• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nâng cao nhận thức, hiểu biết về sở hữu trí tuệ

Văn hoá 06/10/2023 14:09

(Tổ Quốc) – Ngày 6/10, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ cho các hội thành viên trong hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam.

Phát biểu khai mạc PGS.TS Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết: Hiện nay khai thác sản phẩm sở hữu trí tuệ đang có nhiều vi phạm ở các lĩnh vực và khá phức tạp. Đây là vấn đề cần nhận diện rõ và có những giải pháp hiệu quả… Việc nâng cao ý thức tôn trọng và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả, quyền có liên quan đến sáng tạo cho khối doanh nghiệp cũng cần được quan tâm. Vì vậy, trước mắt cần lan tỏa kiến thức về sở hữu trí tuệ và bản quyền cho các tác giả sáng tạo, nhưng về lâu dài cần có những chiến lược tạo dựng nền tảng chung về sở hữu trí tuệ.

Nâng cao nhận thức, hiểu biết về sở hữu trí tuệ  - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo

Theo các chuyên gia, sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội. Quyền sở hữu trí tuệ hỗ trợ phát triển liên tục luồng sản phẩm, dịch vụ sáng tạo, cạnh tranh, đem lại lợi ích cho người tiêu dùng. Quyền sở hữu trí tuệ thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng và bảo vệ người tiêu dùng hiệu quả hơn khỏi hiện tượng hàng giả, hàng lậu.

Giải thích về khái niệm của sáng chế và kiểu dáng công nghiệp, ông Ðào Anh Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Thẩm định kiểu dáng công nghiệp, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng quy luật tự nhiên.

Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm, bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp, được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này và nhìn thấy được trong quá trình khai thác công dụng của sản phẩm, sản phẩm phức hợp.

Ông Bùi Nguyên Hùng – nguyên Cục trưởng Cục bản quyền tác giả, Bộ VHTTDL, Chủ tịch Hiệp hội sáng tạo và Bản quyền tác giả Việt Nam đã làm rõ các nội dung liên quan đến bảo vệ bản quyền tác giả. Theo ông Bùi Nguyên Hùng, sở hữu quyền tác giả cần có một số giải pháp như Quyền tự bảo vệ; Hợp đồng với bên khai thác, sử dụng; Tổ chức hỗ trợ, bổ trợ: Luật sư, Hiệp hội/ Hội.

Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến trao đổi của các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện đến từ các hội thành viên trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam.

Theo ý kiến của PGS.TS Phạm Bích San – Chuyên gia xã hội học cho hay, hiện nay Luật Sở hữu trí tuệ đã bổ sung nhiều điểm mới, tuy nhiên vẫn chưa tạo được động lực mạnh mẽ cho các nhà khoa học trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Ths Nguyễn Hữu Giới – Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam cho rằng, Liên hiệp Hội Việt Nam cần nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ trong hệ thống hội/ tổng hội của mình cho các hội viên. Bởi lẽ, các hội có nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ, nên cần biết và nắm chắc nội dung của Luật Sở hữu trí tuệ, để thực thi một cách hiệu quả nhất vào công tác của mình.

Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, một số thay đổi nổi bật của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả là đã định nghĩa cụ thể hơn về đồng tác giả, cho phép chuyển giao quyền nhân thân, bổ sung và làm rõ một số trường hợp ngoại lệ và hạn chế đối với quyền tác giả và quyền liên quan.

Về sáng chế đã mở rộng phạm vi của “giải pháp kỹ thuật đã biết” bao gồm cả những đơn sáng chế có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn nhưng được công bố vào hoặc sau ngày nộp đơn của đơn đang thẩm định. Bổ sung một số căn cứ mới cho việc hủy bỏ hiệu lực Bằng độc quyền sáng chế. Nới lỏng quy định về kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi nộp đơn đăng ký ở nước ngoài.

Về nhãn hiệu đã giảm khoảng thời gian nhãn hiệu hết hạn hiệu lực có thể được sử dụng làm đối chứng từ 5 năm xuống còn 3 năm, cho phép tạm dừng thủ tục thẩm định đơn nhãn hiệu để chờ kết quả của việc chấm dứt hoặc hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu đối chứng.

Về thực thi quyền sở hữu trí tuệ: Cơ chế thực thi quyền được giữ nguyên với đủ 3 biện pháp: Hành chính, dân sự, hình sự; cho phép sự tham gia chủ động của cơ quan hải quan trong trường hợp phát hiện hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ; đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian bước đầu bị ràng buộc trách nhiệm liên quan tới quyền tác giả, quyền liên quan; pháp nhân thương mại được bao gồm trong đối tượng bị xử lý hình sự.

Các đại biểu tham dự Hội thảo tập trung thảo luận về các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ như: quyền tác giả, sáng chế, nhãn hiệu; đề xuất về việc phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ; trong công tác nghiên cứu khoa học và thực hiện các đề án, đề tài, công trình khoa học, hoặc viết sách, viết các bài báo khoa học; cẩn trọng tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền tác giả, để tránh vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ...

Các đại biểu đề nghị Liên hiệp Hội Việt Nam cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông và phổ biến ý thức về quyền sở hữu trí tuệ. Bởi lẽ hiện nay các hội thành viên nhiều người chưa biết và chưa nắm được Luật Sở hữu trí tuệ thì sẽ khó cho việc triển khai Luật Sở hữu trí tuệ đi vào cuộc sống./.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ