(Tổ Quốc) -Yếu tố nào sẽ là phép thử cho cố vấn an ninh mới của Mỹ McMaster?
Điểm sáng của ông McMaster là gì?
Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục chỉ ra việc thiếu kiên nhẫn trong việc giải quyết các vấn đề chính trị bất đồng quan điểm. Và điều này sẽ là phép thử cho cố vấn an ninh quốc gia mới của Mỹ Tướng McMaster trong thời gian tới.
Ông McMaster đã trở thành cố vấn an ninh mới tại Nhà Trắng theo dõi các vấn đề về Nga, vấn đề chống khủng bố, thắt chặt quân sự và các mảng an ninh. Nhiều điểm khác biệt giữa ông McMaster với các cộng sự của Trump và cả bản thân tân Tổng thống Trump đã dần được bộc lộ.
Là một nhân vật từng trải, các ý kiến ông McMaster đưa ra thể hiện kinh nghiệm của bản thân nhiều hơn là cảm xúc, yếu tố thực tế nhiều hơn là luận điệu sáo rỗng, các lập luận lô-gic nhiều hơn là sự bốc đồng trong các câu chuyện chính trị, và có lẽ sẽ “khô cứng” hơn bởi tố chất của một người lính khi đã từng trải qua chiến trường Afganishtan và Iraq.
Tuy nhiên, ông McMaster sẽ không cô lập. Các đồng minh trong chính quyền của Trump bao gồm Bộ trưởng quốc phòng Jim Mattis; Tướng Hải quân Joseph Dunford, Thượng nghị sỹ John McCain và nhiều đồng đội liên tục sát cánh bên ông.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer nói hôm 21/2 rằng, ông Trump đã nói rằng: “Ông McMaster có đủ thẩm quyển để xây dựng đội ngũ an ninh quốc gia Mỹ theo hướng mà ông muốn”.
Tuy nhiên, có điều hơi kỳ lạ là khi ông Trump đưa trưởng nhóm cố vấn chiến lược của Tổng thống Steve Bannon vào thành viên Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ.
“Sẽ có mâu thuẫn xảy ra giữa ông McMaster và những người mà Steve Bannon đưa vào chính phủ bởi các quan điểm của ông Steve Bannon mang ý thức hệ sâu sắc”, Andrew Exum, cựu sĩ quan quân đội đồng thời là một người bạn lâu năm của McMaster nói.
“Các động thái hời hợt của Trump về nhập cư và nhiều vấn đề khác gần đây sẽ có ảnh hưởng ít nhiều đến công việc của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ McMaster, Bộ trưởng quốc phòng Mattis và cả Ngoại trưởng Tillerson”, ông Exum nói thêm.
Phép thử đầu tiên – Cuộc chiến lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo
Một trong số các thử nghiệm đầu tiên về tính ảnh hưởng của ông McMaster là chính sách Mỹ tại Syria và hành động chống đối lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS. Kết quả của quá trình xem xét này dự kiến sẽ công bố vào tuần tới, quan chức Lầu Năm Góc cho biết hôm 21/2.
Vào tháng Sáu năm ngoái, ông Bannon cho hay, Mỹ và liên minh châu Âu đang đấu tranh chống lại lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS.
Phương hướng của ông McMaster trong cuộc chiến chống lực lượng Hồi giáo luôn có màu sắc bằng việc tách lực lượng Hồi giáo cực đoan ra khỏi dân thường.
Ông McMaster đã tham gia cuộc chiến tranh Iraq năm 2003 và có công bảo vệ an toàn thành phố Tal Afar trước những cuộc tấn công từ quân nổi dậy. McMaster đóng vai trò then chốt trong việc phát triển học thuyết chống nổi dậy của quân đội dưới thời tướng David Petraeus. McMaster giữ vị trí trợ lý đặc biệt cho tướng Petraeus trong quãng thời gian ông này chỉ huy các lực lượng Mỹ ở Iraq từ năm 2007 đến 2008.
Năm 2010, McMaster tiếp tục tới chiến trường Afghanistan, nhận nhiệm vụ giám sát các kế hoạch quân sự.
Bởi nhiều kinh nghiệm thực tế nên McMaster yêu cầu lính của mình không bao giờ gọi những người Iraq là “hajjis” – tiếng lóng mà nhiều người Mỹ thường sử dụng để xúc phạm những người hành hương Hồi giáo Mecca.
Trong tạp chí Military Review, ông McMaster từng cảnh báo rằng, hành động tăng cường lực lượng như ông Trump đã cam kết bao gồm việc đánh bom vào phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể phản tác dụng. Tại Iraq, việc thiếu hiểu biết về cộng đồng dân cư, dân tộc thiểu số và những động cơ tôn giáo của các cuộc xung đột có thể dẫn đến hành động quân sự.
Là người nhiều kinh nghiệm, ông McMaster khá thận trọng trong việc sử dụng lực lượng quân sự. Ông đã từng chứng kiến 20 đồng đội của mình bị giết hại trọng một hoạt động tại Tal Afar và một đơn vị phải chịu thương vong tới 40% trong trận chiến này.
Phép thử cho Nga
Phép thử thứ hai cho ông McMaster sẽ là chính sách về Nga.
Không giống như người tiền nhiệm ông Michael Flynn và tân Tổng thống Trump, ông Mc Master xem Nga là “đối thủ” nhiều hơn là đối tác tiềm năng. Vào tháng Năm năm ngoái, tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), ông McMaster đã trích dẫn việc Nga sáp nhập Crimea và sự hỗ trợ của lực lượng đối lập ở miền Đông Ukraine là bằng chứng của nỗ lực “làm sụp đổ trật tự thế giới hậu Thế chiến II, hậu Chiến tranh Lạnh, phá vỡ ổn định an ninh, kinh tế và chính trị ở châu Âu và mục đích cuối cùng là lợi ích nhiều hơn cho Nga”
Vấn đề thứ ba cho thấy ông McMaster có cách suy nghĩ khác tân Tổng thống Trump là “sức mạnh” quân sự Mỹ.
Theo website thông tin về các hoạt động trong chiến dịch tranh cử của ông Trump thì ông Trump từng hứa hẹn sẽ bổ sung khoảng 10.000 binh lính, mở rộng đội tàu Hải quân từ 282 chiếc lên 350 và cung cấp cho Không quân 1.200 máy bay chiến đấu.
“Các thách thức thực sự mà tân Tổng thống Trump sẽ phải đối mặt không phải là vấn đề chiến lược mà là các trách nhiệm toàn cầu của một siêu cường thế giới”, ông John Nagl, một Đại tá về hưu, người giúp viết lại học thuyết chống nổi dậy của Mỹ đối với các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan nhận định
“Ông McMaster có thể biết bằng cách nào để giải quyết những vấn đề này. Các thách thức mà ông McMaster đang phải đối mặt là vấn đề đạo đức và phải nhanh chóng giải quyết các mâu thuẫn của chính quyền khi chưa có một động thái rõ ràng nào về việc bảo vệ các giá trị nước Mỹ. Việc hứa hẹn chiến thắng dựa trên những thông tin tình báo và hành động cụ thể sẽ tốt hơn là những luận điệu sáo rỗng, ông John Nagl nhấn mạnh.
(Theo reuters)