• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nga – Mỹ “nảy lửa” về Syria: Bàn nóng Liên Hợp Quốc có làm nên chuyện?

Thế giới 28/09/2018 15:00

(Tổ Quốc) - Thời điểm hiện tại khi mặt trận quân sự bị đóng băng, dự đoán cho một cuộc tấn công cuối cùng tại Syria trong tương lai gây sốt trên bàn nóng Liên Hợp Quốc hơn bao giờ hết.

Nga liên tục căng thẳng và tranh cãi với Mỹ trong thảo luận về điểm kết cho nội chiến hơn 7 năm tại Syria đồng thời tìm kiếm sự ủng hộ của thế giới.

Phiên họp thứ 73 tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Ảnh: Bloomberg

Mâu thuẫn giữa Moscow và Washington tiếp tục diễn ra ở cuộc họp các Bộ trưởng ngoại giao và quan chức đứng đầu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Nga yêu cầu Liên Hợp Quốc hỗ trợ tìm nguồn viện trợ cho nỗ lực tái thiết Syria trong khi Mỹ nhất quyết muốn Moscow nên cân nhắc quá trình chuyển giao quyền lực đối với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.

“Syria cần thiết để tái thiết sau chiến tranh. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Assad không nên tham gia vào quá trình tái thiết Syria cho đến khi có lộ trình cải cách chính trị thực sự”, ông Jame Jeffrey, đại sứ đặc biệt của Mỹ tại Syria cho biết.

Các căng thẳng về vấn đề Syria liên tục gia tăng trong tuần này. Nhấn mạnh tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhấn mạnh lại đe dọa một cuộc tấn công vào quân đội Syria nếu họ sử dụng vũ khí hóa học đồng thời kêu gọi hướng giải quyết chính trị trong hòa bình nhằm đảm bảo cuộc sống cho người dân Syria. Các quan chức Mỹ cũng đưa ra cảnh báo về kế hoạch Nga vận chuyển hệ thống phòng không S-300 vào Syria.

Chính quyền Tổng thống Assad với sự hậu thuẫn của Nga và Iran liên tục cố gắng giành lại quyền kiểm soát Syria sau hơn 7 năm nội chiến. Tuy nhiên, xung đột có thể phải trì hoãn trong bối cảnh Mỹ liên tục đưa ra các cảnh báo về một cuộc tấn công và được xem như thảm họa. Giới quan sát cho rằng, có thể giai đoạn tiếp theo hướng giải quyết nên là lựa chọn ngoại giao.

"Vị thế đảo lộn"

Chính quyền Tổng thống Assad có chút lo lắng trong tháng này khi Nga tạm dừng cuộc tấn công cuối cùng nhằm giành lại tỉnh phía Tây Bắc Idlib. Đây được xem là thành trì cuối cùng trong cuộc chiến chống khủng bố IS. Thổ Nhĩ Kỳ cũng nằm trong kế hoạch này. 1/4 Syria do lực lượng người Kurd chiếm đóng. Quân đội Mỹ cũng vẫn tiếp tục hiện diện tại khu vực này.

Theo Bloomberg, Mỹ, châu Âu và các đồng minh vùng Vịnh đang tìm cách ngăn chặn sự hỗ trợ của Nga giúp chính quyền Tổng thống Assad tái kiến thiết Syria. Liên Hợp Quốc cho biết, việc tái thiết Syria phải mất chi phí khoảng 250 tỷ đôla.

Giống với Mỹ, châu Âu cũng bác bỏ việc giúp chính quyền Syria của Tổng thống Assad. Người đứng đầu chính sách ngoại giao của liên minh châu Âu Federica Mogherini đã lên tiếng kêu gọi ngày 26/9 về việc tiếp tục các đàm phán chính trị có ý nghĩa tại Liên Hợp Quốc nhằm mang đến một tín hiệu tốt cho tương lai Syria.

Trong khi đó, Nga đã lên án phương Tây về việc tiếp tục ra điều kiện cho quá trình tiếp trợ Syria.

“Moscow cho rằng điều này là không thể chấp nhận được”, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Vershinin cho biết.

Ông Sergei Vershinin cũng cảnh báo Mỹ nên chấm dứt các hành động “khiêu khích đầy nguy hiểm” cho cuộc tấn công Syria.

Vượt quá lựa chọn

Một quan chức cấp cao Mỹ trong điều kiệ giấu tên cho biết, các mối đe dọa về một cuộc tấn công đều có thể diễn ra. Hòa đàm Geneva với sự tham gia của Liên Hợp Quốc có thể tạo tiền đề cho chính quyền Tổng thống Assad nhận ra rằng, bất kỳ giải pháp quân sự nào cũng không nên là một lựa chọn.

Theo ông Steven Cook, một chuyên gia cấp cao nghiên cứu về Trung Đông và châu Phi tại Hội đồng Đối ngoại ở New York, rất ít triển vọng có thể đạt được sau nhiều năm đàm phán tại Geneva. Và việc trì hoãn cho một cuộc tấn công lớn của chính quyền Tổng thống Assad hiện tại có thể chỉ diễn ra tạm thời.

“Mỹ đang hết lựa chọn tại Syria. Chính quyền Tổng thống Assad đang nhìn thấy chiến thắng trong tầm tay. Điều đó chỉ còn là vấn đề thời gian”, quan chức này cho biết.

Các mục tiêu của Mỹ chỉ là muốn tiến tới thay đổi chính quyền Tổng thống Assad. Giới chuyên gia cho rằng, Washington đang muốn bác bỏ tính hợp pháp chính trị của Tổng thống Assad và muốn đẩy các đồng minh của Iran ra khỏi Syria.

Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump John Bolton cho biết trong tuần này, quân đội Mỹ sẽ vẫn ở lại Syria cho đến khi nào Iran và các đồng minh rút khỏi đây. Tổng thống Trump đã có bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, trong đó nhấn mạnh đến việc cô lập Iran, đồng thời cáo buộc nước này đang gây nên bất ổn Trung Đông và xa hơn nữa.

Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton cũng cho rằng, Iran phải chịu trách nhiệm trong vụ tấn công máy bay Nga vào tuần trước. Tuy nhiên, không phải Iran, Nga lại cáo buộc Israel là nguyên nhân của vụ việc này bởi máy bay Israel đang thực hiện cuộc tấn công vào các mục tiêu của Syria vào thời điểm đó.

Israel đã thực hiện hàng trăm cuộc không kích bên trong Syria trong suốt cuộc chiến tranh với tuyên bố muốn ngăn chặn mối đe dọa từ Iran. Điện Kremlin thông báo rằng, các hệ thống phòng thủ S-300 sẽ được chuyến tới Damascus trong vòng 2 tuần tới nhằm đối phó với mối đe dọa từ Israel. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho rằng đây là một động thái khiến cho căng thẳng sẽ tiếp tục leo thang đáng kể./.

 

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ