• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Năng lượng Nga là "con ngựa thành Troy" tiến vào châu Âu?

Thế giới 11/11/2019 10:59

(Tổ Quốc) - Các dự án Nord Stream 2 và TurkStream do Nga dẫn đầu sẽ bơm năng lượng về phía tây, nhưng đang có một số tiếng nói lo ngại Kremlin đang tiến hành chiến tranh năng lượng.

Việc xây dựng Nord Stream 2, một đường ống khí đốt tự nhiên kết nối khu vực Leningrad, Nga với Bắc Đức thông qua Baltic, gần như đã hoàn tất, nhưng vẫn còn một số tranh cãi về dự án.

Một cách chính thức, đường ống Nord Stream 2, dự kiến hoàn tất vào đầu năm 2020, sẽ cung cấp thêm khí đốt cho châu Âu và tối ưu hóa chi phí vận chuyển.

Tuy nhiên, một số người, vẫn còn nghi ngờ. Họ cho rằng Kremlin thực tế đang triển khai chiến lược radar hai trục, một mặt sẽ tác động tài chính đến Ukraine đồng thời gia tăng ảnh hưởng tới an ninh năng lượng châu Âu.

Câu hỏi về Nord Stream 2

Tuần trước, công ty khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga đã nhận được sự cho phép từ lâu để xây dựng một trong những phần cuối của Nord Stream 2 thông qua vùng lãnh hải của Đan Mạch.

Với đường đi gần giống như Nord Stream 1 đã hoạt động, Nord Stream 2 sẽ bao gồm hai đường ống song song chạy dọc dưới đáy biển Baltic, với công suất hàng năm là 55 tỷ m3.

Năng lượng Nga là "con ngựa thành Troy" tiến vào châu Âu? - Ảnh 1.

Các dự án năng lượng nối Nga với châu Âu đang khiến nhiều chuyên gia đặt câu hỏi. Ảnh: Istock.

Trong khi đó, TurkStream - một đường ống khác thuộc sở hữu của Gazprom chạy qua Biển Đen, kết nối miền nam nước Nga với Thổ Nhĩ Kỳ và sau đó tiếp tục qua Bulgaria và Serbia để vào Hungary - sẽ đi vào hoạt động vào một thời điểm trong năm 2020 với công suất 31 tỷ m3.

Hai đường ống này là cốt lõi trong kế hoạch của Gazprom nhằm tăng cung cấp khí đốt cho châu Âu giàu vốn nhưng thiếu năng lượng. Gã khổng lồ Nga đã cung cấp khoảng 40% tổng lượng năng lượng nhập khẩu của châu Âu, chảy qua ba tuyến hiện có: Nord Stream 1; một đường ống qua Ukraine và một phần ba thông qua Belarus.

Với khả năng của các tuyến đường hiện có, đang có nhiều câu hỏi đặt ra với các đường ống mới.

Nền tảng phát triển?

Như Dmitry Marinchenko, nhà phân tích về dầu khí tại Fitch đã chỉ ra, cơ sở hạ tầng hiện có đủ để đáp ứng nhu cầu khí đốt hiện tại của Châu Âu, ông nói với Asia Times.

Trên thực tế, Gazprom đang thực hiện "một chương trình tối ưu hóa", đến năm 2020 sẽ giảm nguồn cung theo hướng đi qua Ukraine xuống còn khoảng 10% mức hiện tại. Vậy thì, lý do đằng sau việc xây dựng các đường ống mới trong khi tháo dỡ đường ống cũ là gì?

Giám đốc điều hành của Gazprom, ông Andreassey Miller trả lời rằng Nord Stream 2 tiết kiệm chi phí gấp 1,6 lần so với tuyến đường Ukraine. Và ông ấy có cơ sở để tiếp tục lập trường này khi cổ phiếu Gazprom đã tăng mạnh kể từ khi Đan Mạch thông báo sẽ "bật đèn xanh" cho Nord Stream 2, đạt mức cao nhất kể từ tháng 8/2008. Công ty này hiện trị giá 98,8 tỷ USD vốn hóa thị trường.

Tuy nhiên, những người theo sát những con số của Gazprom lại đang nhướn mày. Các ước tính tài chính chính thức của Gazprom không bao gồm chi phí khổng lồ cho cơ sở hạ tầng trên đất liền nối các đường ống ở phía tây với các mỏ khí đốt tự nhiên nằm sâu bên lãnh thổ rộng lớn của Nga.

Theo ước tính của các nhà phân tích tại ngân hàng thương mại lớn nhất của Nga, Sberbank CIS, chi phí thực tế cho các dự án vượt quá con số chính thức Gazprom công bố, vượt 60% cho Nord Stream 2 và tới 160% cho TurkStream.

Chiến lược thực tế?

Mikhail Krutikhin, một chuyên gia tại công ty tư vấn độc lập RusEnergy, có trụ sở tại Moscow nói, xem xét những con số này, lý do phát triển cả Turkstream và Nord Stream 2 dường như không phải là kinh tế. Các đường ống mới chủ yếu có một mục tiêu chính trị: Trừng phạt Ukraine".

Nếu chuyên gia này đúng, đây sẽ là lần đầu tiên Nga sử dụng công ty nhà nước Gazprom chống lại Ukraine và châu Âu - bằng cách tăng giá khí đốt hoặc giảm nguồn cung trong thời gian quan hệ ngoại giao xấu đi.

Vấn đề không chỉ là về Ukraine. Ngoài việc cắt đi nguồn tài chính lớn cho Kiev, Nord Stream còn làm trầm trọng thêm sự chia rẽ giữa các quốc gia EU.

Những người hưởng lợi chính của Nord Stream 2 sẽ là Đức, thu lợi từ phí vận chuyển khí đốt và Áo, điểm đến cuối cùng của tuyến đường cung cấp khí đốt mới – điều củng cố vị trí của nước này là trung tâm khí đốt chính của Châu Âu.

Và Tổng thống Hungary Victor Orban gần đây đã nói rằng tham gia TurkStream là một ưu tiên. Nếu khí đốt của Nga chỉ đi qua Ukraine, điều đó không tốt cho Hungary", ông nói trong một cuộc họp gần đây với ông Putin.

Những người bị thiệt sẽ là Ba Lan, các nước vùng Baltic và Slovakia, sẽ bị tước đi nguồn thuế quan quá cảnh khi tuyến đường Ukraine dần mất đi ý nghĩa.

Những người phản đối Nord Stream đã tìm thấy một đồng minh là Mỹ. Washington là một thế lực hàng đầu trong NATO và cũng đang tìm cách tăng doanh số bán khí đốt hóa lỏng của mình sang châu Âu. Một số thượng nghị sĩ Mỹ đã lên tiếng về khả năng trừng phạt các công ty châu Âu tham gia xây dựng đường ống này.

Đáp lại, Berlin đã cảnh báo Washington không nên can thiệp. Những vấn đề liên quan đến chính sách năng lượng của châu Âu phải được quyết định ở châu Âu, chứ không phải ở Hoa Kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas nói hồi đầu năm nay.

Nhìn về hướng đông

Doanh thu từ dầu khí chiếm khoảng 40% ngân sách nhà nước của Moscow. Quốc huy hình đại bàng hai đầu của Nga đã nói rõ, họ là một quốc gia nhìn cả phía đông và phía tây. Không có gì đáng ngạc nhiên khi quan điểm đông - tây cũng đại diện cho xuất khẩu khí đốt của Gazprom, hiện đang nhắm vào cả hai đầu của lục địa Á-Âu.

Trong khi các cuộc tranh luận chính trị vẫn đang nhắm vào các đường ống chạy về phía tây của Nga, thì đó không phải là vấn đề đối với phía đông. Đường ống Power of Siberia, dài 3.000 km nối Đông Siberia của Nga với đối tác thiếu năng lượng Trung Quốc, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.

Dự án này, với chi phí ước tính 55 tỷ USD, là khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của Moscow tại các tỉnh phía đông kém phát triển và thưa dân số. Điều này cũng đại diện cho một sự đánh cược lớn rằng mối quan hệ Trung Quốc-Nga trong tương lai sẽ tiếp tục xu hướng tích cực hiện tại.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ