia trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đối tác, được gọi là nhóm OPEC+. Các quan chức OPEC+ cho rằng việc xả hàng triệu thùng dầu thô dự trữ là không hợp lý, và cho biết liên minh dầu mỏ có thể sẽ đánh giá lại kế hoạch bổ sung nguồn cung trong cuộc họp vào tuần tới.

Các chuyên gia cảnh báo, sau động thái của Mỹ, mâu thuẫn giữa OPEC+ và các nước tiêu thụ dầu thô lớn có thể sẽ leo thang trên thị trường năng lượng, một tình thế nghiêm trọng đáng kể từ sau cuộc chiến giá dầu giữa Saudi Arabia và Nga hồi đầu năm 2020./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ