• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nepal và Pakistan hủy bỏ 2 dự án thủy điện của Trung Quốc

Thế giới 18/11/2017 14:38

(Tổ Quốc) - Những bước thụt lùi trong việc thực hiện BRI.  

Chính phủ Nepal mới đây tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận mà nước này đã đàm phán với Tập đoàn điện lực quốc doanh của Trung Quốc Gezhouba (CGGC) hồi tháng 6 năm nay, ngay sau khi Nepal thỏa thuận tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), hồi tháng 5, nhân dịp tham dự Diễn đàn Quốc tế Vành đai và Con đường ở Bắc Kinh.

Theo thảo thuận nói trên, CGGC sẽ đầu tư 2,5 tỷ USD để xây dựng đập thủy điện Budhi-Gandaki công suất 1.200 MW. Công suất của nó bằng một nửa sản lượng điện của Nepal hiện hành. Là một nước nhỏ và nghèo, nằm giữa vùng núi cao của Hymalaya, Nepal có tiềm năng thủy điện to lớn và có tham vọng trở thành nước xuất khẩu điện cho láng giềng. Cho đến nay, Nepal vẫn nhập điện từ Ấn Độ, là nước láng giềng có chung đường biên giới mở.

Quyết định của chính phủ Nepal đưa ra sau khi một ủy ban Quốc hội đề nghị hủy bỏ dự án này do quá trình thỏa thuận không hợp lệ vì thiếu sự tham gia đấu thầu của các bên khác. Các tổ chức xã hội và môi trường cũng tác động đến quyết định của chính phủ liên hiệp giữa các đảng cộng sản Nepal có xu hướng thân Bắc Kinh. Cuộc bầu cử các chính quyền địa phương vào ngày 26/11 tới có thể buộc chính phủ phải hủy dự án để tránh bị chỉ trích từ các phía của dư luận trong nước do các khuất tất từ dự án.

Nền chính trị của đất nước nằm ở cao nguyên Hymalaya chịu ảnh hưởng của Ấn Độ và Trung Quốc. Sự cạnh tranh ảnh hưởng của Ấn-Trung đã diễn ra gay gắt trong những năm gần đây, khi Trung Quốc thâm nhập mạnh mẽ về chính trị và kinh tế vào Nepal. Ấn Độ từng bỏ bê quan hệ với các nước láng giềng Nam Á và phạm sai lầm trong xử lý quan hệ với Nepal trong cuộc khủng hoảng năm 2015, dưới chính phủ Modi đã tích cực trở lại khôi phục các khu vực ảnh hưởng tại các khu vực sân sau của mình.

Trung Quốc đã thỏa thuận với Nepal tiến hành nghiên cứu khả thi xây dựng tuyến đường sắt nối thủ đô Kathmandu của Nepal với Lhasa, thủ phủ của Tây Tạng. Chi phí ước tính 8 tỷ USD. Tuyến đường này sẽ tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc và giảm ảnh hưởng của Ấn Độ.

Đến lượt Pakistan từ chối dự án thủy điện

Các nỗ lực của Bắc Kinh thực hiện các dự án thuộc Vành đai và Con đường vừa gặp một bước thụt lùi nữa tại Pakistan. Chính phủ Pakistan, cùng với Campuchia, được xem là hai đồng minh trung thành nhất của Bắc Kinh hiện nay, vừa quyết định hủy bỏ thỏa thuận xây dựng đập thủy điện Diamer-Bhasha trị giá 2,2 tỷ USD vì những điều kiện khắt khe tới mức vô lý mà phía Trung Quốc đưa ra khi xây dựng một dự án thủy điện trên Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan. Hành lang kinh tế này là dự án lớn nhất và trọng điểm của BRI ở hải ngoại..

 Chính phủ Pakistan hủy bỏ dự án thủy điện Diamer-Bhasha do Trung Quốc đầu tư do những điều kiện khắc khe và vô lý phía Trung Quốc đưa ra "trái với lợi ích quốc gia" của Pakistan.

Các điều kiện này bao gồm phía Trung Quốc nắm quyền sở hữu dự án, quyền vận hành và các chi phí bảo dưỡng, đồng thời được cam kết xây dựng một đập thủy điện khác trên hành lang kinh tế. Muzammil Hussain, Chủ tịch Cơ quan phát triển điện lực và nguồn nước của Pakistan, nói rằng các điều kiện như trên là “không thể chấp nhận vì đi ngược lại lợi ích” của Pakistan.

 Các dự án thủy điện trên các con sông quốc tế thường phức tạp do liên quan đến việc quản lý và sử dụng nguồn nước ở các quốc gia thượng và hạ nguồn, vấn đề môi trường và vấn đề di dời dân cư.

Cách đây ít năm, chính quyền Myanmar đã đình chỉ triển khai một dự án đập thủy điện trị giá 3,6 tỷ USD do Trung Quốc đầu tư tại Myitsone,  nơi hợp lưu của hai còn sống Mali and N'mai, trước sự phản đối quyết liệt của  các cư dân trong vùng vì tác hại môi trường và việc di dời cộng đồng dân cư sở tại.

Trung Quốc sẽ phải xem xét lại quá trình triển khai các dự án BRI tránh thái độ ngạo mạn và áp đặt của kẻ có tiền đối với các đối tác nước ngoài./.

Lưu Việt

NỔI BẬT TRANG CHỦ