(Tổ Quốc)-Các chuyên gia du lịch nhận định, chủ trương lựa chọn dịch vụ lưu trú làm khâu đột phá để thay đổi diện mạo của Du lịch Việt Nam của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện là chỉ đạo rất kịp thời và sáng suốt.
- 18.08.2016 Thêm ba khách sạn ở Hà Nội bị “rút sao”
- 20.08.2016 Chiến dịch làm thay đổi hình ảnh của ngành du lịch Việt Nam trên toàn quốc
- 23.08.2016 Khách sạn 3-5 sao trên cả nước “vào tầm ngắm”
- 27.08.2016 Nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú để tạo đột phá cho ngành Du lịch: "Điểm huyệt có tính chất chìa khóa chiến lược"
Tuy nhiên, để chủ trương này được triển khai tốt thì cần sự vào cuộc của các cấp quản lý và những người làm du lịch từ Trung ương đến địa phương.
Bà Đỗ Hồng Xoan – Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam: Trung ương và địa phương đều phải vào cuộc
Từ khi Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhận nhiệm vụ mới tại Bộ VHTTDL thì Du lịch là một trong những lĩnh vực quản lý được Bộ trưởng rất quan tâm và chỉ đạo sát sao. Tôi cho rằng, chủ trương của Bộ trưởng về việc lựa chọn chấn chỉnh dịch vụ lưu trú trên toàn quốc để tạo đà cho sự thay đổi diện mạo toàn diện của ngành Du lịch là chỉ đạo rất chính xác trong bối cảnh hiện nay và hoàn toàn nằm trong tầm tay của Bộ VHTTDL.
Bà Đỗ Hồng Xoan - Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam |
Dịch vụ lưu trú đóng vai trò rất quan trọng trong việc làm hài lòng du khách trong một chuyến du lịch. Để có được điều đó, các cơ sở lưu trú cần phải quan tâm đến tất cả các yếu tố như trang thiết bị, cơ sở vật chất, tiện nghi, chất lượng nguồn nhân lực, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường để phát triển du lịch bền vững, đảm bảo an toàn, an ninh cho du khách cho đến thái độ phục vụ thân thiện với du khách. Nếu các cơ sở lưu trú làm tốt thì không chỉ khiến cho du khách hài lòng, mà còn tạo đà cho sự thay đổi tích cực của những lĩnh vực khác trong ngành Du lịch.
Để thực hiện chủ trương của Bộ trưởng thì toàn ngành phải vào cuộc, từ các cấp quản lý Trung ương đến địa phương và cần có sự kiểm tra, giám sát. Nếu những cơ sở nào làm tốt thì cần tuyên dương và yêu cầu duy trì chất lượng dịch vụ và nâng tầm hơn. Những cơ sở nào làm chưa tốt, còn hạn chế thì cần chấn chỉnh, yêu cầu nâng cấp hơn cả về trang thiết bị, cơ sở vật chất, đặc biệt là nguồn nhân lực. Phải quán triệt nhận thức rằng tất cả những người làm du lịch, từ quản lý, điều hành cho đến những người lao động trực tiếp trong ngành Du lịch cần có trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt, ngoại ngữ tốt và đặc biệt là thái độ phục vụ niềm nở thân thiện với du khách. Tất cả phải phù hợp với quy chuẩn của hạng sao mà cơ sở đó được công nhận, phù hợp với thông lệ quốc tế. Những điều này đều rất quan trọng để tạo nên chất lượng dịch vụ tốt dành cho du khách và quyết định sự hài lòng của du khách.
Bà Trần Thị Việt Hương – Giám đốc Ban Tiếp thị - Công ty Du lịch Vietravel: Hệ thống lưu trú của Việt Nam không hề thua kém các quốc gia trong khu vực
Xét riêng tại Việt Nam, với lợi thế diện tích đất đai rộng lớn cũng như vị trí địa lý gần biển, núi, sông ngòi nên phòng khách sạn tại Việt Nam thường lớn và có view đẹp hơn so với một số quốc gia khác trong khu vực. Bên cạnh một số khách sạn xây dựng từ năm 2005 trở về trước nhìn chung đã lỗi thời, xuống cấp, các khách sạn mới xây gần đây có lối kiến trúc và nội thất khá hiện đại, phù hợp với thị hiếu du khách quốc tế. Đặc biệt hiện tại đang nổi lên các dự án bất động sản nghỉ dưỡng rất sang trọng và đẳng cấp.
Bà Trần Thị Việt Hương - Giám đốc Ban Tiếp thị (Công ty Du lịch Vietravel) |
Về trình độ nhân viên khách sạn, có thể nói tại các khách sạn (từ 3 – 5 sao) ở những thành phố lớn, có lượng khách quốc tế đông thì hầu hết đội ngũ này đều được huấn luyện bài bản nên khá chuyên nghiệp. Chúng tôi cho rằng, so với các quốc gia trong khu vực thì hệ thống cơ sở lưu trú của Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu của du khách quốc tế.
Do vậy, tôi cho rằng chủ trương mà Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đưa ra hoàn toàn khả thi và cần được triển khai ngay. Một khi chủ trương này được hiện thực hóa thì các hãng lữ hành sẽ mạnh dạn đưa vào quảng bá thêm như là một điểm nhấn trong bộ sản phẩm du lịch của mình. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn sẽ có những chính sách hợp lý và công bằng hơn về dịch vụ phòng cho doanh nghiệp trong và ngoài nước. Mặc dù, xét về cơ sở hạ tầng, khách sạn Việt Nam không hề thua kém các quốc gia khác trong khu vực nhưng về mặt bằng giá cả lại khá cao. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá tour du lịch tại Việt Nam cao hơn các quốc gia khác, làm giảm đi thế cạnh tranh khi thu hút khách quốc tế.
Ông Erwin R. Popov - Giám đốc điều hành Khách sạn Daewoo Hà Nội: Một chủ trương đúng đắn, giúp nâng tầm khách sạn 4-5 sao của Việt Nam
Tôi cho rằng đây là một chủ trương rất đúng đắn, bởi lẽ khách sạn là một trong những điểm dừng chân đầu tiên của du khách khi đến Việt Nam. Vì vậy, việc hệ thống khách sạn 4-5 sao tại Việt Nam được tiêu chuẩn hóa từ cơ sở vật chất, thái độ phục vụ, đi kèm với chất lượng dịch vụ chuẩn quốc tế chắc chắn sẽ góp phần thay đổi hình ảnh Du lịch Việt Nam.
Ông Erwin R. Popov - Giám đốc điều hành Khách sạn Daewoo Hà Nội (Ảnh: PLVN) |
Theo tôi đánh giá, hệ thống khách sạn 4-5 sao tại Việt Nam có rất nhiều lợi thế để phát triển. Có thể kể đến những yếu tố như nhân sự trẻ, giàu đam mê, nhiệt huyết và hiếu khách, phong cách ẩm thực địa phương đặc trưng phong phú,… Chủ trương này sẽ góp phần hoàn thiện và nâng tầm các khách sạn 4-5 sao tại Việt Nam, giúp phát huy và hoàn thiện những lợi thế vốn có.
Để chủ trương của Bộ trưởng được triển khai hiệu quả, bản thân mỗi khách sạn cần ý thức vai trò, tầm quan trọng của cơ sở mình thông qua việc đầu tư cơ sở vật chất, hoàn thiện chất lượng dịch vụ. Là một trong những khách sạn 5 sao đi đầu tại thủ đô, Hà Nội Daewoo tự hào khi từ những năm 1996, chúng tôi đã cử đoàn cán bộ cấp cao sang Hàn Quốc để đào tạo. Trải qua quá trình 20 năm hình thành và phát triên, Hà Nội Daewoo không ngừng hoàn thiện chất lượng dịch vụ, nâng cấp cơ sở vật chất để mang đến cho khách hàng những trải nghiệm chuẩn 05 sao./.
Lâm Minh