(Tổ Quốc) - Vụ Alexei Navalny bị đầu độc đã khiến Đức đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan trong quan hệ với Nga.
Sau khi chính phủ Đức công bố chính trị gia phe đối lập người Nga Alexei Navalny bị đầu độc bằng chất độc thần kinh, nhiều nước đã nhanh chóng tỏ thái độ kiên quyết yêu cầu Nga phải đưa ra lời giải thích minh bạch. Tuy nhiên, theo tờ DW, nói bao giờ cũng dễ hơn làm và chính Berlin cũng đang phải cân nhắc giới hạn mức độ cứng rắn trong phản ứng với Moscow.
Navalny được cho là nạn nhân của một vụ ám sát kể từ khi ông chuyển tới chữa trị tại một bệnh viện tại Berlin. Hôm Thứ tư (2/9), giới chức Đức cho hay họ đã tìm thấy bằng chứng rằng chất độc được sử dụng để đầu độc Navalny là Novichok.
Thông qua Twitter và các thông cáo chính thức, các nhà lãnh đạo thế giới đã lên án Moscow và đề nghị phải có một cuộc điều tra toàn diện ngay cả khi Điện Kremlin kiên quyết phủ nhận mọi liên quan.
"Nói dễ hơn làm"
Tuy vậy, liệu các lời cáo buộc trên có dẫn tới hành động thực tiễn không thì vẫn chưa rõ ràng. Tất cả các cặp mắt đều đang dồn vào nước Đức, nơi mà đường ống Nord Stream 2 chính là một ví dụ tiêu biểu của việc các quốc gia lựa chọn hợp tác riêng rẽ với Moscow, bất chấp lo ngại xung quanh các hành động của chính quyền Tổng thống Vladimir Putin cả trong nước và quốc tế.
Với mục tiêu là gia tăng gấp đôi sản lượng khí đột tự nhiên của Nga xuất khẩu sang Đức, dự án Nord Stream 2 đã hoàn thiện được hơn 90%. Lắp đặt phía dưới biển Baltic, đường ống đi qua các nước Đông Âu, dẫn khí đốt từ Vịnh Narva (Nga) tới thành phố ven biển Lubmin (Đức).
Berlin luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của Nord Stream 2 với nhu cầu năng lượng của nước Đức. Chính quyền Thủ tướng Angela Merkel cũng khẳng định, dự án không hề xung đột với đối đầu Đức-Nga trong các vấn đề như an ninh và nhân quyền. "Ý kiến của chúng tôi là Nord Stream 2 nên được hoàn tất", bà Merkel phát biểu trong một cuộc họp báo vào tuần trước. "Tôi không nghĩ sẽ phù hợp nếu liên kết dự án mang tính kinh doanh này với nghi vấn về Navalny".
Thế nhưng giới phân tích lại không coi Nord Stream 2 chỉ là một dự án kinh doanh đơn thuần. Thay vào đó, họ gọi đường ống là một chiến thắng chủ chốt cho hình ảnh và vị thế quốc tế của Moscow. Và giờ đây, vụ đầu độc Navalny càng làm rắc rối thêm những nỗ lực của Đức để giữ cho Nord Streams 2 tách rời khỏi chính trị. Vụ việc gợi nhớ rất nhiều tới vụ tấn công cũng bằng Novichok vào một cựu điệp viên người Nga tại Salisbury, Anh. London lúc đó cũng cáo buộc Điện Kremlin đứng sau vụ đầu độc.
"Sau vụ Navalny bị đầu độc, chúng ta cần một câu trả lời mạnh mẽ từ châu Âu khiến ông Putin hiểu rằng, EU nên cùng nhau quyết định dừng Nord Stream 2", ông Norbert Roettegan, một thành viên trong đảng bảo thủ của bà Merkel viết trên Twitter ngày 3/9.
Là người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Đức, tiếng nói của ông Roettegan rất có trọng lượng. Ông hiện đang tranh cử cho vị trí lãnh đạo đảng Liên đoàn Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU).
Đáng lưu ý, "khai tử" Nord Stream 2 cũng là một mục tiêu chính sách quan trọng của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Cho dù như thế nào, đây cũng không phải là một nhiệm vụ dễ dàng và mang theo rất nhiều nguy cơ.
"Đó sẽ là hậu quả nặng nề nhất có thể xảy tới với Nga", bà Sarah Pagung, chuyên gia về quan hệ Đức-Nga tại Hội đồng Đối ngoại Đức nhận định.
Đức bị rơi vào tình thế "cực kỳ khó khăn"
Công ty lớn nhất của Nga Gazprom là bên sở hữu dự án Nord Stream 2, đồng thời cũng chịu trách nhiệm cho một nửa trong chi phí 10,5 tỷ USD. Trừng phạt hoặc chấm dứt dự án ngay lập tức gần như chắc chắn sẽ dẫn tới những thiệt hại lớn cho ngành năng lượng của Nga và sau đó là cả chuỗi tác động kéo theo. Các công ty tại Đức, Áo, Anh, Hà Lan, Thụy Sỹ và Pháp cũng đầu tư vào đường ống và sẽ gánh chịu tổn thất không nhỏ.
"Chúng ta không thể bỏ qua nó như một sự lựa chọn, nhưng khả năng xảy ra là rất ít", bà Pagung chia sẻ với tờ DW. Tuy nhiên, bà cũng cho rằng, Đức có thể tận dụng vụ Navalny như một "cơ hội" để thay đổi lập trường về đường ống mà không tỏ ra là do phải chịu áp lực từ phía Mỹ.
Chính quyền Trump muốn Đức mua khí đốt của Mỹ với mức giá được cho là đắt hơn của Nga. Các lệnh trừng phạt nhận được ủng hộ từ cả hai đảng tại Washington và cũng đã được áp dụng chống lại các công ty tham gia xây dựng đường ống tại Biển Baltic. Đây cũng là lí do khiến công ty liên doanh Thụy Sỹ-Hà Lan Allseas quyết định rút khỏi dự án vào năm 2019. Ông Trump dự kiến có thể thông qua thêm nhiều trừng phạt nữa.
Theo bà Pagung, cho dù tiếp tục hay dừng lại, Đức cũng sẽ phải đối mặt với nhiều hệ quả do đất nước này đã tự đẩy mình vào tình thế "cực kỳ khó khăn". Để không ảnh hưởng nhiều tới Nord Stream 2, Đức và các đồng minh có thể sử dụng các hình thức trừng phạt khác như đóng băng tài sản, trùng phạt theo đối tượng và trục xuất nhà ngoại giao… Những phản ứng như vậy từng được triển khai trong quá khứ để đối phó với một số động thái bị đánh giá là gây hấn từ phía Nga. Tuy nhiên, hiệu quả của chúng dường như lại không quá rõ ràng.