(Tổ Quốc)-Tổng thống Nga thăm Ý giữa lúc châu Âu và NATO đối phó với việc Mỹ và Nga tiến tới thời điểm rời khỏi Hiệp ước về Tên lửa Hạt nhân tầm trung.
Trước đó, ngày 3/7, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh về việc Nga ngừng tham gia Hiệp ước về vũ khí hạt nhân tầm trung (INF). Trả lời phỏng vấn báo Corriere della Sera trước thềm chuyến thăm Ý, ông Putin cho biết Moscow sẵn sàng đối thoại với Washington về vấn đề kiểm soát vũ khí. Tổng thống Nga cho rằng sự thất bại của hệ thống an ninh quốc tế được bắt đầu khi Mỹ tuyên bố rời khỏi INF. Theo Tổng thống Putin, hàng năm Nga chi cho quốc phòng khoảng 48 tỷ USD còn ngân sách của Mỹ dành cho quốc phòng là hơn 700 tỷ USD. Ông Putin nhấn mạnh Nga không tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang nhưng Nga cần bảo đảm an ninh của mình; khả năng hợp tác với Mỹ trong vấn về kiểm soát vũ khí hiện nay rất "mờ mịt".
Ngày 5/7, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết một lần nữa Nga đã từ chối phá hủy những tên lửa mới được triển khai tại châu Âu và điều này vi phạm Hiệp ước về Tên lửa Hạt nhân tầm trung INF được ký năm 1987. Tại một buổi họp báo, Tổng thư ký Jens Stoltenberg lấy làm tiếc rằng Moscow đã không cho thấy có chút thiện chí nào tuân thủ Hiệp ước. NATO yêu cầu Nga phá hủy hệ thống tên lửa mới SSC-8 của nước này trước ngày 2/8 là ngày INF hết hiệu lực do Mỹ tuyên bố rút khỏi khỏi Hiệp ước vì nghi ngờ Nga đã vi phạm. Những loại tên lửa mới này được cho có khả năng mang các đầu đạn hạt nhân, có thể bắn tới các thành phố châu Âu chỉ trong vòng "vài phút" và rất khó phát hiện.
Theo Tổng thư ký Jens Stoltenberg, việc Nga từ chối phá hủy hệ thống tên lửa đó có nguy cơ gây ra những "hậu quả nghiêm trọng cho việc kiểm soát các loại vũ khí hạt nhân". Ông cảnh báo, trong bối cảnh này, NATO không còn chọn lựa nào khác là phải "hành động", đồng thời khẳng định lập trường "châu Âu không có ý định triển khai hệ thống tên lửa mới có gắn đầu đạn hạt nhân tại châu Âu".
Hệ thống tên lửa hành trình tầm trung của Nga SSC-8 tạo nên nỗi đau đầu đối với các thành viên NATO châu Âu.
Phái đoàn đại diện Nga đã phản ứng trong một thông cáo, cho rằng cáo buộc Nga phải chịu trách nhiệm cho sự biến mất của Hiệp ước vũ khí hạt nhân là "không chính đáng". Thông cáo khẳng định: "Vì Mỹ rút khỏi khỏi Hiệp ước, trong khi đó, Nga không có ý định triển khai hệ thống tên lửa tương tự tại châu Âu và nhiều vùng khác trừ phi các tên lửa tầm trung và ngắn của Mỹ được triển khai. Do vậy, chúng tôi yêu cầu các nước trong NATO cũng phải có một tuyên bố tương tự".
Các sự kiện trên diễn ra khi vừa qua, bên lề Hội nghị G-20 ở Osaka (Nhật Bản), Tổng thống Putin đã đạt được một thành quả đối ngoại, khi Tổng thống Trump vượt qua những lời chỉ trích trong nước để tiến hành cuộc gặp tay đôi với Tổng thống Nga. Tại cuộc gặp này, hai nhà lãnh đạo bắt đầu đối thoại về kiểm soát vũ khí chiến lược, trong bối cảnh Hiệp ước kiểm soát vũ khí New Start, ký kết năm 2010, sẽ hết hiệu lực vào năm 2021. Ông Putin đã mời Tổng thống Mỹ tới Moscow dự lễ kỷ niệm 75 năm ngày kết thúc Chiến tranh thế giới II, tổ chức vào năm 2020.
Tổng thống Pháp Macron cũng đã gặp ông Putin tại Osaka và được mời tham dự sự kiện nói trên. Với Thủ tướng Đức Merkel, ông Putin cam kết sử dụng cơ chế Normandy để giải quyết cuộc khủng hoảng miền Đông Ukraine.
Tuy các nhà lãnh đạo phương Tây chưa thể bỏ cấm vận chống lại Nga từ sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea năm 2014, nhưng họ cũng không muốn xa lánh hay cô lập Nga hơn nữa, vì việc đó có thể tạo điều kiện để Trung Quốc làm sâu sắc thêm quan hệ với Nga.
Thời gian tới, Nga sẽ tiếp tục cải cách các lực lượng quân đội trên bộ, trên biển và trên không, bảo đảm đến năm 2020 có 70% số vũ khí là loại hiện đại, cải cách hệ thống quản lý và hậu cần để nâng cao lên một bước chất lượng của lực lượng vũ trang của Nga. Sức mạnh quân sự là một yếu tố quan trọng bảo đảm sự ổn định bên ngoài và bên trong của Nga.
Những thách thức nghiêm trọng của xã hội Nga hiện nay là Nhà nước tập trung thúc đẩy lợi ích kinh tế của giới thượng lưu nhiều hơn là cho toàn xã hội, quản lý nhà nước và phối hợp giữa chính quyền trung ương và các địa phương chưa tốt, cải cách tư pháp tiến hành chậm, hiệu quả thấp, tham nhũng mang tính hệ thống và trầm trọng. Thời gian tới tăng trưởng của Nga sẽ chậm lại. Cải cách kinh tế rất chậm và ít hiệu quả.
Trong bối cảnh không có bất kỳ sự đột phá nào từ tất cả các phía, ông Putin sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động đối ngoại để làm suy yếu các nỗ lực của phương Tây làm suy yếu Nga, giữa lúc quá trình vận động nội bộ ở Nga liên quan thay đổi quyền lực khi nhiệm kỳ của Tổng thống Putin sẽ kết thúc vào năm 2024, diễn ra sớm hơn dự kiến./.