(Tổ Quốc) - Quan chức cấp cao NATO thừa nhận những chỉ trích của nhà lãnh đạo Mỹ đã có ảnh hưởng tích cực tới liên minh quân sự.
Hôm Chủ nhật (27/1), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, ông không mong chờ Mỹ rút khỏi liên minh quân sự mà chính nước này đã kiến tạo nên. Ông Stoltenberg cũng dành lời ngợi khen cho những nỗ lực của Tổng thống Donald Trump nhằm thúc ép các thành viên còn lại gia tăng ngân sách quốc phòng.
"Tổng thống Trump đã thể hiện rất rõ. Ông ấy cam kết với NATO", vị Tổng thư ký chia sẻ trên kênh Fox News. "Ông Trump đã khẳng định điều này chỉ vài ngày trước và cả tại thượng đỉnh NATO hồi tháng Bảy".
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (ảnh: getty)
Phát biểu của ông Stoltenberg được đưa ra sau khi Quốc hội Mỹ bỏ phiếu đa số và dựa trên đồng thuận hai đảng, từ chối cấp ngân sách liên bang cho việc Tổng thống Trump rút khỏi NATO. Đây là một yếu tố sẽ "trói tay" ông Trump trong trường hợp ông không muốn Mỹ là một phần của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương nữa. Từ lâu Washington đã tỏ ra e ngại trước lập trường của ông Trump về NATO, đặc biệt là sau tiết lộ của tờ New York Times ngày 14/1 rằng, Tổng thống Mỹ từng nhiều lần nhắc tới ý tưởng Mỹ rời NATO.
Ông Trump đã liên tục công khai chỉ trích các thành viên NATO vì không thực hiện cam kết dành ra ít nhất 2% GDP cho ngân sách quốc phòng vào năm 2024. Tổng thư ký Stoltenberg tỏ ý hài lòng với những phê phán của ông Trump và cho biết, đó là một thông điệp rõ ràng gửi tới liên minh.
"Không nghi ngờ gì thông điệp rõ ràng của ông Trump đã có ảnh hưởng", Stoltenberg nói. "Và thông điệp là – Tổng thống Trump cam kết với NATO, nhưng chúng ta phải cùng chia sẻ gánh nặng".
Không lâu sau những chia sẻ của quan chức NATO, Tổng thống Trump đã có những phản ứng đầu tiên trên… Twitter.
"Jens Stoltenberg, Tổng thư ký NATO vừa nói rằng, bởi vì tôi mà NATO đã có thể có nhiều tiền hơn bất kỳ thời điểm nào trước đó và từ các thành viên sau nhiều năm từ chối thực hiện", ông Trump cập nhật tweet. "Đó gọi là chia sẻ gánh nặng. Và cũng đoàn kết hơn".
NATO thành lập vào năm 1949 và được coi là một thế lực đối lập với Liên Xô tại châu Âu. Từ 12 quốc gia ban đầu, giờ đây NATO có 29 thành viên, trong đó bao gồm cả một số nước thuộc Liên Xô cũ.