(Tổ Quốc) - Các chuyên gia cho rằng lũ lụt thảm khốc, hạn hán và các đợt nắng nóng kỷ lục vào năm 2022 là những cảnh báo cho thấy biến đổi khí hậu đã trở thành hiện thực.
Nóng lên toàn cầu
Theo trang Straitstimes, trong năm 2022, thế giới đã nỗ lực tăng cường nhất trí cắt giảm lượng khí thải nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Năm 2022 đã ghi nhận một số tiến bộ quan trọng, trong đó là một số đạo luật mới ứng phó với biến đổi khí hậu ở Mỹ và châu Âu cũng như những thỏa thuận mới tại các cuộc đàm phán của Liên hợp quốc nhằm giúp các quốc gia dễ bị tổn thương.
Tuy nhiên, mục tiêu duy trì giới hạn nóng lên toàn cầu an toàn là 1,5 độ C kể từ thời kỳ tiền công nghiệp đang trở nên khó khăn hơn bởi lượng khí thải carbon dioxide từ nhiên liệu hóa thạch, nguyên nhân chính của sự nóng lên toàn cầu đang trên đà tăng cao nhất mọi thời đại vào năm 2022.
Tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu ở Ai Cập vào tháng 11, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã cảnh báo các nhà lãnh đạo thế giới rằng nhân loại sẽ phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn hoặc là hợp tác với nhau trong cuộc chiến ứng phó với hiện tượng nóng lên toàn cầu hoặc sẽ đối mặt với một thảm họa nếu không kịp thời ngăn chặn những rủi ro từ biến đổi khí hậu. Cụ thể hơn, các chuyên gia khoa học khí hậu của Liên hợp quốc đã đưa ra cảnh báo mạnh mẽ nhất về những mối nguy hiểm mà con người và hành tinh phải đối mặt, với một báo cáo về tác động của khí hậu vào tháng 2.
Trong năm nay, những đợt nắng nóng kỷ lục gây thiệt hại mùa màng từ Trung Quốc đến châu Âu trong khi hạn hán khiến hàng triệu người rơi vào nạn đói ở vùng Sừng châu Phi. Lũ lụt do biến đổi khí hậu trong năm cũng đã gây thiệt hại nhiều cho Pakistan, ảnh hưởng đến 33 triệu người và gây thiệt hại khoảng 30 tỷ USD cho nền kinh tế.
"2022 là một trong những năm nóng nhất trên Trái Đất với tất cả các hiện tượng đi kèm đẩy nhiệt độ cao hơn. Thật không may, đây mới chỉ là bắt đầu", nhà khoa học khí hậu Robert Vautard, người đứng đầu Viện Pierre-Simon Laplace của Pháp cho biết.
Theo Tiến sĩ Vautard, thế giới có thể sẽ phải đối mặt với "cấp độ mới" về sự nóng lên toàn cầu trong thời gian tới.
Đồng thuận của các nước
Những điều kiện khí hậu cực đoan gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế đã dẫn đến các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc vào tháng 11 tại Ai Cập. Nổi bật là các nước gây ô nhiễm nhất trí xây dựng quỹ chi trả cho những hiệt hại do khí hậu gây ra đối với các quốc gia nghèo hơn. Bộ trưởng Khí hậu Pakistan Sherry Rehman gọi động thái này là "khoản trả trước để đầu tư dài hạn hơn vào tương lai chung của chúng ta".
Tuy nhiên, các quốc gia dễ bị tổn thương và các nhà vận động cho biết hội nghị đã không đưa ra được mức giảm phát thải cần thiết để hạn chế tổn thất và thiệt hại khí hậu trong tương lai.
"COP27 giải quyết hậu quả của biến đổi khí hậu nhưng không giải quyết được nguyên nhân là nhiên liệu hóa thạch", ông Harjeet Singh từ Mạng lưới Hành động Khí hậu cho biết.
Để duy trì giới hạn 1,5 độ C, lượng khí thải làm nóng hành tinh cần phải giảm 45% vào năm 2030 và đạt mức bằng 0% vào giữa thế kỷ này. Tại các cuộc đàm phán của Liên Hợp Quốc ở Glasgow vào năm 2021, các quốc gia được khuyến khích tăng cường các cam kết giảm phát thải nhưng chỉ có khoảng 30 quốc gia làm được điều này và hiện thế giới đang trên đà nóng lên khoảng 2,5 độ C. Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres đã chỉ trích sự thất bại của cuộc đàm phán về khí hậu trước đó bởi không thể đưa ra biện pháp cắt giảm mạnh lượng khí thải cần thiết.
"Hành tinh của chúng ta vẫn đang ở trong giai đoạn cần cấp cứu", Tổng thư ký Guterres nhận định.
Đáng chú ý, cuộc họp khẩn cấp khác ở Montreal vào tháng 12 đã định hướng giải quyết khủng hoảng hiện hữu là mất đa dạng sinh học do hoạt động của con người, gây tổn hại nghiêm trọng đến thiên nhiên. Các quốc gia đã đi tới đồng thuận về thỏa thuận đa dạng sinh học toàn cầu mới để bảo vệ các hệ sinh thái và các loài sinh vật khỏi những hành vi tàn phá của con người. Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres gọi đây là "hiệp ước hòa bình với thiên nhiên" nhưng các nhà môi trường cho rằng kế hoạch này vẫn chưa đủ.
Trên cơ sở đó, một loạt các cột mốc khí hậu quan trọng có khả năng sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2023.
"Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới sẽ chính thức xem xét hệ thống tài chính quốc tế cũng như đánh giá vai trò của các tổ chức tài chính quốc tế thông qua các cuộc đàm phán về khí hậu ở Ai Cập vào mùa xuân tới", bà Laurence Tubiana, người đứng đầu cuộc họp của Quỹ Khí hậu Châu Âu cho biết.
Thêm vào đó, cuộc họp về khí hậu tiếp theo của Liên Hợp Quốc vào tháng 11 năm 2023 – được tổ chức tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất – sẽ công bố "bảng kiểm kê toàn cầu" về tiến độ thực hiện mục tiêu của Thỏa thuận Paris năm 2015 nhằm hạn chế sự nóng lên ở mức dưới 2 độ C, điển hình là 1,5 độ C./.