(Tổ Quốc)- Ấn Độ đã có bước phát triển quan trọng về lập trường và chính sách đối ngoại hướng tới Mỹ.
(Tổ Quốc)- Ấn Độ đã có bước phát triển quan trọng về lập trường và chính sách đối ngoại hướng tới Mỹ.
Quyết định "trên nguyên tắc" của Ấn Độ và Hoa Kỳ để ký kết Biên bản Thỏa thuận Trao đổi Hậu cần (LEMOA) trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter cho Ấn Độ vào tháng trước đã đánh dấu một bước nhảy vọt lớn về lập trường và chính sách đối ngoại của Ấn Độ.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter và Thủ tướng Ấn Độ Modi trong cuộc gặp ngày 14/2/2016. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Mỹ)
Thỏa thuận LEMOA đã vạch ra sự hợp tác giữa quân đội Hoa Kỳ và Ấn Độ về chia sẻ các cơ sở tiếp nhiên liệu, phụ tùng, vật tư. Cũng cần lưu ý rằng bằng cách kí kết LEMOA, chính phủ Modi đã vượt qua sự phản đối để đạt được thỏa thuận tương tự dưới thời của Liên minh Tiến bộ Thống nhất cầm quyền (UPA) cầm quyền 2 nhiệm kì trước đó.
Vậy điều gì đã thúc đẩy Ấn Độ tiến tới với LEMOA?
Đầu tiên, cả Ấn Độ và Hoa Kỳ đều có những lo ngại về sự hiện diện ngày càng tăng của Bắc Kinh ở Biển Đông và nhiều khu vực khác. New Delhi cũng không hài lòng với Bắc Kinh trong thời gian gần đây. Trung Quốc đã “kìm giữ về mặt kĩ thuật” những nỗ lực của Ấn Độ để tuyên bố người đứng đầu nhóm phiến quân Jaish-e-Mohammed (JEM) có căn cứ tại Pakistan, Maulana Masood Azhar là một kẻ khủng bố tại Liên Hiệp Quốc. Đồng thời, Trung Quốc cũng đang ‘ve vãn’ tất cả những người láng giềng của Ấn Độ như Nepal, Sri Lanka và Maldives. Trong khi đó, những hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo tại Biển Đông và kế hoạch triển khai tên lửa trên đảo Phú Lâm tại khu vực này của Bắc Kinh đã khiến nước này va chạm với Mỹ và các đồng minh trong khu vực, như Nhật Bản và Philippines.
Thứ hai, quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ đã được cải thiện đáng kể kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Mặc dù các vụ thử hạt nhân của Ấn Độ năm 1998 đã bị Mỹ và nhiều quốc gia khác lên án, nhưng mối quan hệ Mỹ - Ấn dần cải thiện từ chuyến thăm của Tổng thống Bill Clinton đến Ấn Độ vào năm 2000.
Đặc biệt, thỏa thuận hạt nhân dân sự Mỹ-Ấn Độ năm 2008, một ván bài mà Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đặt cược tương lai chính trị vào đó đã tiếp tục thay đổi quan hệ song phương. Hoa Kỳ cũng đã giúp Ấn Độ có được sự miễn trừ khỏi các quy định của Nhóm cung cấp hạt nhân (NSG) mặc dù Ấn Độ chưa ký Hiệp ước Không phổ biến hạt nhân (NPT), hoặc Hiệp định cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT).
Năm 2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Ấn Độ hai lần trong nhiệm kỳ khi ông là khách mời tại lễ kỷ niệm Ngày cộng hòa của Ấn Độ ngày 26/1. Trong thời gian chuyến thăm, hai bên đã đưa ra một tuyên bố chung, khẳng định tầm quan trọng của việc bảo vệ an ninh hàng hải và bảo đảm tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, đặc biệt là ở biển Đông." Bản thân động thái này đã thể hiện sự quan trọng bởi vì New Delhi thường tránh vướng vào những mâu thuẫn tại Biển Đông. Trong những năm gần đây, Ấn Độ cũng đã trở thành một trong những quốc gia mua sắm nhiều thiết bị quân sự của Hoa Kỳ nhất. Đây là một sự thay đổi đáng kể khi trước đó phần lớn vũ khí của Ấn Độ đến từ Nga.
Thứ ba, hợp tác hàng hải giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ ngày càng tăng. Chỉ huy Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương của Mỹ (PACOM), Đô đốc. Harry B. Harris Jr đã tuyên bố rằng Bắc Kinh đang xây dựng "một trường thành bằng cát" ở Biển Đông. Tại Đối thoại Raisina ở Ấn Độ tháng 3 năm nay, ông Harris dấy lên ý tưởng hợp tác giữa Ấn Độ, Australia và Nhật Bản trong lĩnh vực hàng hải. Bên cạnh đó, mối quan hệ của Ấn Độ với các đồng minh của Mỹ trong khu vực, như Nhật Bản và Australia cũng đang được cải thiện mạnh mẽ trong thời gian gần đây.
Thứ tư, Ấn Độ hiện nay mong muốn đóng một vai trò lớn hơn trong các vấn đề quốc tế. New Delhi đang thúc đẩy việc trở thành một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA). Ngoài ra, Ấn Độ, dưới thời Thủ tướng Narendra Modi, đã nhanh chóng chuyển từ lập trường truyền thống không liên kết sang đa liên kết. Bằng việc ký kết thỏa thuận hỗ trợ hậu cần, New Delhi cũng đạt được một thành tựu là tiếp cận tới các cơ sở quân sự của Hoa Kỳ.
Cuối cùng, ông Modi đã lên kế hoạch thực hiện một chuyến thăm nhà nước đến Hoa Kỳ vào cuối năm nay và nhiều tuyên bố quan trọng hơn hứa hẹn sẽ đạt được trong sự kiện này. Ông Obama sẽ rời nhiệm sở vào đầu năm tới và có những mối quan ngại ngày càng tăng ở New Delhi rằng, khi đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát chính phủ Mỹ, quan hệ song phương Mỹ - Ấn có thể sẽ chịu một đòn giáng mạnh mẽ. Hiện nay, ứng viên đại diện của đảng Cộng hòa Donald Trump đã có những phát ngôn phản đối sự can dự của Mỹ ở nước ngoài một cách cứng rắn. Do đó, Ấn Độ nhận thấy cần phải nhanh chóng đạt được một tiến bộ trong quan hệ với Mỹ.
Dù hiện tại Ấn Độ chưa phải là một đồng minh của Mỹ, nhưng dường như dư luận nước này đang thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với một mối quan hệ thân thiết hơn với siêu cường duy nhất của thế giới.
An Bình (Theo The Dilplomat)