• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nga hay điều gì là hòn đá tảng chặn đường Ukraine gia nhập NATO?

Thế giới 07/06/2019 11:59

(Tổ Quốc) - Con đường trở thành một thành viên NATO chính thức của Ukraine còn rất dài và không hề ít chông gai.

Từ 4-5/6, tân Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã có các cuộc gặp mặt với giới lãnh đạo EU và NATO, trong đó, ông tái khẳng định mục tiêu của Kiev là gia nhập cả hai tổ chức này.

Trước đó, trong một hội nghị đánh dấu 70 năm thành lập NATO, các ngoại trưởng thành viên đều thể hiện sự nhất trí "mở cánh cửa" chính sách cho các nước có nguyện vọng gia nhập liên minh quân sự. Trong những năm gần đây, quan hệ căng thẳng với Moscow dường như càng làm tăng quyết tâm trở thành thành viên NATO của Ukraine, bất chấp con đường mà họ đang phải đối mặt vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Nga hay điều gì là hòn đá tảng chặn đường Ukraine gia nhập NATO? - Ảnh 1.

Ukraine thể hiện quyết tâm gia nhập EU và NATO (ảnh: getty)

Quyết tâm ngày càng gia tăng của Ukraine

Năm 2006, Tổng thống Victor Yushchenko từng đặt ưu tiên cao cho việc có được một Kế hoạch hành động thành viên NATO (MAP). Tuy nhiên, ý tưởng đã bị thất bại sau khi ông Victor Yanukovych được bổ nhiệm làm Thủ tướng. Trong một chuyến công du tới Brussels tháng 9/2006, ông Yanukovych tuyên bố không muốn MAP.

Tháng 1/2008, ông Yushchenko một lần nữa đề cập tới MAP. Tuy nhiên, lần này Moscow thể hiện sự phản đối dữ dội, thậm chí Tổng thống Nga Vladimir Putin còn đe dọa sử dụng tên lửa hạt nhân với Ukraine. Tháng 4/2008, tại hội nghị thượng đỉnh Bucharest, Tổng thống Mỹ George W. Bush từng cố gắng thuyết phục đồng minh trao MAP cho Kiev, nhưng một số nước thành viên đã từ chối. Thái độ kiên quyết của Nga được cho là đóng một vai trò nhất định.

Khi ông Yanukovych trở thành Tổng thống vào đầu năm 2010, ông từng tái khẳng định Ukraine không muốn gia nhập NATO; tuy nhiên, điều đó đã thay đổi sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014. Tổng thống Petro Poroshenko lúc đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Ukraine trở thành một thành viên liên minh quân sự.

Tháng 2/2019, Quốc hội Ukraine đã thông qua sửa đổi hiến pháp trong đó đề ra các mục tiêu chiến lược cho đất nước là gia nhập EU và NATO. Mục tiêu này cũng ngày càng nhận được sự ủng hộ nhiều hơn từ người dân. Một cuộc trưng cầu ý kiến vào tháng Một năm nay chỉ ra, 46% người trả lời ủng hộ, còn tỷ lệ phản đối là 32%.

Nga là "hòn đá tảng" chắn đường?

Steven Pifer, học giả cấp cao của Viện Brookings nhận định, điều ngăn cản Ukraine nhận được một kế hoạch hành động thành viên NATO (MAP) chính là nước Nga cũng như thái độ của một số thành viên NATO đối với lập trường của Moscow. Một lý do khác khiến NATO chưa muốn trao MAP cho Ukraine là do MAP không bao gồm sự đảm bảo an ninh như Điều khoản 5. Điều khoản 5 chính là "trái tim" của hiệp ước NATO, trong đó quy định một cuộc tấn công chống lại một quốc gia thành viên sẽ được coi là một cuộc tấn công chống lại cả liên minh. NATO thiếu một lời đáp trả hợp lý cho câu hỏi: liên minh sẽ làm gì nếu một nước muốn gia nhập nhận được MAP và sau đó bị tấn công trước khi trở thành thành viên chính thức?

Liên minh sẽ làm gì nếu một nước muốn gia nhập nhận được MAP và sau đó bị tấn công trước khi trở thành thành viên chính thức?

Theo Pifer, rõ ràng Điện Kremlin muốn Ukraine quay trở lại trong tầm ảnh hưởng của mình, mặc dù tình hình quan hệ song phương trong năm năm trở lại đây đang chứng tỏ mong muốn của Moscow rất khó có thể trở thành hiện thực. Điều này dẫn tới "kế hoạch B" của Nga, thể hiện qua các lệnh trừng phạt kinh tế chống lại Kiev. Moscow đặt ra mục tiêu gia tăng áp lực, gây cản trở việc Ukraine thực hiện các điều khoản trong thỏa thuận giữa Ukraine và EU, và góp phần khiến Ukraine chưa thành công trong những nỗ lực thu hút niềm tin từ phương Tây.

Con đường phía trước còn nhiều chông gai

Michael O'Hanlon, một học giả khác cũng đến từ Viện Brookings đề xuất thiết lập một khu vực bao gồm các quốc gia trung lập lâu dài, bắt đầu từ Thụy Điển và Phần Lan ở phía bắc và kéo dài tới Biển Đen và Kavkaz, với sự an ninh của các nước này được đảm bảo bởi cả NATO và Nga. Nga sẽ rút lực lượng của mình khỏi Georgia, Ukraine và Moldova trong khi phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế dành cho Nga. NATO cũng sẽ từ bỏ việc mở rộng hiện diện, tuy nhiên các quốc gia thuộc khu vực trung lập có thể gia nhập EU.

Ông Pifer nhận xét, đây là một ý tưởng hay nhưng không mang tính hiệu quả. Phần lớn các quốc gia nằm trong khu vực trên (bao gồm cả Thụy Điển và Phần Lan, chứ không chỉ riêng Ukraine và Georgia) sẽ không đồng ý. Và Nga vẫn phản đối các nước thuộc Liên Xô trước đây trở thành thành viên EU. Moscow từng gây áp lực lên ông Yanukovych nhằm không ký kết hiệp định với EU khi cựu Tổng thống tuyên bố không muốn tăng cường quan hệ Ukraine - NATO.

Thay vào đó, Pifer cho rằng, điều tốt nhất bây giờ là Ukraine, Nga và NATO cùng đồng ý rằng, việc Ukraine trở thành một phần của liên minh quân sự sẽ không diễn ra ở thời điểm hiện tại, nhưng không có nghĩa là không bao giờ xảy ra. Quyết định này gần như chắc chắn chưa thể khiến cả Kiev hay Moscow hài lòng, nhưng nó sẽ giúp gỡ bỏ được tình thế rối ren trước mắt và tạo điều kiện cho các bên cân nhắc sâu sắc hơn.

Gia nhập NATO là giấc mơ khó khó thành hiện thật cho Ukraine trong một tương lai gần. Ukraine nên tiếp tục đẩy mạnh theo chiều sâu mối quan hệ hợp tác thực tế với khối liên minh. Theo Pifer, hầu hết nội dung của MAP có thể được đưa vào các kế hoạch hành động hàng năm thông thường của Ukraine. Và có vẻ như, cái Moscow phản đối là tên của kế hoạch, chứ không phải là nội dung cụ thể bên trong nó. Vì vậy, trọng tâm đối với Ukraine lúc này nên là việc thực hiện.

Ukraine cần tiến hành chuẩn bị càng nhiều càng tốt – không chỉ riêng trong lĩnh vực cải cách an ninh và quốc phòng mà còn cần phải cả ở các giá trị dân chủ và kinh tế thị trường. Điều đó sẽ giúp Kiev tiến dần tới một vị thế thuận lợi hơn hiện tại nếu cơ hội xảy đến và NATO sẵn sàng thực sự cân nhắc tư cách thành viên cho Ukraine.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ