(Tổ Quốc) - Các quan chức Nga lên tiếng về phản ứng của NATO đối với một đề xuất từ ông Putin.
Phát ngôn viên của điện Kremlin Dmitry Peskov gần đây đã xác nhận việc ông Putin gửi đi một đề xuất tới "các nước lớn ở châu Âu và châu Á cùng các tổ chức quốc tế" về để ngăn chặn triển khai các loại vũ khí từng bị cấm.
Nga thất vọng về phản ứng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO trước đề xuất của Tổng thống Nga Vladimir Putin đối với một lệnh cấm triển khai các loại vũ khí từng bị cấm theo Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), Thứ trưởng Ngoại giao Serge Ryabkov cũng cho biết hôm thứ ba.
Hiệp ước hạt nhân hơn 30 năm giữa Nga và Mỹ đã sụp đổ và kéo theo sự lo ngại từ toàn thế giới. Ảnh: WSJ.
"Phản ứng của NATO nói chung và các quốc gia thành viên của họ thật đáng thất vọng. Thật không may, chúng tôi không nhìn thấy sự sẵn sàng làm theo tấm gương của chúng tôi, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện ý tưởng này, vì tình hình an ninh ở châu Âu đang xấu đi nghiêm trọng và có thể ở cả các khu vực khác", ông Ryabkov nói với các phóng viên.
Tuần trước, NATO xác nhận đã nhận được thư của Nga về việc đưa ra một lệnh cấm triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung ở châu Âu. Tuy nhiên khối này cho biết họ không coi đề xuất này là đáng tin cậy vì sự hiện diện của tên lửa hành trình SSC-8 từ Nga.
SSC-8 (9M729) là tên lửa hành trình phóng từ mặt đất của Nga – loại khí tài bị Mỹ đưa vào diện đáng lo ngại sau khi được phóng thử từ một bệ phóng di động trên bộ. Mỹ cho rằng tên lửa này đã vi phạm Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) trong khi Moscow tuyên bố tên lửa hoàn toàn tuân thủ thỏa thuận trên.
Thỏa thuận INF, được ký kết giữa Hoa Kỳ và Liên Xô vào năm 1987, đã chính thức chấm dứt vào ngày 2/8 – động thái diễn ra sau khi Mỹ chính thức đình chỉ các nghĩa vụ của họ theo INF sáu tháng trước đó. Cả hai nước đã nhiều lần cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận, trong đó cấm triển khai mọi tên lửa đạn đạo và hành trình phóng từ mặt đất với tầm bắn từ 500 - 5.500 km (310 đến 3417 dặm).