• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nga quyết không ngồi yên đợi NATO đến cửa

Thế giới 10/06/2017 21:37

(Tổ Quốc) - Nga, lo ngại vì tiến trình mở rộng hiện diện của NATO, đang nỗ lực khôi phục lại sự cân bằng quyền lực trong khu vực

Nga, lo ngại vì tiến trình mở rộng hiện diện của NATO, đang nỗ lực khôi phục lại sự cân bằng quyền lực trong khu vực, phát ngôn viên của Điện Kremlin Dmitry Peskov nói.

"Moscow trong lịch sử luôn nghi ngờ và lo ngại tiến trình mở rộng của NATO tới biên giới. Chúng tôi tin rằng điều này đe doạ đến an ninh của chúng tôi và sự cân bằng các lực lượng ở khu vực Á-Âu. Tất nhiên, phía Nga đang thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để tái cân bằng tình hình và bảo vệ quyền lợi và an ninh của chính mình," ông Peskov nói với các phóng viên.

Kiev tìm kiếm tư cách thành viên NATO

Ngày 8/6, nghị viện Ukraine đã gia tăng lo ngại của Nga về việc NATO tiến sát biên giới phía tây của họ bằng cách thông qua đạo luật tuyên bố việc tìm kiếm tư cách thành viên NATO là ưu tiên hàng đầu của nước này trong chính sách đối ngoại.

Lực lượng Kiev tham gia đào tạo cùng NATO. (Nguồn: Sputnik)

Dự luật này, cần được Tổng thống Petro Poroshenko ký kết thành luật, xác định rằng một trong những nguyên tắc cơ bản của chính sách đối ngoại của Ukraine là tăng cường hợp tác với NATO, đưa đất nước này vào "không gian chính trị, kinh tế và pháp lý châu Âu" như một điều kiện tiên quyết để nước này trở thành viên của Liên minh châu Âu EU.

Vào cuối năm 2014, các nghị sĩ Ukraine đã bỏ phiếu thông qua một học thuyết quân sự mới và đưa nước cộng hòa Xô viết cũ này hướng về con đường trở thành thành viên NATO. Kiev mong muốn đến năm 2020 đảm bảo các lực lượng vũ trang của mình phù hợp với các tiêu chuẩn quân sự của NATO.

Kiev đã tăng cường nỗ lực gia nhập NATO sau khi chính quyền nước này thay đổi vào năm 2014 và đã hủy bỏ lập trường không liên kết. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho biết cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên NATO sẽ được tổ chức vào năm 2020.

Kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine bắt đầu, NATO đã và đang tăng cường sự hiện diện quân sự của mình ở Đông Âu. Trong hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7/2016 tại Warsaw, các đồng minh đã đồng ý triển khai luân phiên bốn tiểu đoàn đa quốc gia tới Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan. Nga đã cảnh báo rằng việc tăng cường quân đội và thiết bị quân sự gần biên giới nước này là một sự khiêu khích, vi phạm các cam kết của NATO và có thể đưa khu vực này và toàn cầu tiến vào sự mất ổn định.

Lo ngại và phản đối từ nội bộ

Nghị sĩ thuộc phe đối lập trong Quốc hội Ukraine, Oleksandr Vilkul bày tỏ sự phản đối việc tìm kiếm tư cách thành viên của Ukraine trong bất kỳ liên minh quân sự-chính trị nào và ủng hộ việc tiếp tục duy trì lập trường không liên kết của nước này.

Vilkul cho biết: "Hiến pháp đã ghi rõ sự trung lập vĩnh cửu là mô hình duy nhất có thể cho Ukraine tồn tại – quốc gia nằm ở ngã ba của thế giới và các nền văn minh." "Đây là điều mà Áo và Thụy Sĩ đã làm. Bất kỳ con đường nào khác sẽ vĩnh viễn đưa chúng ta vào thế đối đầu và trở thành một vùng đệm", ông nói thêm.

Ông Oleksandr Vilkul nói rằng Khối đối lập sẽ bỏ phiếu chống lại bất kỳ dự luật nào nhằm đưa Ukraine trở thành một phần của các liên minh quân sự-chính trị.

Yuri Boiko, một thành viên khác của Khối đối lập, cho biết, thay vì bỏ phiếu về các vấn đề về ý thức hệ, Verkhovna Rada (Quốc hội Ukraine) nên tập trung vào việc ban hành luật để ổn định tình hình kinh tế trong nước và cải thiện mức sống của người dân Ukraine.

"Chúng tôi chắc chắn rằng NATO sẽ không chấp nhận chúng tôi, họ thậm chí sẽ không xem xét đơn của chúng tôi vì, theo điều lệ của họ, họ không muốn các nước có xung đột quân sự đang diễn ra. Cuộc bỏ phiếu hôm nay chỉ là một nỗ lực nhằm thu hút sự chú ý của mọi người khỏi những điều thực sự quan trọng ", Boiko phàn nàn.

Trước đó, cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã cảnh báo rằng Ukraine sẽ cần thêm thời gian để đáp ứng các tiêu chí cần thiết để gia nhập liên minh này. Các chuyên gia tin rằng sẽ mất hơn 20 năm để Kiev đáp ứng được các tiêu chuẩn yêu cầu của NATO. Các quan chức NATO cũng nhiều lần nhấn mạnh rằng nước này cần phải thực hiện một loạt các cải cách trước khi theo đuổi tư cách thành viên khối.

Viktor Medvedchuk, người đứng đầu Khối đối lập Lựa chọn Ukraine – quyền của người dân và là đại diện của Kiev trong nhóm nhân đạo về tình hình ở Donbass cũng nói rằng cuộc bỏ phiếu hôm thứ năm sẽ làm suy yếu nỗ lực của nước này nhằm khôi phục lại sự toàn vẹn lãnh thổ và sẽ dẫn đến việc leo thang xung đột ở Donbass.

Medvedchuk cho biết, dự luật được thông qua hôm thứ Năm đã đi ngược lại Tuyên bố về chủ quyền nhà nước của Ukraine, nhằm khẳng định vị thế trung lập của nước này.

"Tiến trình gia nhập NATO là hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với người dân Donbass", Yuri Medvedchuk cho biết.

"Ukraine sẽ không tìm thấy chính mình trong NATO hoặc EU trong tương lai gần. Sự liên kết – có thể, nhưng thành viên – thì không ", Oleinik cũng nhấn mạnh.

(Theo Sputnik)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ