(Tổ Quốc) - Chính giới Ukraine đang bị cuốn vào một vụ scandal chính trường Mỹ với nhiều khả năng đem lại lợi thế cho Nga.
Hôm thứ hai (23/9), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tới New York tham dự cuộc họp Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, theo CNN, lần đầu xuất hiện trên diễn đàn chính trị thế giới của ông Zelensky đã bị che phủ bởi những nghi ngờ xung quanh cuộc điện đàm ngày 25/7 với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky "đau đầu" trước scandal chính trị Mỹ (ảnh: getty)
Mới đây, hai quan chức chính phủ cấp cao tiết lộ, yêu cầu ngừng sử dụng hàng triệu USD viện trợ quân sự cho Ukraine được Tổng thống Trump đưa ra chỉ khoảng một tuần trước khi ông điện thoại thúc ép Tổng thống Zelensky tiến hành điều tra những công việc tại Ukraine của con trai cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ông Joe Biden được cho là một ứng cử viên nặng ký cho Tổng thống Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020.
Hôm qua (24/9), ông Trump viết trên Twitter rằng, toàn bộ bản ghi chép chưa qua biên tập của nội dung cuộc điện đàm giữa ông với Tổng thống Zelensky sẽ được công bố vào ngày 25/9. "Không có áp lực gì, không giống như Joe Biden và con trai, không có qua có lại gì", ông Trump tweet.
Không có áp lực gì, không giống như Joe Biden và con trai, không có qua có lại gì.
Tổng thống Donald Trump
Phát biểu trong một buổi họp báo chiều cùng ngày, ông Biden kêu gọi chính quyền Trump "cung cấp cho Quốc hội tất cả sự thật mà họ cần". Ông cũng gọi cuộc điện đàm với Tổng thống Zelensky là "lạm dụng quyền lực".
"Nếu ngài Tổng thống không tuân thủ những yêu cầu như vậy từ Quốc hội, ông sẽ tiếp tục ngăn cản Quốc hội và vi phạm luật pháp; như vậy, ông Donald Trump, theo ý kiến của tôi, sẽ khiến Quốc hội không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc bắt đầu buộc tội", ông Biden nói.
Tổng thống Trump dự kiến sẽ có cuộc gặp gỡ với người đồng cấp Zelensky vào thứ tư (25/9). Khi được CNN đặt câu hỏi ngày 24/9, ông Zelensky đã không trả lời về liệu có mối quan hệ nào giữa việc viện trợ quân sự cho Ukraine bị trì hoãn với cuộc điều tra nhằm vào gia đình Biden hay không. Nhà lãnh đạo Ukraine chỉ đơn giản cho hay, cuộc điện đàm của ông với ông Trump là "riêng tư và bí mật".
Tuy nhiên, ông Trump lại tiết lộ, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã nhận được sự đồng ý của Ukraine để công bố nội dung cuộc gọi.
"Ngoại trưởng Pompeo đã nhận được sự đồng ý của chính phủ Ukraine để công bố biên bản ghi chép cuộc điện thoại tôi thực hiện với Tổng thống của họ. Họ [Ukraine] cũng không biết có vấn đề gì to tát ở đây. Hoàn toàn là một cuộc săn tìm phù thủy giả dối của Đảng Dân chủ", Tổng thống Mỹ viết trên Twitter. Ông cũng tỏ ra tự tin rằng, mình không làm gì sai trái và không hề hối tiếc về cách hành xử của mình trong vấn đề Ukraine cũng như những nỗ lực mở cuộc điều tra về con trai ông Biden.
Trong lúc này, rõ ràng giới chức Ukraine đã bắt đầu cảm thấy được thế khó khi bị lôi vào một vụ việc chính trị nội địa đầy kịch tính của Mỹ. Cũng trong ngày 23/9, ông Andriy Yermak, một cố vấn của Tổng thống Zelensky cho hay, Ukraine sẽ không mở hoặc đóng các cuộc điều tra "theo yêu cầu".
Nhiều chính trị gia Ukraine lo ngại, những kịch tính chính trường Mỹ có thể đem lợi thế đến cho quốc gia láng giềng quyền lực của Ukraine, cụ thể hơn chính là Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trong cuộc phỏng vấn với CNN, cựu Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin nói, scandal xung quanh cuộc điện đàm đang phá hủy cuộc đấu tranh giữa Ukraine với Nga. Kiev cáo buộc Nga đã chiếm đóng và sáp nhập bán đảo Crimea một cách bất hợp pháp cũng như ủng hộ phong trào li khai ở miền đông Ukraine. Theo ông Klimkin, vụ việc sẽ tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực tới Kiev trong khi bị Moscow "lợi dụng".
Cả Ukraine và Mỹ đều đang thua cuộc.
Daria Kaleniuk
Khi được hỏi liệu Điện Kremlin sẽ phản ứng như thế nào trước vụ scandal điện đàm của Tổng thống Trump, cựu Ngoại trưởng dự đoán: "Họ [Nga] chắc chắn đang nghĩ, 'Hãy mở rượu champagne nào'. Đối với họ, đây là cách tốt nhất để tạo ra chia rẽ trong sự ủng hộ hai đảng [của Mỹ] dành cho Ukraine. Trong 5 năm qua, Mỹ là đồng minh quan trọng nhất [của Ukraine], không chỉ về viện trợ quân sự, không chỉ về gây áp lực và trừng phạt mà về cơ bản là dẫn đầu cộng đồng quốc tế, vì vậy giờ đây người Nga sẽ rất vui mừng về điều đó".
Ông Klimkin cũng chia sẻ với CNN rằng, ông không trực tiếp biết được những nội dung đã được đề cập tới trong cuộc điện đàm của ông Trump và Tổng thống Zelensky. Ông chưa từng nhìn thấy biên bản ghi chép nội dung hoặc được báo cáo về cuộc gọi cho dù vào thời điểm đó ông vẫn đang giữ chức vụ Ngoại trưởng. Lý do chính là ông đã đệ đơn xin từ chức trước khi cuộc gọi diễn ra.
Xuất hiện trong chương trình "Cuomo Prime Time" phát sóng trên kênh CNN, ông Serhiy Leshchenko, nhà báo đồng thời từng làm việc cho chính phủ Ukraine, đã mạnh mẽ "đối chất" một lời cáo buộc không đúng sự thật từ luật sư của Tổng thống Trump, Rudy Giuliani. Luật sư Giuliani cho rằng, một tòa án Ukraine đã kết tội ông Leshchenko tội danh cung cấp bản khai giả cho quan chức Mỹ, nhằm phục vụ cho việc can thiệp bầu cử Mỹ.
Cập nhật trên Twitter, ông Leshchenko tuyên bố, chương trình "Cuomo Prime Time" cho ông cơ hội "đương đầu với những lời lẽ sai lệch của Rudy Giuliani về tôi và Ukraine". Nhà báo này cũng cho biết thêm: "Chúng tôi đang tìm kiếm sự ủng hộ hai đảng cho Ukraine để biến châu Âu thành một nơi an toàn".
Trong khi đó, bà Daria Kaleniuk, một nhà hoạt động chống tham nhũng tại Ukraine cũng đưa ra luận điểm tương tự. Theo bà, bên được hưởng lợi nhất của vụ scandal chính là nước Nga. "Cả Ukraine và Mỹ đều đang thua cuộc", bà Kaleniuk viết trên Twitter.