• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nền văn minh cổ đại Ai Cập "ế ẩm" do biểu tình

Thế giới 03/07/2013 10:06

(Toquoc)-“Cuộc di tản chưa có tiền lệ” của du khách thoát khỏi xứ sở các Pharaoh bạo loạn, khủng hoảng và bất ổn.

(Toquoc)-Nền văn minh cổ đại Ai Cập đang đứng trước nguy cơ “ế” khi “cuộc di tản chưa có tiền lệ” của du khách và các quan chức ngoại giao nước ngoài nhằm thoát khỏi xứ sở của các Pharaoh đầy bạo loạn, khủng hoảng và bất ổn.

Tại các sân bay chính của thủ đô Cairo, cảnh hàng ngàn khách du lịch, nhân viên ngoại giao và gia đình của họ đang chen chúc, nóng lòng muốn thoát khỏi vùng đất đang đầy biểu tình, bạo loạn và bất ổn là phản ánh sắc nét nhất vẻ bi thương của bức tranh du lịch xứ Kim Tự Tháp.

Ai Cập từng tự hào bởi sự tráng lệ của một nền văn minh cổ đại với các Kim Tự Tháp, đền thờ Pharaoh, lợi thế cho một nền du lịch di sản phát triển rực rỡ bậc nhất thế giới.

Những bãi biển cát vàng với làn nước trong xanh ngập tràn nắng, khí hậu trong lành, con người và cuộc sống dường như bất biến trước sự vận động của thời gian, Ai Cập cũng là nơi thu hút một lượng lớn du khách quốc tế trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng.

Du lịch Ai Cập là trụ cột của nền kinh tế.

Trước khi diễn ra cuộc bạo động lật đổ tổng thống năm 2011, du lịch đóng góp đến 1/10 tổng sản lượng quốc gia. Năm 2010, có 14,7 triệu lượt khách tới thăm Ai Cập, mang tới 12,5 tỷ USD thu nhập. Tuy nhiên, năm 2011, chỉ có 9,8 triệu lượt trong khi thu nhập giảm xuống còn 8,8 tỷ USD.

Ngành du lịch cũng tạo ra 20% việc làm cho lao động trực tiếp và nhiều hơn con số đó các lao động gián tiếp.



Những vị khách nước ngoài tại sân bay quốc tế Cairo: một cuộc di tản chưa từng có

Mọi chuyện đã rất khác khi “Mùa Xuân Arập” tràn đến Ai Cập. Biểu tình bạo động liên tục xảy ra. Nhiều công trình lịch sử bị hư hại bởi bom đạn, rocket. Cộng thêm khủng hoảng kinh tế toàn cầu, khách du lịch đã bớt mặn mà với các tour du lịch di sản hay nghỉ dưỡng ở xứ Kim Tự Tháp đầy nắng và gió.

Các hướng dẫn viên du lịch mất việc đang tự hỏi làm sao để đủ tiền nuôi các con ngựa, lạc đà, những công cụ đã giúp họ kiếm bộn tiền trước đây.

Những khách sạn đầy đủ tiện nghi, nắng và gió ở các khu du lịch Sharm el-Sheikh, Biển Đỏ vắng lặng hơn. Hàng nghìn nhân viên mất việc không thể hít thở không khí trong lành mà sống qua ngày.

Một năm trước, Tổng thống dân sự đầu tiên được dựng lên với đầy hy vọng cho người dân Ai Cập và cho cả những di sản, danh thắng đang ngủ vùi.

Nhưng hy vọng nhiều để rồi thất vọng. Một năm cầm quyền của Tổng thống Mohammad Morsi và những người Anh em Hồi giáo đã xây dựng lên Ai Cập- một nền dân chủ khập khiễng, một xã hội hỗn loạn và ngày càng bị chia rẽ, kinh tế trì trệ, biểu tình nhiều hơn và đời sống người dân khó khăn hơn.

Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong tài khóa 2012-2013 (bắt đầu từ 7/2012 đến hết tháng 6/2013) chỉ đạt 2,2%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình trên 7% trước thời điểm xảy ra làn sóng biểu tình lật đổ ông Mubarak. Bất ổn an ninh khiến du lịch thiệt hại nặng nề, trong khi các nhà đầu tư tháo chạy khỏi quốc gia này. Dù được nhiều nước hỗ trợ, dự trữ ngoại tệ của Ai Cập hiện chỉ còn chưa tới một nửa so với thời điểm đầu năm 2011. Đồng nội tệ đã mất giá hơn 10% kể từ cuối năm ngoái. Tình trạng cắt điện, thiếu hụt nhiên liệu và khí đốt diễn ra thường xuyên do chính phủ không còn đủ tiền để nhập khẩu. Giá cả tăng gấp đôi so với hồi cuối năm ngoái, trong khi tỷ lệ thất nghiệp đã tăng tới mức đáng báo động là 13%. Đời sống người dân vô cùng khó khăn khi thu nhập một ngày của một công nhân lao động bình thường không đủ mua một chiếc bánh mì.

Trong một năm, 9.427 cuộc biểu tình lớn, nhỏ đã nổ ra, trung bình mỗi tháng kể từ đầu năm 2013 xảy ra 1.140 cuộc biểu tình. Đỉnh điểm của nó là cuộc biểu tình ngày 30/6, lớn nhất trong lịch sử Ai Cập, với sự tham gia của hàng chục triệu người, trên quy mô cả nước.

Cuộc biểu tình đã khiến nền du lịch Ai Cập đang bị tổn thương càng nghiêm trọng hơn. Các du khách nước ngoài không muốn mạo hiểm tính mạng của mình để đến thăm lăng mộ các Pharaoh. Cuộc biểu tình cũng bộc lộ những mâu thuẫn, chia rẽ sâu sắc trong giới cầm quyền Ai Cập. 3 trong số 5 bộ trưởng từ chức ngày 1/7 có liên quan trực tiếp đến việc phát triển nền du lịch Ai Cập: Bộ trưởng Du lịch, Môi trường và Truyền thông.

Cuộc biểu tình cho thấy nền dân chủ khập khiễng mà Ai Cập xây dựng một năm nay càng khiến cho những bất ổn xã hội bộc lộ rõ nét. Nó cũng xóa sạch những nỗ lực khôi phục ngành du lịch, trụ cột kinh tế của xứ Kim Tự tháp.

Hồi tháng 5, trong nỗ lực tái thiết ngành du lịch nước này trong bối cảnh những bất ổn xã hội vẫn đe dọa, chính phủ Ai Cập đã đưa ra nhiều biện pháp kích thích du khách nước ngoài trở lại với Ai Cập, trong đó bao gồm cả việc cho phép mặc bikini trên bãi biển và phục vụ rượu bia cho du khách, những thứ mà trước đó bị cấm do sự phản đối gay gắt từ những tín đồ Hồi giáo.

Ông Melvin Palmer, du khách người Anh, cho biết: "Tôi nghĩ chính quyền Cairo không chỉ lưu ý đến văn hóa nước mình mà đã biết quan tâm đến văn hóa của những nước khác. Ở châu Âu, uống rượu bia là một phần trong văn hóa của chúng tôi."

Bộ Du lịch Ai Cập cũng đã lắp đặt hệ thống máy quay tại những khu nghỉ dưỡng lớn để cung cấp những video trực tiếp, sinh động cho website của Bộ.

"Chúng tôi muốn cho mọi người thấy rằng, Ai Cập là một điểm đến thực sự an toàn. Những hình ảnh thân thiện và tươi đẹp về đất nước cũng sẽ được trình chiếu trên các màn hình rộng tại quảng trường ở Paris và New York", truyền thông Ai Cập dẫn lời một quan chức ngành du lịch nước này cho biết.

Bên cạnh đó, Ai Cập cũng chú trọng khai thác và tìm kiếm các thị trường mới. Ai Cập đã mở cửa chào đón các du khách người Iran vào năm nay sau 34 năm đóng băng quan hệ ngoại giao.

Mục tiêu dài hạn của Ai Cập là chạm đến mốc 30 triệu lượt khách và đạt được khoản doanh thu 25 tỷ USD đến năm 2022.

Nhưng những cuộc biểu tình cuối tuần qua dường như đã cuốn phăng đi những nỗ lực này.

Khánh An

NỔI BẬT TRANG CHỦ