(Tổ Quốc) - Hệ sinh thái đại dương của Maldives đã được chăm sóc, nuôi dưỡng và tạo cơ hội việc làm cho người dân trong nhiều thế kỷ. Cũng chính điều đó đã đưa quốc đảo này trở thành điểm đến du lịch sang trọng hàng đầu, với nền kinh tế xanh đóng góp 36% tổng sản phẩm quốc nội.
Theo trang SCMP, mối liên hệ chặt chẽ giữa môi trường, con người và nền kinh tế xanh rất quan trọng đối với quốc đảo Maldives, điểm đến đang phải đối phó thường xuyên với tác động của biến đổi khí hậu.
Bất chấp những khó khăn do tác động của biến đổi khí hậu, Maldives luôn tiên phong trong mô hình phát triển tập trung vào giá trị cốt lõi của nền kinh tế xanh. Ngành du lịch nước này cung cấp hệ sinh thái đảo và sinh vật biển đa dạng.
Vào năm 2023, ngành du lịch Maldives đã đóng góp hơn 30% GDP và hơn 80% thu nhập ngoại hối. Tính bền vững của ngành công nghiệp này một phần nhờ vẻ đẹp và sức khỏe của hệ sinh thái biển và đại dương.
Đáng chú ý, nghề đánh bắt cá ngừ của Maldives, vốn đã duy trì trong nhiều thế kỷ, hiện sử dụng kỹ thuật câu truyền thống.
Đối với Maldives và đại đa số các quốc gia ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương phụ thuộc vào hệ sinh thái biển và ven biển, tiềm năng đầy đủ của nền kinh tế xanh vẫn chưa được hiện thực hóa.
Đây không chỉ là chiến lược kinh tế lâu dài mà còn mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân. Trong khi đánh bắt cá và du lịch biển phát triển mạnh mẽ thì các lĩnh vực cần đầu tư khác như năng lượng biển tái tạo, công nghệ sinh học biển, cơ sở hạ tầng xanh và năng lực phục hồi cũng cần có nguồn tài chính và các chính sách thuận lợi hơn để phát triển.
Chính sách hỗ trợ là chất xúc tác
Maldives và các quốc đảo nhỏ đang phát triển khác ở Thái Bình Dương (SIDS) mới đây đã đưa ra một số sáng kiến đầy tham vọng để biến thách thức thành cơ hội. An ninh năng lượng và chuyển đổi công bằng sang sản xuất bền vững là những ưu tiên trọng tâm trong sáng kiến.
Tại COP28, Maldives đã cam kết phát triển các hệ thống năng lượng tái tạo, với mục tiêu đáp ứng 33% nhu cầu năng lượng của đất nước trong vòng 5 năm tới. Nếu cam kết này được thực hiện, có thể giúp Maldives tiết kiệm khoảng 750 triệu USD chi phí cho năng lượng từ ngân sách quốc gia.
Tại các cuộc đàm phán hiệp ước nhựa toàn cầu năm ngoái ở Paris, SIDS cũng đưa ra đề xuất đầy tham vọng, liên quan đến việc thực hiện các giải pháp quản lý chất thải hiệu quả cho SIDS do các nhà sản xuất nhựa tài trợ.
Trong khi đó, Maldives hiện đang thí điểm sáng kiến thành lập cơ sở xử lý rác thải thành năng lượng bền vững ở khu vực, với tiềm năng mở rộng sáng kiến này trên tất cả các đảo.
Thiếu liên kết tài chính
Trước thềm Hội nghị quốc tế lần thứ tư về các quốc đảo nhỏ (SIDS4) vào tháng 5, Maldives đã đăng cai Diễn đàn kinh tế xanh châu Á -Thái Bình Dương đầu tiên, với sự hỗ trợ của Vương quốc Anh trong Mạng lưới tài chính khí hậu do Chương trình phát triển Liên hợp quốc tổ chức.
Những người tham gia đến từ 15 quốc gia trong khu vực đã xác định những thách thức chung xuyên suốt tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế xanh.
Tổng thống Mohamed Muizzu của Maldives đã chia sẻ quan điểm tương tự trên toàn cầu tại SIDS4 đồng thời kêu gọi tiếp cận đa phương để có thể giải quyết khoảng cách tài chính của SIDS, kết hợp với các giải pháp phân bổ tài chính ưu đãi.
Các nhà lãnh đạo cũng kêu gọi cải cách cơ cấu tài chính quốc tế để tăng cường tiếng nói cũng như sự đại diện của SIDS và các nước đang phát triển khác.
Để thu hẹp khoảng cách tài chính và tận dụng tối đa tiềm năng tài nguyên của đại dương, các khoản đầu tư cần tiếp cận các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) đang thống trị các nền kinh tế trong khu vực. Các MSME thường thúc đẩy sự đổi mới và mở ra các phân khúc thị trường mới, đồng thời việc đầu tư tổng hợp và giảm rủi ro là điều cần thiết để dễ dàng tiếp cận nguồn tài chính.
Là một hàng hóa công cộng quan trọng, nền kinh tế xanh đóng vai trò quan trọng trên toàn cầu nói chung cũng như đối với SIDS nói riêng. Và những cơ hội mà nền kinh tế xanh mang lại cũng rộng lớn và sâu sắc như đại dương.
Gắn kết với truyền thống xưa
Một câu chuyện dân gian truyền miệng ở Maldives đã kể về một người đàn ông sống trên lưng một con cá voi, xem như là người bạn đồng hành cùng ông trong nhiều năm. Ngồi trên lưng cá voi, ông thường bám vào đầu của nó. Chú cá voi cũng ý thức không lặn sâu trong thời gian dài để bảo vệ mạng sống cho người đàn ông.
Người đàn ông duy trì cuộc sống bằng việc bắt cá bằng tay thành thạo, với sự hỗ trợ của cá voi để xác định vị trí. Nhiều ngư dân ở Maldives kể lại đã nhìn thấy người đàn ông này trên lưng cá voi, nhưng nếu bị phát hiện, cả hai nhanh chóng rút lui xuống vực sâu.
Thông điệp trong câu chuyện muốn nhắc đến nền kinh tế xanh ở Maldives cũng như ca ngợi trí tuệ lâu đời của người dân địa phương ở đây. Đó chính là mối liên hệ sâu sắc của con người với thiên nhiên hay cũng chính là sự phụ thuộc vào thiên nhiên của người dân Maldives đã có từ xa xưa. Vì vậy, tình yêu và sự chăm sóc mà con người nhận được từ đại dương xanh chính là kho báu đáng trân trọng cần phải giữ gìn cho các thế hệ mai sau./.