(Tổ Quốc) - Các nhà ngoại giao Hội đồng Bảo an, đang phải vật lộn với câu hỏi về hòa bình và an ninh của châu Âu, ngày 21/2 cũng đang chia rẽ về vai trò của Nga.
Các nhà ngoại giao Hội đồng Bảo an, đang phải vật lộn với câu hỏi về hòa bình và an ninh của châu Âu, ngày 21/2 đang bị chia rẽ về một vấn đề quan trọng: vai trò của Nga.
Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ) Nikki Haley đã nói với các nhà ngoại giao tại cuộc họp Hội đồng Bảo an ngày 21/2 rằng Mỹ sẽ không “khuất phục” về các vấn đề quan trọng khi hướng tới quan hệ nồng ấm với Nga.
Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ) Nikki Haley. (Nguồn: AFP) |
Theo Wall Street Journal (WSJ), một số nhà ngoại giao phương Tây đã gọi là Nga là thế lực gây bất ổn lớn nhất ở châu Âu với hoạt động được cho là can thiệp vào Ukraine. Trong khi đó, một số nước Trung Âu lại cho rằng giải pháp duy nhất cho những vấn đề của châu Âu là mối quan hệ ấm lên giữa Mỹ và Nga.
Mỹ trấn an đồng minh
Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley đã đi con đường trung lập, trấn an các thành viên Hội đồng Bảo an rằng ông Trump vẫn duy trì cam kết với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO và và "có mong muốn tăng cường hợp tác" với Liên minh châu Âu (EU).
Bà nói thêm rằng Mỹ sẽ không xa rời lập trường ủng hộ đồng minh lâu năm của họ là EU dù có nhiều sự khác biệt về chính sách hiện nay. "Mỹ có thể, theo thời gian, không đồng ý với quan điểm của EU, như những người bạn thường làm," bà nói, nhưng "không ai nên suy diễn sự bất đồng thỉnh thoảng về chính sách và các cuộc tranh luận là một tín hiệu giảm cam kết đối với liên minh của chúng ta ở châu Âu."
"Mỹ cho rằng chúng tôi có thể có một mối quan hệ tốt hơn với Nga," bà Haley nói. "Tuy nhiên, sự hợp tác mạnh mẽ hơn nữa với Nga không thể trả giá bằng an ninh của các bạn bè và đồng minh châu Âu."
Nhận định của bà Haley đi theo những tuyên bố của các quan chức khác trong chính quyền đương nhiệm của ông Trump, bao gồm Phó Tổng thống Mike Pence và Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis, người gần đây đã trấn an các đồng minh châu Âu và Iraq đang lo ngại về những tuyên bố của Tổng thống Trump rằng NATO đã lỗi thời và rằng Mỹ nên kiểm soát sản lượng dầu của Iraq.
Châu Âu lo ngại về Nga
Đã có nhiều nhà ngoại giao bày tỏ những lo ngại về sức mạnh cũng như sự hiện diện gia tăng của Nga. Đại sứ Vương quốc Anh tại LHQ Matthew Rycroft đã gọi Nga là lực lượng "gây bất ổn" ở châu Âu do đã hỗ trợ lực lượng ly khai ở Đông Ukraine và "tìm cách khiến NATO bất ổn và suy yếu."
Cuộc tranh luận của Hội đồng Bảo an diễn ra một ngày sau khi Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, ông Vitaly Churkin, 64 tuổi đã bất ngờ qua đời. Hội đồng đã dành một phút im lặng cho ông Churkin, và tất cả các nhà ngoại giao của 15 nước thành viên Hội đồng đều gửi lời chia buồn về sự ra đi của ông Churkin, ngoại trừ Ukraine.
Bà Haley cũng cho biết rằng Mỹ muốn có quan hệ tốt hơn với Nga, tuy nhiên sẽ không thỏa hiệp về lập trường ủng hộ chủ quyền của Ukraine. Bà Haley cũng khẳng định rằng lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga sẽ vẫn được giữ nguyên cho đến khi Crimea được trả lại cho Ukraine.
Còn Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin cũng cáo buộc Nga đang theo đuổi một chiến lược " kích động, tham gia, hỗ trợ và sau đó chuyển hướng" Ukraine.
Bà Haley cũng chỉ trích quyết định gần đây của Nga trong việc công nhận hộ chiếu do chính quyền ly khai ở miền đông Ukraine cấp là "một thách thức trực tiếp đối với những nỗ lực để mang lại hòa bình" tại khu vực này.
Trong những ngày gần đây, ông Mike Pence và các thành viên cao cấp khác của chính quyền của Trump đã tới châu Âu để truyền tải thông điệp cam kết hợp tác giữa Mỹ với các đồng minh cũng như tiếp tục gia tăng áp lực với Nga trong việc sử dụng ảnh hưởng của Moscow để chấm dứt giao tranh giữa các lực lượng Ukraina và ly khai phía đông Ukraine.
Còn phía Nga cho biết quyết định của họ là một động thái nhân đạo để giúp đỡ những người dân sống trong các khu vực do lực lượng ly khai chiếm giữ và rằng điều này sẽ không dẫn tới sự công nhận các khu vực xung đột này.
Còn nhiều tiếng nói ủng hộ Nga?
Chủ đề về mối quan hệ gần gũi hơn giữa Nga và Mỹ cũng như động thái tiềm năng hướng đến Nga của chính quyền Trump đang khiến các nhà ngoại giao và quan chức LHQ lo ngại. Tuy nhiên, không phải tất cả các bên đều phản đối động thái trên.
Ngoại trưởng Hungary, Peter Szijjarto, tham dự cuộc họp ngày 21/2, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng nước ông hoàn toàn ủng hộ quan hệ ngoại giao gần gũi hơn giữa Nga và Mỹ do những thách thức châu Âu phải đối mặt là quá mạnh mẽ và rất khó để khối này – hiện đang chia rẽ để giải quyết tất cả các vấn đề một mình. Hungary, là một thành viên của NATO nhưng đã có quan hệ chặt chẽ hơn với Nga trong những năm gần đây.
"Nếu không có Mỹ và Nga sẽ không thể tìm ra các giải pháp cho các vấn đề ở Trung Âu," ông Szijjarto, người lạc quan cho rằng Hungary sẽ có mối quan hệ tốt với chính quyền Trump do đảng chính trị bảo thủ cầm quyền tại nước này có nhiều quan điểm tương đồng với ông Trump về di cư và các chính sách dựa trên lợi ích đất nước.
Hiện tại, các thách thức an ninh đối với châu Âu không giới hạn riêng từ Nga. Lục địa này đang phải đối mặt với một sự bùng nổ số lượng người nhập cư, tị nạn đến từ các vùng xung đột ở châu Phi và Trung Đông trong khi cũng là một “điểm đến” quan trọng đối với IS trong việc lên kế hoạch tấn công khủng bố.
Bên cạnh đó, tiến trình Anh rời khỏi EU (Brexit), sẽ được kích hoạt vào tháng 3 đang mở đường cho các đảng chính trị bảo thủ, chống toàn cầu hóa và chống nhập cư nhận được động lực mới.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, phát biểu tại cuộc họp lần này cũng cho rằng, không thể đổ lỗi cho một yếu tố đơn nhất nào về tình hình an ninh và xung đột đang nổi lên ở châu Âu. "Chủ nghĩa dân tuý, chủ nghĩa dân tộc, bài ngoại và chủ nghĩa cực đoan bạo lực là nguyên nhân và hậu quả cho cuộc xung đột ở châu Âu", ông Guterres sau đó cho biết.
(Theo AP, WSJ)