• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

NATO: tan rã hay chỉ là “rung cây dọa khỉ”

Thế giới 12/11/2016 11:32

(Tổ Quốc) - Liệu chính quyền mới của nước Mỹ sẽ thật sự đẩy đồng minh NATO đến bờ vực tan vỡ?  

 Mối quan hệ giữa Mỹ và NATO sẽ đi theo hướng nào?

Chiến thắng của tỷ phú Donald Trump khiến tương lai của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO đứng trước một tương lai bất định. 

Có thể tồn tại nhưng hãy xì tiền ra

Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn giữ nguyên NATO, tuy nhiên việc ông kêu gọi châu Âu phải chi nhiều hơn nữa cho ngân sách quốc phòng dường như là một yêu cầu khó khăn; đặc biệt trong thời điểm các quốc gia đang thắt chặt ngân sách.

Chính sách của NATO quy định rằng, quốc gia thành viên phải dành ít nhất 2% GDP cho chi phí quốc phòng. Năm 2015, chỉ có 5 nước đạt được chỉ tiêu này, bao gồm Hy Lạp, Ba Lan, Estonia, Anh và Mỹ. Năm ngoái, Mỹ trích 3,62% GDP cho ngân sách quốc phòng, tuy nhiên, trong năm tài khóa 2015 – 2016, thâm hụt ngân sách của quốc gia này đã lên tới 587 triệu USD.

Mỹ cũng đang phải gánh khoản nợ công khổng lồ - vào khoảng 19,8 nghìn tỷ USD. Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân chính, khiến tân Tổng thống, ông Donald Trump – một ông trùm kinh doanh cảm thấy đã đến lúc phải cắt giảm bớt khoản tiền dành cho NATO, đồng thời yêu cầu 27 quốc gia thành viên còn lại bỏ ra số tiền đúng theo quy định 2%. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump từng tuyên bố, khi nắm quyền, nước Mỹ sẽ chỉ giúp các quốc gia NATO “đóng góp một cách công bằng”: “Tôi muốn giữ NATO, nhưng tôi muốn họ phải bỏ tiền ra,” ngài tỷ phú phát biểu trong một sự kiện hồi tháng Bảy. “Tôi không muốn bị lợi dụng… Chúng ta đang bảo vệ những quốc gia mà hầu hết mọi người trong căn phòng này chưa bao giờ nghe đến và cuối cùng chúng ta sẽ kết thúc bằng Thế chiến thứ 3…”

 Ông Trump muốn các thành viên NATO phải chi thêm tiền

Theo Robert Oulds, giám đốc của tổ chức Bruges Group tại London, ông Trump “đang đưa ra một thử thách cho các quốc gia châu Âu khi kêu gọi họ chi nhiều tiền hơn cho quốc phòng.” “Theo những gì Donald Trump nói, nếu châu Âu không đáp ứng thử thách này, Mỹ sẽ tách ra khỏi NATO. Oulds cho rằng, tân Tổng thống sẽ không quá mạo hiểm, bởi vì ông Trump từng phản đối khá quyết liệt trước những quyết sách đối ngoại liên quan đến thay đổi chế độ, hiện đang được áp dụng tại Iraq và Libya nhưng chưa thành công. “Hoạt động của NATO có thể sẽ rất khác biệt dưới thời của Tổng thống Trump; chúng ta có thể sẽ chứng kiến nước Mỹ với một chính sách đối ngoại mới lạ bởi vì ông Trump là sự thay đổi so với quá khứ. Ông chỉ trích những người tân bảo thủ trong chính quyền Mỹ, vô cùng thẳng thắn về vấn đề này và cũng rất kiên định…,” Oulds nói.

Hôm thứ Năm (10/11) Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker kêu gọi EU thành lập một lực lượng quân đội châu Âu. “Chúng ta phải cảm ơn người Mỹ rất nhiều… nhưng họ sẽ không chăm lo cho nền an ninh châu Âu mãi mãi,” Juncker trả lời phỏng vấn báo chí. “Chúng ta phải tự bảo vệ mình, điều này giải thích tại sao chúng ta cần một cách thức mới để xây dựng một nền an ninh EU mà mục tiêu cuối cùng là thiết lập một lực lượng quân đội châu Âu.”

Oulds tạm bỏ qua khả năng, nếu được thành lập, lực lượng quân đội châu Âu sẽ được triển khai ở bên ngoài châu Âu, mặc dù tương lai luôn là điều không thể đoán trước. Tuy nhiên, theo ông, điều này cho thấy EU không còn là “một dự án hòa bình khi họ bắt đầu phát triển lực lượng vũ trang.”

Không có nhiều thay đổi

Không hoàn toàn đồng ý với những ý kiến cho rằng NATO đứng trước khả năng tan vỡ, theo nhà phân tích chính trị Alexander Khrolenko, sẽ không có nhiều thay đổi lớn trong mối quan hệ giữa NATO và Lầu Năm góc.

Trong bài báo “Lầu Năm góc và NATO sẽ thay đổi như thế nào dưới thời Tổng thống mới”, Khrolenko chỉ ra rằng hệ thống chính sách của nước Mỹ sẽ không thể thay đổi chỉ theo quyết định của một cá nhân. Tân Tổng thống không nhất quyết phải tuân thủ hoàn toàn theo nhũng gì mình đã cam kết trong chiến dịch tranh cử. “Nhìn vào sự phát triển các lực lượng quân sự và sự thực thi những chiến lược phù hợp với lợi ích kinh tế quốc gia, Lầu Năm góc và NATO sẽ vẫn là ưu tiên trong chính sách của Mỹ. Cho dù Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ có khát vọng thay đổi lớn như thế nào, chiến lược quân sự quốc gia đối đầu với Nga sẽ không thay đổi,” Khrolenko nói.

 Cũng có ý kiến cho rằng, sẽ không có sự thay lớn trong mối quan hệ giữa NATO và Lầu Năm góc

Chuyên gia này cũng hài hước cho rằng, “Nhà Trắng sẽ là nơi cuối cùng trên trái đất đưa ra các kế hoạch từ bỏ đồng minh.” Nói về mối quan hệ của Washington và NATO với Nga, theo Khrolenko, nó đã bị ảnh hưởng nặng nề sau khi lực lượng đồng minh mở rộng ảnh hưởng quân sự về phía Đông. Do vậy, việc vừa hàn gắn quan hệ với Moscow trong khi vẫn triển khai quân đội NATO dọc theo biên giới Nga là điều không thực tế.

Chính vì những lý do này, Khrolenko tỏ ra nghi ngờ về việc sẽ có những biến động quân sự và chính trị lớn tại châu Âu sau khi ông Trump chính thức bước chân vào Nhà Trắng, cho dù khả năng cắt giảm hiện diện quân sự của Mỹ tại nước ngoài hoàn toàn có thể xảy ra.

“Tuy nhiên, Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các đồng minh NATO với việc gia tăng nguồn cung vũ khí,” Khrolenko nói. Ông cũng nhắc đến những nỗ lực của Mỹ nhằm tăng cường ảnh hưởng ở Trung Đông và khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong những năm gần đây.

 Tân Tổng thống Trump không nhất thiết phải thực hiện hoàn toàn các cam kết trong chiến dịch tranh cử của mình

Một mặt nhắc đến lời bình luận của chuyên gia khoa học chính trị người Pháp Pierre Picard: “Hướng đi chính trị của Trump sẽ là thỏa thuận với những cường quốc lớn, bao gồm cả Nga và Trung Quốc; đồng ý chia sẻ vai trò địa chính trị, cùng lúc duy trì hòa bình tại Mỹ trong một cân bằng thế giới mới – điều này có thể làm giảm bớt đáng kể nguy cơ các xung đột xảy ra,”; mặt khác, Khrolenko khẳng định rằng, các lợi ích kinh tế và chiến lược “ngăn chặn mở rộng” lâu dài của Washington sẽ không cho phép ngài Tổng thống mới tiến hành những thay đổi “sốc” với nền tảng chính trị và quân sự của nước Mỹ. 

(Theo các báo nước ngoài)

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ