(Tổ Quốc) -Philippines dường như đang rơi vào thế khó giữa Mỹ và Nga về kế hoạch của chính quyền Tổng thống Duterte mua nhiều thiết bị quân sự hạng nặng, bao gồm cả tàu ngầm, từ Moscow.
Philippines dường như đang rơi vào thế khó giữa Mỹ và Nga về kế hoạch của chính quyền Tổng thống Duterte mua nhiều thiết bị quân sự hạng nặng, bao gồm cả tàu ngầm, từ Moscow.
Trên các tài khoản truyền thông xã hội, cả đại sứ quán Mỹ và Nga tại Manila đều tái khẳng định quan hệ đối tác của họ và cam kết mạnh mẽ trong việc hợp tác với Philippines.
Đại sứ Mỹ tại Philippines Sung Kim phát biểu trong một thông điệp video công bố ngày 17/8 rằng, “đã một năm rưỡi trong nhiệm kỳ của tôi, tôi vẫn hào hứng và biết ơn với vai trò Đại sứ Mỹ tại đất nước tuyệt vời này. Đây là một mối quan hệ thực sự tốt đẹp cho cả hai nước. Bạn bè, đối tác, đồng minh mãi mãi”.
Trong khi đó, đại sứ quán Nga đã lên tiếng về sự can thiệp của một bên không xác định trong quan hệ đối tác đang được tăng cường giữa Nga và Philippines.
"Hy vọng không ai sẽ can thiệp," đại sứ quán Nga đã tweet như vậy – phản ứng trước bài viết của tờ PhilStar nói về kế hoạch của Hải quân Philippines triển khai một tàu thăm cảng Nga.
Trong một tweet khác, đại sứ quán Nga chỉ trích điều họ gọi là "cạnh tranh không lành mạnh và tống tiền" hướng vào Philippines qua các cuộc thảo luận về hợp tác quân sự giữa hai nước.
Lực lượng vũ trang Philippines đang tiến hành hiện đại hoá, bao gồm đa dạng nguồn cung vũ khí, trong đó có Nga. |
Theo tờ PhilStar, trong khi không có bên nào được xác định trong tweet của đại sứ quán Nga, thông điệp này dường như muốn nói tới Mỹ - trước đó đã cảnh báo Philippines về các hệ lụy nếu tiến hành mua thiết bị quân sự từ Nga.
Sóng gió thương vụ tàu ngầm của Philippines
Có mặt tại Manila tuần qua, trợ lí Bộ trưởng quốc phòng Mỹ về vấn đề an ninh châu Á và Thái Bình Dương Randall Schriver đã nói với các phóng viên rằng, thỏa thuận mua sắm tàu ngầm giữa Manila và Moscow sẽ không lành mạnh cho mối quan hệ Mỹ-Philippines.
“Tôi nghĩ họ (Philippines- pv) nên suy nghĩ kỹ về điều đó,” ông nói. "Nếu họ tiến hành mua sắm thiết bị hạng nặng của Nga, tôi không nghĩ rằng đó là một điều hữu ích cho quan hệ đồng minh."
Tổng thống Duterte và chính phủ Nga đều có động thái phản ứng trước tuyên bố này.
Theo trang tin Sputnik, trong bài phát biểu ngày 18/8, nhắc đến việc Mỹ cung cấp những loại vũ khí cũ cho Philippines, Tổng thống Duterte nói: “Đây có phải là cách Mỹ đối xử với đồng minh? Các người là ai mà lại đưa ra cảnh báo cho chúng tôi?”.
Moscow, trong khi đó, nói rằng Schriver nên kiềm chế không đưa ra ý kiến như vậy.
“Chúng tôi không thể nhớ rõ khi nào mà ông Randall Schriver được thuê làm cố vấn cho chính phủ Philippines. Tuy nhiên, sự hợp tác quốc phòng giữa Nga và Philippines là vấn đề quan hệ song phương và không liên quan đến bất kỳ nước thứ ba nào dưới bất kỳ hình thức nào”, chính phủ Nga cho biết trong một tuyên bố được đại sứ quán công khai.
"Chúng tôi tin rằng điều này (hợp tác quốc phòng Nga - Philippines) đáp ứng lợi ích chiến lược quốc gia của Philippines và chắc chắn sẽ góp phần vào hòa bình và ổn định khu vực," tuyên bố trên cho biết.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines Arsenio Andolong nói chính phủ nước này sẽ mua thiết bị quân sự từ bất kỳ quốc gia nào, nơi sẽ mang lại lợi ích và lợi thế cho lực lượng vũ trang Philippines (AFP).
"Trong khi việc chúng tôi mua tàu ngầm (từ Nga) cho lực lượng Philippines vẫn đang được nghiên cứu và chưa có gì là cuối cùng vào thời điểm này, chúng tôi nhấn mạnh rằng lực lượng quốc phòng sẽ mua thiết bị thuận lợi nhất cho AFP thông qua Chương trình hiện đại hóa AFP", ông nói.
Quan hệ (Mỹ - Philippines) vẫn mạnh mẽ
Mặt khác, một blogger quốc phòng hàng đầu cho biết mối quan hệ giữa Mỹ và Philippines sẽ vẫn mạnh mẽ bất chấp kế hoạch mua phần cứng quân sự từ một bên thứ ba, theo PhilStar.
Trang Max Defense chỉ ra rằng, người Mỹ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận thực tế rằng họ không giúp đỡ nhiều trong việc hiện đại hóa quân đội Philippines khi Quốc hội Mỹ đã có tiền lệ ngăn chặn bán thiết bị quân sự cho các đồng minh.
"Một khi các tàu ngầm Nga tới tay Philippines, Mỹ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận thực tế này," Max Defense nói.
Trong khi quyết định mua tàu ngầm Nga có thể chưa phải là lý do đủ mạnh để làm suy yếu Hiệp ước quốc phòng tương hỗ Mỹ-Philippines (MDT) năm 1951 cũng như các hiệp định quốc phòng khác, Mỹ có lựa chọn áp dụng các biện pháp trừng phạt, như Đạo luật chống đối thủ thông qua cấm vận CAATSA, nhằm vào Philippines.
Những người phản đối việc Philippines mua sắm tàu ngầm từ Nga chỉ ra rằng, hệ thống điều phối của khối quân sự phía đông (Nga-pv) không tương thích với quân đội Philippines, một người dùng khối NATO.
Một quan chức cho biết, nếu chính phủ Philippines tiến hành mua tàu ngầm lớp Kilo từ Nga, họ cũng cần phải chi hàng tỷ USD để cấu hình lại hệ thống điều phối hoạt động của Hải quân Philippines (PN), cũng như của Không quân Philippines (PAF).
“Điều này sẽ có tác động trực tiếp trong những nỗ lực liên tục của chúng tôi để thiết lập một hệ thống kết nối hiệu quả giữa tất cả các đơn vị hoạt động của ba lực lượng chính. Một tàu ngầm lớp Kilo không thể kết nối với các thiết bị trên mặt biển vì các hệ thống không tương thích”, một quan chức Philippines nhấn mạnh.
Còn những người ủng hộ nói rằng, Hải quân luôn có thể thiết lập một hệ thống kết nối độc lập trên hai tàu ngầm, chỉ ra rằng không có quốc gia nào khác trong khối phương Tây có thể đưa ra khoản vay như Nga cung cấp để tài trợ cho dự án mua tàu ngầm.
“Khả năng kết nối? Điều đó có thể được điều chỉnh. Điều quan trọng ở đây là trước tiên chúng ta phải có tàu ngầm, chứ không phải là không có tàu ngầm”, một quan chức khác trong chính phủ Philippines cho biết.