• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

NATO tập trận tại Na Uy: Tín hiệu cứng rắn tới Nga?

Thế giới 13/04/2022 16:37

(Tổ Quốc) - Cuộc tập trận Cold Response 2022 (diễn ra vào tháng 3,4/2022) của NATO có thể báo hiệu ý định tăng cường quân đội của khối này ở châu Âu.

Các cuộc tập trận quân sự là hoạt động thường diễn ra của các lực lượng vũ trang trên khắp thế giới. Tuy nhiên, một cuộc tập trận có thể được coi là một hành động ngoại giao, một mối đe dọa trực tiếp, một động thái phô diễn năng lực quân sự để răn đe hoặc, trong trường hợp của NATO, là một biểu hiện thể hiện sự thống nhất.

Về mặt quân sự thuần túy, các cuộc tập trận cho phép lực lượng vũ trang của các quốc gia khác nhau phối hợp hoạt động. Các sự kiện này giúp ích cho việc kiểm nghiệm các kế hoạch quân sự, tăng cường lực lượng và hậu cần. Các học thuyết và hệ thống vũ khí mới có thể được thử nghiệm trên thực địa và càng gần với điều kiện chiến đấu thực tế càng tốt.

Ý định ban đầu của Cold Response 2022

Khi cuộc tập trận Cold Response 2022 của NATO diễn ra ở Na Uy, có vẻ như NATO đang chuẩn bị tăng cường lực lượng quân đội đã có sẵn ở châu Âu sau những căng thẳng tại Ukraine. Tuy nhiên, đây không phải là mục đích khi các cuộc tập trận đã được lên kế hoạch vào năm ngoái.

Huấn luyện trong thời tiết lạnh là rất quan trọng đối với các lực lượng quân sự và Na Uy thường được NATO chọn là địa điểm cho loại hình diễn tập này. Cold Response 2022 là sự tiếp nối của chuỗi tập trận định kỳ 6 tháng được tổ chức tại Na Uy kể từ năm 2006. Cuộc tập trận năm nay đã được lên kế hoạch từ tháng 6/2021 và thông báo cho người Nga vào tháng 1 năm 2022, trước khi leo thang căng thẳng tại Ukraine.

NATO tập trận tại Na Uy: Tín hiệu cứng rắn tới Nga? - Ảnh 1.

HMS Prince of Wales đã lên đường tham dự tập trận Cold Response 2022. Ảnh: PA.

Cả NATO và Nga - hay trước đây là Liên Xô và các nước thuộc Hiệp ước Warsaw - đều thông báo chính xác cho nhau về các cuộc tập trận lớn để tránh bị coi là mối đe dọa. Các bên cần thông báo cho nhau về bất kỳ cuộc tập trận nào có sự tham gia của hơn 13.000 quân nhân hoặc 300 xe tăng chiến đấu.

Kể từ năm 1990, theo Văn kiện Vienna của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE), các cuộc tập trận phải được các nước chủ nhà thông báo cho các quốc gia thành viên OSCE trước 42 ngày nếu vượt quá 9.000 người. Các quan sát viên từ các nước thành viên OSCE sẽ được mời đến tham dự các cuộc tập trận để duy trì tính minh bạch và giảm khả năng xảy ra sai sót.

Đồng thời, việc hủy bỏ một cuộc tập trận như vậy sẽ được coi là bất thường vì sẽ phá vỡ chu kỳ và cho thấy sự thay đổi trong hoạt động của NATO. Điều bất thường hơn - và có tính chất leo thang căng thẳng- sẽ là việc các binh sĩ tham gia cuộc tập trận ở lại Na Uy sau khi cuộc tập trận kết thúc.

Vì vậy, mặc dù cuộc tập trận này đã được lên kế hoạch từ lâu, nhưng hoàn cảnh hiện tại mang đến cho sự kiện này một số điều không chắc chắn. Trong khi lực lượng quân sự của NATO đã được chuẩn bị sẵn sàng thì ý chí chính trị của khối này trong việc muốn leo thang tới đâu với Nga đang là điều được dư luận chú ý.

Tập trận giữa bối cảnh Chiến tranh Lạnh mới

NATO lâu nay đã nói rất rõ rằng cuộc tập trận không phải là một phản ứng đối với vấn đề Ukraine. Tuy nhiên, việc sử dụng các cuộc tập trận để rèn luyện và có thể là sự chuẩn bị cho một hành động quân sự không phải là điều mới.

Nga và Belarus đã tổ chức cuộc tập trận quy mô lớn Zapad-21 tại Belarus và quân khu phía Tây của Nga, vào tháng 9 năm 2021. Nga cũng tổ chức các cuộc tập trận hải quân ở Biển Đen và Biển Azov, cũng như ngoài khơi bờ biển Ireland vào tháng 2/2022. Điều này gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng cho việc vận chuyển thương mại ở Biển Đen.

Để đối phó với các cuộc diễn tập của Nga vào tháng 2 năm 2022, Ukraine đã bắt đầu "cuộc tập trận" của riêng mình. Điều này cho thấy các cuộc tập trận trong giai đoạn căng thẳng có thể dẫn đến một vòng xoáy leo thang như thế nào.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, các cuộc tập trận của NATO được tổ chức thường xuyên để kiểm tra tốc độ mà quân tiếp viện có thể di chuyển từ Bắc Mỹ và Anh đến lục địa châu Âu. Vào năm 2020, cuộc tập trận Deferder đã được Mỹ thực hiện cho một mục đích tương tự, có sự tham gia của NATO. Kể từ năm 2014, Mỹ đã duy trì một lữ đoàn thiết giáp và một lữ đoàn hàng không ở châu Âu. Có một cuộc tập trận khác hiện đang diễn ra ở Lithuania - Rising Griffin - và nhiều cuộc tập trận khác của NATO cũng sắp diễn ra.

Để bảo đảm cho lực lượng Anh và Mỹ di chuyển ở châu Âu, một khu vực cần chú ý là eo biển Đại Tây Dương và eo biển Anh. Các tuyến đường biển và đường hàng không dễ bị tàu ngầm và máy bay của đối phương can thiệp - và Nga vẫn có khả năng này.

Nếu các nhà lãnh đạo NATO đồng ý duy trì quân đội ở châu Âu sau cuộc tập trận Cold Response thì đây sẽ là một thông điệp rõ ràng tới Nga và Moscow có thể coi đây là các tín hiệu leo thang căng thẳng với họ.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ