• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nga: chìa khoá mở tham vọng hạt nhân Bắc Cực của Trung Quốc?

Thế giới 28/06/2018 07:59

(Tổ Quốc) - Tàu phá băng chạy hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc có thế thử nghiệm các lò phản ứng hạt nhân sử dụng thiết bị từ Nga.

Tờ South China Morning Post (SCMP) dẫn lời các chuyên gia quân sự cho biết, Bắc Kinh đang mong muốn sử dụng tàu phá băng năng chạy bằng hạt nhân đầu tiên được sản xuất trong nước, để phát triển các lò phản ứng hạt nhân phục vụ cho tàu sân bay của Trung Quốc trong tương lai. Và mối quan hệ giữa Trung Quốc với Nga sẽ giúp đẩy mạnh quá trình này.

“Dự án tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân được hưởng lợi từ sự phát triển chung của Tuyến đường Biển Bắc giữa Bắc Kinh và Nga, sau khi Moscow đặt ưu tiên phát triển vùng lãnh thổ Bắc Cực,” Zhou Chenming, một chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh nhận định.

“Đó là một sự bắt đầu tốt, nhưng những phát triển tương lai phụ thuộc vào việc Nga sẵn lòng chuyển giao cho Trung Quốc bao nhiêu công nghệ lò phản ứng hạt nhân, và những công nghệ đó có đáp ứng các yêu cầu của Bắc Kinh hay không”.

Giới phân tích cho rằng, qua được các cuộc thử nghiệm đối với tàu phá băng, Trung Quốc sẽ sử dụng công nghệ này cho tàu sân bay thế hệ tiếp theo, Type 003.

Công ty tàu Giang Nam tại Thượng Hải đang trong quá trình chế tạo Type 002 – một tàu sân bay “truyền thống” với hệ thống phóng máy bay điện từ cần nhiều năng lượng hơn các tàu trước đó.

Trung Quốc bắt đầu “để mắt” đến Arctic Basin (Vùng trũng Bắc Cực) trong các cuộc viễn chinh vào giữa những năm 1990. Năm 1994, Bắc Kinh đã mua Xue Long 1 – tàu phá băng nặng 15.000 tấn do Ukraine sản xuất. Tuy nhiên, con tàu chạy bằng năng lượng thông thường này tỏ ra không đáp ứng được những tham vọng chinh phục Bắc Cực của Trung Quốc.

Hồi tháng Ba, Viện Khoa học Quân sự của quân đội Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đã lên kế hoạch triển khai tàu năng lượng hạt nhân, như Xue Long 2 – cho các cuộc thám hiểm trong tương lai.

 Xue Long 2 sẽ bắt đầu hành trình chính thức đầu tiên tới Bắc Cực ngay sau khi hoàn thiện – dự kiến là nửa đầu năm 2019.

Thiết kế cơ bản của Xue Long 2 được thực hiện bởi công ty Aker Artic Technology ở Phần Lan; tuy nhiên, Tập đoàn Đóng tàu Quốc gia Trung Quốc lại đảm nhận thiết kế chi tiết và toàn bộ công đoạn chế tạo. Con tàu được đóng tại Giang Nam.

“Sử dụng tàu phá băng như một lò phản ứng hạt nhân di động, là một nền tảng thử nghiệm thích hợp cho các tàu sân bay chạy năng lượng hạt nhân của Trung Quốc trong tương lai, bởi vì kích thước khổng lồ của tàu phá băng”, ông Zhou chỉ ra. “Xue Long 2 có trọng lượng lên tới 30.000 tấn”.

Theo ông, môi trường vùng cực là điều kiện thử nghiệm lý tưởng đối với tàu phá băng Trung Quốc để phát triển các lò phản ứng hạt nhân trên tàu dành cho tàu sân bay, bởi vì tàu phá băng cần phải di chuyển liên tục mà không có bất kỳ cảng hỗ trợ nào; đặc biệt là khi ở Bắc Cực không có những cảng như vậy”.

Tàu phá băng Xue Long của Trung Quốc

Nga hiện là quốc gia duy nhất trên thế giới có tàu phá băng chạy hạt nhân đang vận hành. Moscow có thể hợp tác với Bắc Kinh để đạt được lợi ích chung của cả hai nước, dựa trên nền tảng Trung Quốc có tiền trong khi Nga đang cần tiền.

Ngày 8/6, Trung Quốc và Nga đã ký kết một thoả thuận trị giá hơn 15 tỷ USD để xây dựng bốn lò phản ứng hạt nhân của Nga, trong một buổi lễ tại Bắc Kinh với sự tham gia của cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Putin. Đây được coi là thoả thuận hạt nhân lớn nhất của hai nước cho tới thời điểm đó.

Alexey Likhachev, giám đốc điều hành của Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Rosatom tiết lộ, Trung Quốc sẽ chịu phần chi phí cho việc xây dựng các lò phản ứng.

Hiện chưa rõ liệu thoả thuận trên có liên quan gì tới các lò phản ứng hạt nhân trên tàu hay không, tuy nhiên một nguồn tin thân cận nói với tờ SCMP rằng, những lò phản ứng hạt nhân sử dụng trên Xue Long 2 gần như chắc chắn được thiết kế tại Nga.

Nga là nhà sản xuất tàu phá băng hạt nhân số 1 thế giới. Họ làm ra nhiều loại tàu phá băng khác nhau, và “hiện đại hơn các mẫu tàu của Mỹ”, nguồn tin trên chia sẻ. “Trung Quốc có công nghệ lò phản ứng hạt nhân trên tàu ngầm, nhưng không đủ mạnh để sử dụng trên các tàu lớn như tàu phá băng hay tàu chở sân bay.

“Nếu Nga sẵn lòng bán những lò phản ứng này cho Trung Quốc, đó là một cơ hội hiếm hoi để các nhà khoa học và chuyên gia nước này tiến hành nghiên cứu “giải mã”.

Nga hiện có 46 tàu phá băng đang hoạt động; cùng 15 tàu khác trong quá trình sản xuất.

Tháng 8/1977, Arktika, tàu phá băng chạy hạt nhân do Liên Xô phát triển, trở thành con tàu trên mặt nước đầu tiên tới được Cực Bắc. Điện Kremlin mới đây đã công bố rằng, phiên bản mới của Arktika sẽ được hoàn thiện vào năm 2019.

Song Zhongpin, một chuyên gia quân sự tại Hong Kong cho rằng, thế hệ tàu sân bay mới của Trung Quốc nên sử dụng các lò phản ứng hạt nhân do Trung Quốc sản xuất, chứ không phải là mua từ Nga.

“Vì lý do an ninh, tàu sân bay thế hệ mới của Trung Quốc nên sử dụng các lò phản ứng hạt nhân do mình tự phát triển và coi đó là một điều bắt buộc”, ông Song nói.

Bắc Cực là một khu vực chiến lược quan trọng, nơi các quốc gia Bắc Cực – bao gồm Nga, Mỹ, Canada, Đan Mạch và Na Uy, cũng như EU và các nền kinh tế phát triển như Trung Quốc và Nhật Bản – đều có lợi ích.

Theo các nhà phân tích, Bắc Cực chiếm khoản 30% lượng dự trữ khí gas tự nhiên chưa được khai thác trên thế giới. Hầu hết trong số này đều nằm trong phần lãnh thổ của Nga.

Cũng giống như một số tuyến đường không bay qua Bắc Cực, khả năng hình thành các tuyến đường biển mới ngắn hơn, như tương lai của Tuyến đường Biển Bắc – hiện đang được phát triển dọc theo bờ biển Nga Bắc Cực – càng khiến khu vực này mang tầm quan trọng chiến lược cao hơn.

Đối với các công ty vận tải biển, sáng kiến của Nga là một tuyến đường vận chuyển hàng hoá thay thế giữa Cận Đông và châu Âu, giúp tiết kiệm nhiên liệu, thời gian và chi phí.

Tuyến đường nhận được sự phản hồi tích cực của các nước có nhu cầu năng lượng cao như Trung Quốc. Đáng chú ý, sáng kiến của Chủ tịch Tập Cận Bình “Một vành đai, Một con đường” cũng được hưởng lợi từ dự án này.

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ