(Tổ Quốc) - Cuộc bầu cử tổng thống Pháp được dự báo diễn ra sít sao.
Pháp đã vượt qua đại dịch vào năm 2021 một cách khá tốt: trường học hầu như không phải đóng cửa, các doanh nghiệp và tiền lương được duy trì tốt và vắc xin được phân phối rộng rãi. Trong năm 2022, kinh tế được phục hồi sẽ tiếp tục thúc đẩy tạo việc làm. Thuế có thể được giảm, người dân tăng cường được hiểu biết về công nghệ và thân thiện với doanh nghiệp hơn so với 5 năm trước. Về lý thuyết, điều đó là điềm tốt cho ông Macron. Nhưng ông cần phải chứng tỏ rằng ông không chỉ cần thể hiện năng lực mà còn cần biết lắng nghe.
Cuộc bầu cử tổng thống hai vòng vào ngày 10 và 24 tháng 4 năm 2022 sẽ rất sít sao, khó khăn và có nhiều chia rẽ. Người Pháp không thích một kịch bản viết sẵn. Kết quả của các cuộc thăm dò sẽ biến động, khi lựa chọn của cử tri dao động cũng sẽ khiến tâm lý của các ứng viên căng thẳng. Và để đưa ra sự lựa chọn cuối cùng, có bốn câu hỏi trọng tâm mà cử tri đang quan tâm.
Hộ chiếu vắc xin của ông Macron có thể ngăn chặn tình trạng phong tỏa không?
Khi Tổng thống Macron công bố một trong những chương trình hộ chiếu vắc-xin đầu tiên trên thế giới vào tháng 7/2021, nhà lãnh đạo Pháp cho biết: "Các hạn chế sẽ chỉ nhằm vào những người chưa được tiêm chủng thay vì tất cả".
Tuy nhiên, khi biến thể Delta kéo theo làn sóng lây nhiễm thứ năm và sự xuất hiện đồng thời của biến thể Omicron vào mùa đông năm nay, Pháp đã áp dụng lại một số hạn chế, chẳng hạn như đóng cửa hộp đêm và cấm nhảy trong quán bar. Dù các biện pháp này vẫn cởi mở hơn nhiều quốc gia châu Âu khác, nhưng luận điểm chính mà ông Macron từng công bố với người dân của mình đã không được tuân thủ: các hạn chế không chỉ nhằm vào những người chưa được tiêm chủng mà còn áp dụng cả với những người đã được tiêm chủng. Vào cuối tháng 12/2021, chính phủ đã thắt chặt các biện pháp hơn nữa, đề nghị tăng cường làm việc tại nhà và giới hạn các cuộc tụ tập đông người. Nếu những hạn chế này tiếp tục gia tăng thì niềm tin của công chúng đối với ông Macron có thể bị suy yếu.
Tìm ra ứng viên hàng đầu của phe cực hữu?
Trong năm 2021, nhà luận chiến cực hữu Éric Zemmour tiếp tục thu hút được nhiều sự chú ý trong các cuộc thăm dò khi có nhiều đồn đoán về tham vọng tổng thống của ông. Một số nhà bình luận đã nói về cuộc cạnh tranh giữa Éric Zemmour và bà Le Pen là cuộc đấu chính tìm ra người đại diện của cánh hữu. Trên thực tế, nhiều ý tưởng của Zemmour được cho là phiên bản cực đoan hơn của Le Pen, đặc biệt là về vấn đề nhập cư và Hồi giáo, mặc dù hai ứng cử viên có phần khác nhau về vấn đề kinh tế.
Hai ứng viên tương phản về phong cách và bản chất lập trường chính trị. Bà Le Pen cho đến nay đã chứng minh được uy tín chính trị của mình. Với vị thế đứng đầu đảng cực hữu National Rally, trước đây là National Front, bà đã thể hiện được mình là một nữ chính khách uy tín và đảng của bà là một phần có thể chấp nhận được trong vòng xoáy chính trị.
Ngược lại, Zemmour không đi theo các chuẩn mực chính trị. Ông nổi tiếng vì tán thành thuyết âm mưu "Thay thế vĩ đại", thuyết cho rằng giới tinh hoa đang cố tình tạo ra sự thay thế người bản địa châu Âu bằng những người nhập cư không phải da trắng từ các nước đang phát triển. Các bài phát biểu trong chiến dịch tranh cử của Zemmour đều có phần giống như cách ông Trump nhằm vào các phương tiện truyền thông và thể chế chính trị. "Nếu họ coi thường tôi, đó là vì họ coi thường bạn," ông phát biểu với công chúng sau khi chính thức tuyên bố tranh cử tổng thống.
Việc bà Le Pen hay ông Zemmour trở ứng cử viên hàng đầu của cực hữu sẽ giúp quyết định hướng đi trong tương lai của chính trị Pháp. Cuộc cạnh tranh đang rất gắt gao. Nếu hai người cùng bắt tay thì tỷ lệ ủng hộ hiện tại của Le Pen và Zemmour cộng lại sẽ là kết quả tốt nhất chưa từng có cho phe cực hữu Pháp. Tuy nhiên, nếu họ vẫn chia rẽ, cả hai sẽ có khả năng trượt vòng loại thứ hai.
Cánh tả tiếp tục chia rẽ và yếu thế?
Các cuộc thăm dò cho thấy phe cánh tả đang ở vị thế yếu nhất trong lịch sử từ sau chiến tranh tại Pháp. Bà Le Pen, ông Zemmour, ứng cử viên trung hữu Valérie Pécresse, và các ứng cử viên cánh hữu nhỏ khác cộng lại đang chiếm khoảng 50% số phiếu. Nếu coi ông Macron là một ứng cử viên trung hữu, như ông đã tự định vị bản thân, thì tỷ lệ cử tri dự định bỏ phiếu cho các ứng cử viên chính của cánh hữu lên tới 73%.
Cánh tả, hiện đại diện bởi Anne Hidalgo, Yannick Jadot, Jean-Luc Mélenchon và một số ứng cử viên nhỏ hơn, nhận được rất ít sự ủng hộ: Chỉ có khoảng một phần tư cử tri dự định bỏ phiếu cho một nhà lãnh đạo cánh tả. Và do số phiếu bầu này chia cho rất nhiều ứng cử viên, không có ứng cử viên nào có cơ hội lọt vào vòng bỏ phiếu thứ hai vào tháng 4 năm nay dựa trên các con số hiện tại.
Nếu không đoàn kết được với một ứng cử viên thống nhất duy nhất, cánh tả sẽ có thành tích không cao trong cuộc bỏ phiếu năm nay.
Liệu bà Pécresse có duy trì được động lực của mình?
Việc bà Valérie Pécresse bất ngờ giành được đề cử của đảng Cộng hòa trung hữu đã đưa bà lên vị trí á quân trong cuộc đua tổng thống. Là ứng cử viên nữ đầu tiên của phe trung hữu và là ứng cử viên đáng tin cậy nhất để trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Pháp trong hơn một thập kỷ, bà được coi là nhân vật có nhiều khả năng đánh bại ông Macron vào năm nay.
Bà có một số lợi thế khi tham gia chiến dịch. Bà là đại diện cho phái nữ với tư tưởng hiện đại hóa, lợi thế tương tự như cách sức trẻ đã giúp ông Macron trong cuộc bầu cử năm 2017. Bà cũng được giới thiệu tới cử tri là một nhà lãnh đạo ôn hòa, mặc dù lập trường của bà về vấn đề di cư là khá cứng rắn.
Tuy nhiên, bà Pécresse gặp một số khó khăn trong việc tách biệt mình với lập trường kinh tế học tự do của ông Macron và quan điểm cực hữu về nhập cư. Liệu bà có thể duy trì được đà phát triển của mình sau khi ánh hào quang ban đầu mờ đi hay không cũng đang là một câu hỏi nhiều cử tri quan tâm.