(Tổ Quốc) - Việc mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Hoa Kỳ dấy lên mối quan ngại ngày càng tăng.
Việc mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Hoa Kỳ dấy lên mối quan ngại ngày càng tăng vì có thể cản trở sự cân bằng quyền lực trên quy mô toàn cầu và gia tăng khả năng diễn ra xung đột hạt nhân.
Hệ thống phòng thủ tên lửa của Hoa Kỳ đã thúc đẩy các quốc gia khác phải xây dựng năng lực tên lửa của mình và do đó, kích hoạt một cuộc chạy đua vũ trang mới, Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Nga Alexander Emelyanov cho biết trong cuộc họp chung giữa Nga và Trung Quốc về các vấn đề phòng thủ tên lửa được tổ chức bên lề một phiên họp của Liên hợp quốc ngày 12/10.
"Nga cho rằng, việc triển khai không giới hạn hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ là một thách thức lớn đối với an ninh toàn cầu, là một động lực cho một cuộc chạy đua vũ trang và mối đe doạ cho nhân loại."
Nga đang hết sức lo ngại việc phát triển hệ thống tên lửa của Mỹ. (Nguồn: AFP) |
Alexander Emelyanov cũng lưu ý, với việc triển khai các thiết bị thuộc mạng lưới tên lửa toàn cầu của Hoa Kỳ ở các quốc gia Đồng Minh, Washington đã mang lại những rủi ro đáng kể cho chủ quyền và an ninh của các nước này cũng như tương lai sinh thái của họ, khiến dân số của các khu vực này trở thành “con tin” của Lầu Năm Góc.
Nga trước “sức ép” phòng thủ tên lửa Mỹ
Người phát ngôn này cũng cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ là một mối đe dọa tiềm tàng đối với khả năng ngăn chặn của Nga vì số lượng đầu đạn hạt nhân do Hoa Kỳ triển khai vượt quá khả năng ngăn chặn hạt nhân hiện tại của Nga.
“Theo ước tính của chúng tôi, vào năm 2022, số lượng hệ thống phòng thủ tên lửa của Hoa Kỳ sẽ đạt trên 1.000, và sẽ vượt qua số lượng đầu đạn được triển khai trên các tên lửa liên lục địa của Nga. Một sức mạnh hỏa lực như vậy đặt ra mối đe dọa đối với tiềm năng ngăn chặn của Nga, đặc biệt là với việc phải liên tục nâng cấp các đầu đạn của hệ thống phòng thủ tên lửa ", Alexander Emelyanov nói.
Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Nga cũng nhấn mạnh rằng các trạm radar của Hoa Kỳ bao trùm gần như toàn bộ lãnh thổ của Nga và chặn tất cả các quỹ đạo bay của tên lửa đạn đạo của Nga hướng tới Hoa Kỳ. Emelyanov nói thêm rằng các trạm radar này có khả năng theo dõi các chuyến bay của các khối chiến đấu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, đồng thời cung cấp thông tin về vị trí các trạm radar của các hệ thống phòng thủ tên lửa.
Hơn nữa, ông cũng lưu ý rằng hệ thống tên lửa tiêu chuẩn 3 (SM-3) được Hoa Kỳ hiện đại hóa có thể đánh chặn các tên lửa đạn đạo mới được phóng ở quỹ đạo ban đầu.
"Các chuyên gia Nga đã kết luận rằng các hệ thống tên lửa tiêu chuẩn 3 của Block IIA, dự kiến sẽ được triển khai vào năm 2018, có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo chiến lược không chỉ ở giai đoạn giữa hay cuối, mà thậm chí còn ngay tại giai đoạn đầu – điều khiến loại vũ khí này có thể phá hủy tên lửa đạn đạo cho tới khi có thể không cần đến việc triển khai quân sự", phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Nga nói.
Nga đã nhiều lần thông báo cho các đối tác Hoa Kỳ về những mối quan ngại của họ đối với việc Washington vi phạm cam kết quốc tế bằng cách mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa, tuy nhiên Hoa Kỳ bỏ qua những lời kêu gọi của Nga. Trong bối cảnh căng thẳng ngày càng tăng về vấn đề Bình Nhưỡng, Hoa Kỳ có thể cố xây dựng các điều kiện để sử dụng vũ khí hạt nhân với cái giá tối thiểu.
"Việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu đang dần dần phá huỷ hệ thống an ninh quốc tế hiện nay. Với việc tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa, Mỹ muốn đạt được lợi thế chiến lược từ việc tạo điều kiện cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân với chi phí tối thiểu. Điều này có thể kéo theo hậu quả rất nghiêm trọng về vấn đề an ninh", phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong cuộc họp chung giữa Nga và Trung Quốc.
Bên cạnh đó, các hành động của Mỹ liên quan đến chiến lược phòng thủ tên lửa cũng đe dọa an ninh không gian quốc tế. Alexander Emelyanov giải thích rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của Hoa Kỳ gây tổn thương đối với an ninh các hoạt động quốc tế trong không gian và cản trở quá trình đàm phán về việc cấm triển khai vũ khí trong không gian vũ trụ.
Emelyanov cũng giải thích về mối liên hệ từ các kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa và việc tạo ra các phương tiện không kích nhanh chóng toàn cầu. Ông nói rằng hiệu quả của hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ sẽ gia tăng đáng kể trong trường hợp diễn ra một cuộc tấn công 'giải giáp' nhằm vào các cơ sở lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga và Trung Quốc. Đó là lý do tại sao việc xây dựng các phương tiện phục vụ cho một cuộc không kích toàn cầu là một nhân tố khác chứng minh ý định của Washington để phá hủy sự cân bằng quyền lực hiện tại và để đảm bảo sự thống trị chiến lược của họ.
(Theo Sputnik)