• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nga hướng tới thỏa hiệp với Mỹ

Thế giới 06/11/2016 21:04

(Tổ Quốc)- Moscow tìm kiếm thỏa hiệp chiến thuật ở một mức độ nào đó đối với các cuộc xung đột Ukraine, Syria.

Nga đã có ý định sử dụng khoảng thời gian cuối cùng của năm 2016 nhằm tăng cường ảnh hưởng tại Syria và Ukraine và hướng đến một sự thỏa hiệp với Mỹ và châu Âu, để có thể làm giảm đi các áp lực cấm vận và tạo dựng động lực cho các cuộc đàm phán với vị Tổng thống Mỹ sắp lên nắm quyền.

Trả lời vô tuyến truyền hình Israel ngày 5/11, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev khẳng định Nga sẵn sàng làm tan băng quan hệ với Mỹ. Tất nhiên, tất cả phụ thuộc vào lập trường của chính quyền mới của Mỹ.

Ông Medvedev nhấn mạnh cho dù ai trở thành tổng thống Mỹ, Moskva sẵn sàng xây dựng với chính quyền mới ở Mỹ mối quan hệ bình thường, mang tính xây dựng dựa trên những nguyên tắc của luật pháp quốc tế, mô hình chung mối quan hệ bình đẳng giữa Nga và Mỹ, cấu trúc thế giới đa cực và dựa trên trách nhiệm trước nhân loại mà Nga và Mỹ đang gánh vác với tư cách là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và những cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới.

Dmitry Medvedev là nhân vật được Mỹ và các nước phương Tây khác ưa chuộng hơn cả trong ê-kip lãnh đạo Nga hiện nay.  

Không quân Nga vẫn hoạt động tại Syria nhưng thỏa thuận Mỹ-Nga chỉ mang tính chiến thuật

Những dấu hiệu xuống thang căng thẳng

Ba nhân tố chính ảnh hưởng tới tình trạng xa cách giữa Nga và phương Tây: những ngày cuối cùng trước khi hết nhiệm kỳ của chính quyền Obama, cuộc bỏ phiếu sắp tới của Liên minh châu Âu về việc cấm vận Nga và căng thẳng kinh tế đang chi phối các cuộc chiến ngân sách tại điện Kremlin. Tuy nhiên, những hạn chế của Moscow tại Syria đang phá hủy nghiêm trọng chiến lược này, đẩy Nga trở lại con đường leo thang căng thẳng với Mỹ.

Mặc dù Mỹ đang rút khỏi các cuộc đàm phán với Nga về vấn đề Syria nhưng Mỹ sẽ vẫn duy trì đối thoại chiến thuật với Moscow để giảm xung đột trên chiến trường và làm giảm khả năng xảy ra va chạm. Nga vẫn có thể khiến cuộc chiến chống lại IS của Mỹ trở nên phức tạp và leo thang xung đột ở Aleppo, nhưng dường như đã giảm các cuộc không kích tại vùng chiến địa này. Moscow cũng có đòn bẩy khác, bao gồm đe dọa rút khỏi Hiệp ước giải trừ vũ khí hạt nhân, nhằm đưa vấn đề trở lại tình trạng ban đầu để tạo đòn bẩy cho các cuộc đàm phán với chính quyền mới ở Mỹ.

Tại Ukraine, Nga sẽ có nhiều cơ hội để xuống thang căng thẳng trong những tháng cuối năm này với hy vọng bẻ cong ý chí của châu Âu đối với các lệnh trừng phạt. Nga sẽ cố gắng ngăn cản việc vi phạm lệnh ngừng bắn của lực lượng ly khai nhưng sẽ không rút toàn bộ quân đội khỏi chiến trường miền Đông Ukraine. Thay vào đó, Moscow sẽ thỏa hiệp chiến thuật ở một mức độ nào đó trong khi vẫn cứng rắn trong các vấn đề chiến lược như sự kiểm soát biên giới Nga với lãnh thổ của các lực lượng ly khai. Những thành phần diều hâu ở Kremlin sẽ phản đối bất kỳ nhượng bộ thực chất nào ở Ukraine. Kiev cũng sẽ không có nhượng bộ lớn nào về mặt chính trị đối với những vùng lãnh thổ của lực lượng ly khai.

Moscow cũng sẽ tranh thủ tình trạng không thống nhất của EU để giảm bớt trừng phạt, kêu gọi các nước như Italy, Hy Lạp, Hungary, Slovakia và Cyprus nới lỏng trừng phạt. Tuy nhiên,  Mỹ sẽ tiếp tục gây áp lực với các thành viên châu Âu để họ tiếp tục trừng phạt cho tới khi Nga có bước tiến trong việc thực hiện thỏa thuận Minsk về giai quyết xung đột Ukraine. Mỹ cũng sẽ cố gắng lợi dụng động thái của Nga tại Syria để duy trì cam kết cấm vận của EU trong thời gian này. Đức, nước muốn giữ quan hệ bình ổn với Nga, sẽ là nhân tố chủ chốt trong việc định hướng cuộc tranh luận của EU về việc trừng phạt có nên được dỡ bỏ một phần hay mở rộng, mặc dù quyết định chính thức nhiều khả năng sẽ bị trì hoãn cho tới đầu năm sau.

Các cuộc khủng hoảng đan xen

Trong khi đó, Nga sẽ phải giải quyết nhiều cuộc khủng khoảng trong nước. Nga phải đưa ra ngân sách cho năm 2017. Các cuộc thảo luận về ngân sách sẽ gây nhiều tranh cãi cả bên trong và ngoài điện Kremlin, gây ra những bất đồng, làm tồi tệ thêm các cuộc đấu tranh giữa các lực lượng an ninh, giới kinh doanh, giới tinh hoa của Nga và tổng thống Nga Putin. Sau khi bầu cử quốc hội kết thúc, Tổng thống Putin nhiều khả năng sẽ bắt đầu mạnh tay tái cấu trúc và cải tổ chính phủ Nga nhằm bảo đảm quyền lực trước cuộc bầu cử thổng thống năm 2018.

Mặc dù kinh tế Nga đã có những dấu hiệu phục hồi khiêm tốn nhưng chính phủ vẫn còn phải bù đắp một khoản thâm hụt 36 tỷ USD trước cuối năm, nếu không nó sẽ vượt quá giới hạn thâm hụt ngân sách 3.5%. Điện Kremlin có nhiều lựa chọn để bù đắp thiếu hụt ngân sách nhưng mỗi lựa chọn lại có những mặt trái riêng. Ví dụ, chính phủ có thể rút 32 tỷ USD từ Quỹ Dự trữ và một phần từ 72 tỷ USD của Quỹ Phồn vinh Quốc gia Nga, nhưng việc này sẽ khiến cho chính phủ chỉ còn lại khoảng đệm an toàn rất nhỏ cho năm sau. Thêm vào đó, do Quỹ Phồn vinh Quốc gia có ý định hỗ trợ lương hưu, việc quỹ này chi trả những khoản phí không liên quan có thể dẫn đến biểu tình. Bằng cách tư nhân hóa hai trong số những công ty dầu lớn nhất của Nga, Rosneft và Bashneft, chính phủ có thể tăng khoảng một nửa số tiền cần để bù đắp thâm hụt. Điện Kremlin sẽ cố gắng làm việc đó vào cuối năm nay, mặc dù việc bán các công ty dầu sẽ kích động giới tinh hoa Nga trong cuộc đấu tranh chính trị. Mặt khác, chính phủ có thể cắt giảm chi tiêu một lần nữa - đặc biệt trong ngân sách chi tiêu quân sự và an ninh - nhưng việc này cũng có thể làm bùng phát một cơn bão lửa chính trị.

Việc bà Hillary Clinton có khả năng thắng cử ngày 8/11 sẽ là một tin xấu đối với Nga. Vì bà này trước khi rời nhiệm sở đầu năm 2012, đã làm bản kiến nghị với Tổng thống Obama đừng tin tưởng Nga mà cần tăng sức ép đối với Điện Kremlin./.

Lưu Việt

NỔI BẬT TRANG CHỦ