(Tổ Quốc) - Cuối tháng 9 đầu tháng 10, vấn đề Rohingya sẽ nổi bật trong chương trình nghị sự LHQ.
Ngày 21/9, Thủ tướng Bangladesh, bà Sheikh Hasina, đã tới New York để dự Đại hội đồng LHQ khóa 73, nhằm kêu gọi cộng đồng quốc tế đưa ra những giải pháp cơ bản lâu dài để giải quyết cuộc khủng hoảng Rohingya, hồi hương người tỵ nạn về các trại thiết lập bên trong lãnh thổ Myanmar.
Hiện có hơn 700.000 người Rohingya chạy sang Bangladesh, tạo ra ghánh nặng nhân đạo và tài chính quá lớn cho Bangladesh vốn đang gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế. Cộng đồng quốc tế đang gây sức ép để Myanmar tiếp nhận lại toàn bộ những người tỵ nạn.
Sức ép tăng lên từ cộng đồng quốc tế
Ngày 20/9, các nghị sĩ quốc hội thuộc Ủy ban Nhân quyền ASEAN đã thúc giục Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc (HRC) ngăn chặn tình trạng tồi tệ của người Rohingya (bang Rakhine - Myanmar) và hành động khẩn cấp để “đem lại công lý” cho các nạn nhân Rohingya. Tuần này, HRC sẽ bỏ phiếu về một nghị quyết thiết lập một cơ chế độc lập tập hợp các vi phạm nhân quyền tại Myanmar nhằm chuẩn bị cho những cuộc xét xử tương lai.
Cũng ngày 20/9, Quốc hội Canada đã thông qua nghị quyết lên án hành vi mà họ gọi là “diệt chủng” của giới quân sự chống lại người Rohingya.
Nhiều làng của người Rohingya ở Rakhine bị đốt phá nhằm ngăn chặn việc hình thành một bang Hồi giáo tại Myanmar. |
Trước đó, nhiều thành viên đảng Dân chủ và Cộng hoà tại Quốc hội Mỹ bày tỏ mất lòng tin vào bà Aung San Suu Kyi vì không lên tiếng trước tình hình tại Rohingya. Hạ Nghị sỹ Ro Khanna đề nghị Quốc hội thu hồi huân chương đã trao tặng cho bà Suu Kyi 6 năm trước. Nhiều nghị sỹ đã gửi thư cho Ngoại trưởng Mike Pompeo kêu gọi tăng cường trừng phạt chính phủ Myanmar. Nhưng cũng có tiếng nói bảy tỏ thông cảm với bà Suu Kyi. Lãnh đạo phe đa số Cộng hoà tại Thượng viện, Mitch McConnell, cho rằng bà Suu Kyi không đủ quyền lực để kìm chế các hành động bạo lực ở Myanmar.
Lần đầu tiên kể từ sau khi bạo lực tái bùng phát tại bang Rakhine ngày 25/8/2017, Nhóm công tác của Liên hợp quốc, gồm các chuyên gia của Cao ủy Liên hợp quốc về Người tỵ nạn (UNHCR) và Cơ quan phát triển Liên hợp quốc (UNDP), đã được chính phủ Myanmar cho phép tiếp cận bang Rakhine để xem xét tình hình và tiến hành các công việc nhân đạo.
Hôm 12/9, Nhóm công tác này đã bắt đầu triển khai nhiệm vụ xem xét, đánh giá tình hình tại đây để xây dựng báo cáo điều tra về những cáo buộc tội ác đối với người Rohingya. Bên cạnh đó, theo Aoife McDonnell, Người Phát ngôn của UNHCR, Nhóm công tác cũng sẽ triển khai áp dụng những biện pháp xây dựng lòng tin để giúp cộng đồng người Rohingya nhanh chóng hòa nhập trở lại với cuộc sống. Bà McDonnell bày tỏ hy vọng Nhóm công tác sẽ được tiếp cận tất cả những khu vực đã được đề cập trong bản Thỏa thuận ký giữa chính phủ Myanmar và các cơ quan của Liên hợp quốc hồi tháng 6 vừa qua. Mới đây, Liên hợp quốc cũng đã công bố bản báo cáo trong đó kêu gọi áp đặt lệnh trừng phạt đối với Tư lệnh quân đội Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing và 5 quan chức cấp cao khác của quân đội Myanmar về “hành vi diệt chủng, tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người”.
Trung Quốc nắm bắt cơ hội
Nếu muốn xét xử một quốc gia thành viên Liên hợp quốc, cần có sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an, với phiếu “thuận” của tất cả 5 thành viên thường trực. Điều này tạo đòn bẩy cho Trung Quốc thúc đẩy quan hệ với Myanmar.
Cuối tuần qua Myanmar và Trung Quốc đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) nhất trí thiết lập Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Myanmar (CMEC), một phần trong Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Bắc Kinh, bị phía Myanmar trì hoãn từ lâu.
Theo MOU, hành lang dài 1.700 km sẽ kết nối Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, với các trung tâm kinh tế lớn của Myanmar - đầu tiên đến Mandalay ở miền trung Myanmar, sau đó về phía Đông tới Yangon và phía Tây đến Đặc khu Kinh tế Kyaukphyu (SEZ), nơi Trung Quốc thiết lập một căn cứ hậu cần chiến lược bên Vịnh Bengal.
Chính phủ hai bên nhất trí hợp tác trên nhiều lĩnh vực bao gồm cơ sở hạ tầng cơ bản, xây dựng, chế tạo, nông nghiệp, giao thông vận tải, tài chính, phát triển nguồn nhân lực, viễn thông và công nghệ.
Các bộ liên quan của hai nước phải thành lập các nhóm công tác và các ủy ban hỗn hợp, để các Bộ dồn sự ưu tiên vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng.
Đề xuất xây dựng CMEC được Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đưa ra trong cuộc gặp Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi tại Naypyitaw hồi tháng 11/2017.
Trung Quốc hiện là nhà đầu tư hàng đầu của Myanmar, từ năm 1988 đến tháng 5/2018, đạt khoảng trên 20 tỷ USD.
Trung Quốc đang “gặt hái” vào lúc Myanmar tìm sự ủng hộ của Bắc Kinh, tránh sự cô lập về chính trị trên trường quốc tế./.