• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

NATO gia tăng hiện diện chiến lược ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Thế giới 14/06/2023 09:08

(Tổ Quốc) - Theo Nikkei Asia, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ tăng cường hợp tác với 4 đối tác lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời chuẩn bị các văn kiện hợp tác song phương với Australia, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc.

Bốn quốc gia này, được gọi chung là nhóm đối tác châu Á-Thái Bình Dương (AP4), hiện được NATO gọi là "đối tác khắp toàn cầu".

Tăng cường hợp tác với Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

NATO cũng hướng tới ký kết Chương trình Hợp tác đáp ứng nhu cầu riêng (ITPP) với cả bốn nước – đánh dấu việc nâng cấp quan hệ lên một hình thức đối tác cao hơn. ITPP sẽ đóng vai trò là một lộ trình hợp tác để các đối tác tìm kiếm sự hợp tác về các vấn đề như an ninh mạng, không gian và chống lại thông tin sai lệch.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng đã đề xuất mở một văn phòng liên lạc của NATO tại Tokyo vào năm tới, nhưng ý tưởng này đã vấp phải sự phản đối từ Pháp.

Trong khi nhiều thành viên NATO cho rằng văn phòng liên lạc trên sẽ giúp tạo điều kiện triển khai suôn sẻ bốn chương trình hợp tác ITPP tại khu vực, thì việc mở văn phòng liên lạc cần có sự đồng ý của tất cả các thành viên và dư luận đang hy vọng Pháp sẽ đồng ý.

NATO gia tăng hiện diện chiến lược ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương - Ảnh 1.

Các bộ trưởng quốc phòng NATO gặp đại diện của Australia, Japan, South Korea và New Zealand tại Brussels tháng 5/2022. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins dự kiến sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới tại Vilnius, thủ đô của Lithuania, vào ngày 11 và 12/7.

Đây sẽ là năm thứ hai liên tiếp cả bốn nhà lãnh đạo AP4 tham dự, ra tín hiệu về mối quan hệ sâu sắc hơn giữa NATO và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết "vẫn chưa rõ" liệu ITPP của Nhật Bản có được thông qua hội nghị thượng đỉnh này hay không. Các nguồn tin của NATO cho biết các cuộc đàm phán với Australia đang ở giai đoạn cao nhất, trong khi Hàn Quốc và New Zealand vẫn đang trong những bước đầu.

Trung tướng Francesco Diella, Giám đốc Ban Hợp tác An ninh của NATO, đã đến thăm các nước AP4 để thảo luận về ITPP.

Vào tháng 2, ông Diella đã đến thăm Hàn Quốc để gặp gỡ các đại diện quân đội. Tháng 3, Tướng Diella tới Australia và New Zealand để gặp gỡ các đại diện chính trị và quân sự cấp cao.

Các ITPP với Australia và New Zealand "sẽ giải quyết các vấn đề an ninh xuyên suốt gây quan ngại toàn cầu - bao gồm an ninh hàng hải, công nghệ mới, không gian mạng, tác động của biến đổi khí hậu đối với an ninh và khả năng phục hồi - thông qua các cuộc tham vấn chính trị và quân sự phù hợp, huấn luyện và diễn tập chung, và hợp tác trong các hoạt động và nhiệm vụ do NATO lãnh đạo," một thông cáo báo chí cho biết.

Gần đây nhất, ông Diella đã đến thăm Nhật Bản vào tháng 5, nơi diễn ra các cuộc tham vấn tương tự.

Gia tăng vị thế cho NATO trước các siêu cường

Trong một văn bản xác định mục đích, bản chất, thách thức và chiến lược của NATO được ban hành năm ngoái, liên minh này lần đầu tiên nêu chi tiết về sự cạnh tranh với Trung Quốc và mối quan hệ đối tác chặt chẽ giữa Trung Quốc và Nga.

Trong khi NATO có truyền thống tập trung sự quan tâm vào khu vực Bắc Đại Tây Dương, tư duy mới của nhóm là các mối đe dọa thời hiện đại không còn chịu rào cản từ các khu vực địa lý và mang tính toàn cầu.

"Có một mối quan tâm rõ ràng từ tất cả các đồng minh rằng chúng ta nên tăng cường mối quan hệ với bốn đối tác trong khu vực này," đại sứ một quốc gia châu Âu tại Tokyo chia sẻ với Nikkei Asia.

Sau khi các văn bản ITPP được hoàn tất, "bước hợp lý tiếp theo sẽ là thành lập một văn phòng liên lạc tại Nhật Bản," đại sứ này nói.

Phía Nhật Bản cũng mong muốn NATO nhanh chóng có văn phòng tại đây. Các nguồn tin nói với Nikkei rằng ông Kishida đã nêu vấn đề này với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi hai người gặp nhau trong 35 phút ở Hiroshima vào ngày 19/5, bên lề hội nghị thượng đỉnh G7.

Các bộ trưởng Nhật Bản cũng đã đưa ra vấn đề này trong cuộc họp hai cộng hai giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng hai bên vào ngày 9 tháng 5, được tổ chức trực tuyến trước thềm G7.

Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei gần đây, Philippe Setton, đại sứ Pháp tại Tokyo, đã đặt câu hỏi liệu văn phòng liên lạc một người có phải chỉ là một hình thức thay thế khác cho vai trò "đầu mối liên lạc của NATO". Vai trò này hiện tại đang được đại sứ quán Đan Mạch tại Nhật Bản thực hiện. Có bốn nhân viên tại Đại sứ quán Đan Mạch xử lý các công việc của NATO.

NATO hiện có các văn phòng liên lạc tại Liên Hợp Quốc ở New York, Tổ chức An ninh và Hợp tác ở Châu Âu ở Vienna, cũng như ở Bosnia và Herzegovina, Gruzia, Kuwait, Moldova, Serbia và Ukraine.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ