• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nga tập trận hàng loạt tại Địa Trung Hải: Tín hiệu từ sức mạnh tên lửa

Thế giới 11/01/2019 06:31

(Tổ Quốc) - Nga đang lên kế hoạch thử tên lửa tại Địa Trung Hải thuộc khu vực ngoài khơi bờ biển Syria.

Trong một thông báo cho lực lượng không quân hôm thứ Tư có viết rằng, "cuộc tập trận của hải quân Nga (các cuộc diễn tập bắn tên lửa thật) sẽ diễn ra vào ngày 9-10/1, 16 – 17/1, 23-24/1 và 30-31/1", theo hãng thông tấn Tass Nga.

Thông báo trên cũng cảnh báo các phi công tránh xa những cuộc diễn tập cho thấy sức mạnh tên lửa của Nga tại khu vực này – nơi mà quân đội Hoa Kỳ cũng được triển khai để hỗ trợ cho một nhiệm vụ riêng biệt ở Syria.

Đảo chiều cán cân Syria

Kể từ năm 2014, một liên minh do Hoa Kỳ dẫn đầu đã tham gia vào chiến dịch chống lại nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) và đã triển khai các thiết bị hải quân hỗ trợ sứ mệnh này tại Địa Trung Hải. Tuy nhiên, theo Newsweek, Lầu Năm Góc cũng đã thông qua con đường biển để hỗ trợ cho các cuộc tấn công nhằm vào chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, người đã nhận được sự ủng hộ của Nga trong cuộc chiến chống lại các lực lượng nổi dậy và cực đoan từ năm 2015. Sự tham gia của các siêu cường đã khiến căng thẳng leo thang và có thể đẩy các hành động trên biển của Moscow tiến xa hơn phạm vi bờ biển Syria.

Trong khi Hoa Kỳ vẫn chuẩn bị tiếp tục ném bom IS, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố vào tháng trước rằng ông sẽ rút quân đội khỏi Syria - động thái được dự báo sẽ dẫn đến sự thay đổi cán cân quyền lực tại chiến trường này.

Nga tập trận hàng loạt tại Địa Trung Hải: Tín hiệu từ sức mạnh tên lửa - Ảnh 1.

Hải quân Nga đã có nhiều hoạt động tại Syria. (Nguồn: BQP Nga)

Sự ủng hộ của Nga, cùng với sự hỗ trợ của Iran, đã giúp chính quyền Assad vượt qua cuộc nổi dậy năm 2011. Theo Newsweek, các phe phái đối lập trong cuộc nổi dậy này đã được Mỹ và các đồng minh khu vực ủng hộ, bao gồm Israel, Qatar, Ả Rập Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ. Washington đã từ chối ủng hộ nhà lãnh đạo Syria, người đã bị cáo buộc gây nên tội ác chiến tranh, nhưng từ năm 2017 cũng hạn chế dần sự ủng hộ cho phe đối lập Lực lượng Dân chủ Syria SDF – phần lớn cho người Kurd lãnh đạo.

Mặc dù họ có chung một kẻ thù -IS, Washington và Moscow vẫn có sự cạnh tranh mạnh mẽ ở Syria. Ông Trump đã hai lần ra lệnh không kích nhằm vào chính phủ Syria để đáp trả các cáo buộc tấn công bằng vũ khí hóa học mà Mỹ cho là ông Assad ra lệnh. Damascus và Syria bác bỏ hoàn toàn những cáo buộc này.

Mối đe dọa về một nguy cơ xung đột mới ở Syria đã xuất hiện vào cuối năm ngoái khi quân đội Damascus dường như sẵn sàng cho một cuộc tấn công toàn diện vào tỉnh Idlib – thành trì cuối cùng của phe nổi dậy. Tình hình này đã đẩy Nga nhanh chóng tổ chức cuộc tập trận lớn nhất từ trước đến nay ở biển Địa Trung Hải vào tháng 9.

Khó lường khi Mỹ rời Syria

Dù vậy, Mỹ và Nga vẫn luôn tìm cách tránh một cuộc xung đột lớn và gần như chỉ tập trung vào xóa sổ IS. Do IS ngày càng suy yếu, ông Trump bất ngờ tuyên bố hồi tháng trước chấm dứt sự hiện diện của Mỹ ở Syria, nơi Damascus luôn coi sự can thiệp của Lầu Năm Góc là vi phạm luật pháp quốc tế.

Quyết định này đã vấp phải sự chỉ trích của một số quan chức cấp cao của Trump. Một số người đã từ chức khi họ muốn thúc đẩy cam kết lớn hơn của Hoa Kỳ để xóa sổ hoàn toàn IS, trục xuất các nhóm bị nghi ngờ là do Iran kiểm soát và giám sát quá trình ông Assad chuyển giao quyền lực. Động thái này cũng làm SDF dấy lên lo ngại khi Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa mở một cuộc tấn công mới nhằm vào họ.

Ngoại trưởng Mike Pompeo và cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton đã có mặt ở Trung Đông trong những ngày gần đây trong các chuyến công du riêng biệt nhằm trấn an các đối tác khu vực.

Vào thời điểm ban đầu, các quan chức Moscow bày tỏ sự lạc quan thận trọng sau thông báo rút quân của Trump. Tuy nhiên, khi các tuyên bố tiếp theo đề cập đến quá trình rút lui kéo dài và các lợi ích còn dang dở của Mỹ, sự hoài nghi về điều này bắt đầu gia tăng.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói với các phóng viên hôm thứ Tư rằng, "những người ủng hộ duy trì sự hiện diện quân sự bất hợp pháp của Mỹ ở Syria có vị trí khá mạnh ở Washington".

Bất chấp sự phản đối liên tục của Washington đối với ông Assad, các quốc gia trong khu vực đã bắt đầu khôi phục quan hệ với Damascus. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất UAE và Bahrain đã mở lại đại sứ quán của họ ở Damascus. Nhiều quốc gia khác ở Trung Đông được cho là sẽ đi theo động thái này.

Còn đối với người Kurd, Thứ trưởng Ngoại giao Syria Faisal al-Mekdad nói với các phóng viên hôm thứ Tư cho biết, hai bên đã bắt đầu liên lạc và ông "lạc quan" về sự hiểu biết chung lẫn nhau trong tương lai, theo Reuters. Đáp lại điều này, phát ngôn viên chính trị của SDF Amjed Osman nói với trang tin Al Arabiya có trụ sở ở Saudi Arabia rằng, "sự lạc quan chắc chắn là một điều tốt", nhưng hai bên phải hợp tác để "chấm dứt xung đột, tránh mọi cuộc chiến tiềm tàng khác tại đất nước và ngăn chặn các nỗ lực chiếm đóng Syria bởi các lực lượng khác trong khu vực, trước hết là Thổ Nhĩ Kỳ, thế lực đang tiếp tục đe dọa khu vực và chiếm phần lớn đất đai của chúng tôi. "

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ