• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nga "khó lường" Trung Quốc tại thế trận "hung hiểm" ở Trung Á

Thế giới 26/08/2019 16:03

(Tổ Quốc) - Trung Quốc đang gia tăng sự hiện diện quân sự và kinh tế tại các khu vực thuộc Trung Á mà Nga thường coi là phạm vi ảnh hưởng của mình – diễn biến mà một số nhà phân tích tin rằng có thể khiến Moscow lo ngại.

Trong khi ảnh hưởng của Nga vẫn còn mạnh mẽ ở nhiều nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, Trung Quốc đang dần xây dựng ảnh hưởng quân sự và kinh tế ở Tajikistan, đặc biệt là ở các vùng núi xa xôi hẻo lánh ở biên giới phía tây nơi chính quyền trung ương suy yếu.

Loạt động thái ở Tajikistan

Quân đội Trung Quốc gần đây đã kết thúc một cuộc tập trận chung ở phía đông Tajikistan, với 1.200 binh sĩ của cả hai nước.

Cuộc tập trận kéo dài 8 ngày kết thúc vào ngày 13/8 được tiến hành tại khu tự trị Gorno-Badakhshan, một vùng lãnh thổ dân cư thưa thớt ở vùng núi cao Pamir, giáp ranh với khu vực Tân Cương, Trung Quốc và Afghanistan.

Mặc dù cuộc tập trận năm nay có sự tham gia ít hơn cuộc tập trận ba năm trước, 10.000 người tham gia, nhưng sự kiện lần này đã thử nghiệm việc sử dụng các phương tiện tiên tiến trên không và công nghệ trinh sát mặt đất để giám sát khu vực.

Đất nước không giáp biển này rất quan trọng về mặt chiến lược đối với Trung Quốc khi Bắc Kinh lo lắng rằng an ninh biên giới lỏng lẻo sẽ đóng vai trò là điểm nhập cảnh của ma túy và những chiến binh Hồi giáo cực đoan đi vào Tân Cương.

40be6276-c685-11e9-ad8c-27551fb90b05_image_hires_152423

Trung Quốc và Tajikistan vẫn duy trì các cuộc tập trận chung. Ảnh: Xinhua.

Tajikistan cũng nằm dọc theo các tuyến thương mại mà Trung Quốc hy vọng sẽ phát triển theo Sáng kiến Vành đai và Con đường - kế hoạch hàng đầu của Bắc Kinh để mở rộng ảnh hưởng toàn cầu thông qua phát triển cơ sở hạ tầng, thương mại và đầu tư. Tuy nhiên, khu vực này lâu nay vẫn phải hứng chịu tình trạng bạo lực và tình trạng luật pháp yếu ớt.

Artyom Lukin, giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Liên bang Viễn Đông ở Vladivostok, cho biết Nga không hài lòng về việc Trung Quốc triển khai lực lượng tại Tajikistan.

"Nga theo truyền thống đã coi Trung Á, bao gồm cả Tajikistan, nằm trong phạm vi ảnh hưởng chính trị - quân sự.

Các nhà quan sát cho biết các nước cộng hòa Trung Á khác - như Kazakhstan, Uzbekistan và Kyrgyzstan - có khả năng vẫn ở lại quỹ đạo của Moscow, nhưng Trung Quốc đang dần xây dựng quan hệ an ninh chặt chẽ hơn với Tajikistan.

Vào tháng 2, Bộ Quốc phòng Trung Quốc phủ nhận việc họ đang xây dựng một căn cứ và đóng quân ở nước này, nhưng lên tiếng bảo vệ sự hợp tác quân sự chặt chẽ hơn với Tajikistan.

Trung Quốc có lợi ích an ninh lâu dài ở nước này và năm 2016 họ đã đồng ý tài trợ cho 11 tiền đồn ở biên giới và một trung tâm huấn luyện cho lính canh dọc biên giới Afghanistan.

Đây là một phần trong thỏa thuận mà Bắc Kinh đã thực hiện thông qua Cơ chế hợp tác và phối hợp bốn bên - liên quan đến Pakistan, Afghanistan và Tajikistan - để tăng cường hợp tác chống khủng bố và cải thiện an ninh.

Trung Quốc cũng đã vượt qua Nga trong hợp tác kinh tế, trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Tajikistan năm 2016, chiếm 30% tổng đầu tư tích lũy trực tiếp của Tajikistan, Tân Hoa Xã đưa tin.

Con số đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Tajikistan ở mức 95 triệu USD trong năm 2017, theo số liệu mới nhất hiện có. Trung Quốc cũng đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của nước này với thương mại song phương đạt khoảng 1,5 tỷ USD vào năm 2018.

Nguy cơ Nga hành động?

Một bài bình luận gần đây được hãng thông tấn nhà nước Nga Sputnik đăng tải cho rằng Trung Quốc có thể sẽ bị cuốn theo bởi các khoản đầu tư vào khu vực này.

Bài báo cũng cho rằng sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc tại quốc gia này có thể dẫn đến việc Tajikistan mất một phần chủ quyền và rằng Bắc Kinh có thể muốn kiểm soát cả phần biên giới với Afghanistan.

Nhưng Lukin cho biết, mặc dù sự hiện diện ngày càng tăng này có thể gây khó chịu cho Nga, quan hệ đối tác chiến lược giữa Trung Quốc và Nga sẽ vẫn mạnh mẽ.

Hai nước vẫn là những nhân vật chủ chốt trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải SCO- một liên minh kinh tế và an ninh bao gồm các nước cộng hòa Trung Á cùng Ấn Độ và Pakistan.

Hai người cũng vẫn muốn hợp tác chặt chẽ hơn do mối quan hệ căng thẳng của họ với Hoa Kỳ. Năm nay, các lực lượng vũ trang Nga và Trung Quốc đã tăng cường hợp tác và tuần trước đã cùng đề nghị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp để chỉ trích Mỹ vì đã rút khỏi Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân tầm trung INF. Washington thì cho rằng việc họ rút khỏi INF là phản ứng cần thiết đối với việc Bắc Kinh và Moscow phát triển vũ khí.

Lukin nói: Moscow hiểu rằng, về mặt an ninh thì vùng biên giới Tajikistan, liền kề với Trung Quốc, Tân Cương và Afghanistan, thực sự là một mối quan tâm sống còn đối với Bắc Kinh.

Sự hiện diện của quân đội Trung Quốc thực sự có thể mang lại lợi ích cho Nga, bởi vì Trung Quốc sẽ chịu chi phí cho việc kiểm soát các khu vực biên giới Tajikistan".

Stephen Blank, cựu giáo sư tại Đại học tác chiến lục quân Mỹ và là chuyên gia về an ninh Á-Âu, nói rằng trong khi Nga hầu như giữ im lặng về sự hiện diện của Trung Quốc ở Tajikistan, thì họ vẫn theo dõi sát sao tình hình.

"Những gì xảy ra trong dài hạn sẽ phụ thuộc vào việc Trung Quốc đi xa đến đâu để mở rộng sự hiện diện quân sự ở Trung Á. Và nếu điều đó tiếp tục kéo dài, nó cũng có thể gây ra một số hành động thể hiện quan ngại ở Nga, ngoài sự im lặng diễn ra cho đến nay", ông Blank nói.

Quý Hoàng

NỔI BẬT TRANG CHỦ