• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nâng cao chất lượng đào tạo trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch

Giáo dục 21/10/2022 17:05

(Tổ Quốc) - Sáng 21/10, tại Hà Nội Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội thảo Tuyển sinh và đào tạo lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch năm học 2022-2023.

Hội thảo được tổ chức thực hiện dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến đến nhiều cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch (VHNT, TDTT và DL) trên cả nước như Huế, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Nai, Nha Trang… Thứ trưởng Tạ Quang Đông chủ trì Hội thảo tại điểm cầu Hà Nội.

Hội nghị có sự tham gia của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng đông đảo lãnh đạo các cơ sở đào tạo VHNT, TDTT và DL.

Nâng cao chất lượng đào tạo trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch - Ảnh 1.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông chủ trì Hội thảo tại điểm cầu Hà Nội.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho rằng, trong năm qua, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát nửa cuối năm học, được sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các đơn vị chức năng thuộc Bộ VHTTDL, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, và các ban ngành liên quan và sự nỗ lực của các cơ sở đào tạo, công tác đào tạo nhân lực VHNT, TDTT và DL đã được duy trì, và có những kết quả đáng khích lệ. Các cơ sở đào tạo đã chủ động, sáng tạo trong việc kết hợp giữa phòng chống dịch và triển khai công tác đào tạo, theo đó hoạt động đào tạo đã được triển khai theo kế hoạch đã đề ra.

"Đạt được những thành tích đó, là có tinh thần chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu của các cơ sở đào tạo trong việc đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều tồn tại, bất cập, liên quan đến các mặt hoạt động của các cơ sở đào tạo: từ công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo tốt nghiệp cần có đánh giá để đề xuất các giải pháp cho năm học mới"- Thứ trưởng khẳng định.

Theo Thứ trưởng, Bộ VHTTDL tổ chức Hội thảo nhằm tổng kết công tác đào tạo năm học 2021-2022 nhìn lại những kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại, những khó khăn vướng mắc để đánh giá đúng thực trạng, từ đó, có những phương hướng phù hợp, nhiệm vụ trọng tâm cho năm học 2022-2023, để công tác đào tạo VHNT, TDTT và DL ngày càng đáp ứng yêu cầu thực tiễn về nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Đào tạo Lê Anh Tuấn đã báo cáo tổng kết công tác năm học 2021-2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2022-2023. Trong đó, đáng chú ý là công tác tuyển sinh của ngành VHNT, TDTT và DL vẫn giữ ổn định mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Các cơ sở đào tạo đã đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, sử dụng linh hoạt nền tảng mạng xã hội phục vụ công tác tuyển sinh như website, facebook, zalo... để thí sinh có thể tiếp cận nhanh nhất, dễ hiểu nhất các thông tin tuyển sinh. Ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý hồ sơ xét tuyển, thi tuyển của thí sinh nhanh chóng, hiệu quả. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các cơ sở đào tạo ở Thành phố Hồ Chí Minh đã phải tổ chức kỳ thi tuyển sinh online (chưa từng có trong tiền lệ), nhất là các môn năng khiếu, tuy nhiên, các cơ sở đào tạo đã nỗ lực vượt qua khó khăn, tuyển sinh đảm bảo chỉ tiêu và chất lượng, đúng quy chế.

Nâng cao chất lượng đào tạo trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch - Ảnh 2.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu tại Hội thảo

Năm học 2022-2023, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các cơ sở đào tạo là: 14.234; quy mô đào tạo là 35.934 học sinh, sinh viên. Trong đó, lĩnh vực Văn hóa nghệ thuật là 14.914 học sinh, sinh viên; Thể dục thể thao là 8.452 học sinh, sinh viên; Du lịch là 12.568 học sinh, sinh viên. Theo trình độ đào tạo: Tiến sĩ 395; Thạc sĩ 1.048; Đại học 16.230; Cao đẳng 12.726; Trung cấp 3.148; Sơ cấp 2.387.

Trong năm học này, các cơ sở đào tạo đã chủ động thích ứng, xây dựng kế hoạch đào tạo năm học theo hướng tập trung đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động dạy và học, chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19.

Nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động cập nhật, điều chỉnh khung chương trình đào tạo, chương trình đào tạo trên cơ sở lắng nghe phản hồi của người dạy, người học, đơn vị sử dụng lao động theo hướng tiếp cận phù hợp nhất với nhu cầu xã hội như Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội, Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh, Cao đẳng Du lịch Hà Nội… Điều chỉnh, đổi mới nội dung chương trình, giáo trình giảng dạy theo hướng dạy và học trực tuyến. Khuyến khích giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế bài giảng và giảng dạy.

Ngoài việc áp dụng tiêu chuẩn ISO trong quản lý đào tạo, nhiều cơ sở đào tạo đã triển khai thực hiện chỉ đạo của Bộ ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện kiểm định đánh giá ngoài theo quy định. Năm học 2021-2022, có 3 cơ sở đào tạo đạt chất lượng kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp cấp độ 3 là Trường Cao đẳng Du lịch Vũng Tàu. Trường Cao đẳng Du lịch Nha Trang, Trường Cao đẳng Du lịch Hải Phòng và 02 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt chất lượng kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo tiêu chuẩn mới là Trường Cao đẳng Du lịch Huế, Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng. Có 5 trường đại học được cấp giấy chứng nhận giáo dục đại học, trong đó có 3 trường (Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội. Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh) được công nhận theo tiêu chuẩn cũ. Có 02 trường (Trường Đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng và Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh) được công nhận theo tiêu chuẩn mới.

Nâng cao chất lượng đào tạo trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch - Ảnh 3.

Hội thảo được tổ chức trực tiếp và trực tuyến kết nối nhiều điểm cầu là các cơ sở đào tạo VHNT, TDTT và DL trên cả nước

Việc ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong tuyển sinh, quản lý và tổ chức đào tạo của các cơ sở đào tạo được quan tâm, tuy nhiên, còn nhiều hạn chế về cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật. Nhiều cơ sở đào tạo chưa có hệ thống phần mềm quản lý đào tạo, đây là một khó khăn, trở ngại lớn trong ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào hoạt động đào tạo.

Báo cáo của Vụ trưởng Vụ Đào tạo cũng nêu một số khó khăn của các cơ sở đào tạo như Về cơ chế, chính sách về giáo dục đào tạo; công tác tuyển sinh; công tác đào tạo; thiếu đội ngũ viên chức, giảng viên, giáo viên cả về số lượng và chất lượng; cơ sở trang thiết bị vật chất…

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng nêu những kết quả đã đạt được trong đào tạo của các cơ sở, những khó khăn trong công tác tuyển sinh, hợp tác quốc tế, chuyển đổi số…Ví dụ Trường Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, do phải thực hiện thi năng khiếu nên dù rất nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng trên hệ thống thi THPT quốc gia nhưng chưa nộp hồ sơ tại trường và không tham gia dự thi năng khiếu. Bên cạnh đó, nhiều thí sinh chỉ nộp hồ sơ thi tuyển năng khiếu tại trường mà không đăng ký nguyện vọng trên hệ thống thi THPT quốc gia. Vì thế, Nhà trường phải giải quyết, xử lý rất nhiều những đối tượng đăng ký dự thi như trên, dẫn đến sinh viên trong nhập học muộn và nhà trường gặp nhiều khó khăn trong việc tổng hợp và công bố kết quả tuyển sinh chính xác theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo…

Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Tạ Quang Đông yêu cầu, các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ phải tăng cường trách nhiệm trong nghiên cứu, rà soát kiến nghị tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong thực hiện các quy định pháp luật; Trách nhiệm hơn nữa trong việc nghiên cứu các dự thảo những văn bản quy phạm pháp luật liên quan của các Bộ, ngành để có kiến nghị, ban hành phù hợp. Phát hiện kịp thời các vướng mắc, bất cập, đặc biệt là với các cơ sở đào tạo năng khiếu trong các quy định tuyển sinh, đào tạo trong quá trình tổ chức thực hiện, có kiến nghị để sửa đổi bổ sung.

Thứ trưởng cho rằng, do đặc thù đào tạo nghệ thuật, nhiều cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật có thể gặp phải những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức đào tạo sau đại học, trình độ thạc sĩ và tiến sĩ. Khó khăn về đội ngũ giảng viên đạt chuẩn, có học hàm, học vị đúng chuyên ngành được mời giảng dạy, khó khăn trong việc thiết kế, thành lập các hội đồng chấm luận văn, luận án ở các cấp. Để đảm bảo chất lượng đào tạo và thực hiện đúng các quy định hiện hành, yêu cầu các cơ sở đào tạo thực hiện đúng các quy định hiện hành về đào tạo các trình độ của giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là hoạt động đào tạo sau đại học, trình độ thạc sĩ. Nắm vững quy chế đào tạo hiện hành; rà soát, hoàn thiện quy chế đào tạo của trường.

Đối với các cơ sở đào tạo nghệ thuật có đào tạo văn hóa phổ thông, rà soát, thực hiện đúng quy định, đảm bảo đáp ứng cho đối tượng học sinh học tại cơ sở đào tạo.

"Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn, vướng mắc liên quan đến tính đặc thù, cần kịp thời báo cáo Bộ VHTTDL, Bộ GDĐT để có giải pháp tháo gỡ, khắc phục; tránh tình trạng tổ chức tuyển sinh, đào tạo, tốt nghiệp… không đúng quy chế, ảnh hưởng đến quyền lợi của người học"- Thứ trưởng yêu cầu.

Về đội ngũ cán bộ, viên chức, giảng viên: cần rà soát, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ viên chức, giảng viên, giáo viên đảm bảo đúng tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định đối với từng vị trí, đủ về chất và lượng.

Về kiểm định chất lượng giáo dục, kiểm định chương trình đào tạo, Thứ trưởng cho rằng, hiện nay, công tác khảo thí, kiểm định chất lượng của các cơ sở đào tạo còn hạn chế, chưa đồng bộ. Đội ngũ thực hiện công tác kiểm định chất lượng phần lớn chưa được đào tạo bài bản, chính quy, thậm chí còn thiếu về số lượng theo tiêu chuẩn. Thực trạng này đã ảnh hưởng đến điều kiện tuyển sinh hệ vừa làm vừa học, liên kết đào tạo và xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy.

Nâng cao chất lượng đào tạo trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch - Ảnh 4.

Toàn cảnh Hội thảo

"Các cơ sở đào tạo cần chú trọng hoàn thiện bộ máy và đội ngũ làm công tác kiểm định chất lượng đào tạo theo quy định. Chủ động tiến hành đánh giá chất lượng giáo dục, kiểm định chương trình đào tạo theo đúng các quy định hiện hành. Xây dựng ngay kế hoạch triển khai hoạt động kiểm định chất lượng đại học đối với các cơ sở đào tạo chưa triển khai; rà soát các quy định hiện hành về kiểm định chất lượng, xác định các khó khăn, bất cập, tổng hợp đề xuất với Bộ Văn hóa, Thể thao Du lịch để có ý kiến với các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Lao động-Thương binh và Xã hội có cơ chế đặc thù"- Thứ trưởng yêu cầu.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng yêu cầu các cơ sở đào tạo (Hội đồng trường) rà soát chức năng nhiệm vụ, ban hành đầy đủ các văn bản, quy chế, thống nhất định hướng chiến lược phát triển trường...; phân công nhiệm vụ các Ban chức năng (tiểu ban) với chức năng, nhiệm vụ cụ thể để triển khai các nội dung nhiệm vụ theo quy định. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trong các cơ sở đào tạo; Tăng cường công tác liên kết với nhau và với các công ty, nhà hát của Bộ. Thứ trưởng sẽ kiểm tra công tác này hằng năm. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo cần đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ trong đào tạo.

Thứ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị của Bộ như Vụ Đào tạo, Vụ Tổ chức cán bộ, các đơn vị chức năng liên quan trong chức năng và nhiệm vụ của mình hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở đào tạo thuộc Bộ thực hiện đúng các quy định hiện hành liên quan đến giáo dục và đào tạo./.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ