• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nga – Thổ tung cửa đường ống TurkStream: Người thắng, kẻ thua?

Kinh tế 20/11/2018 10:07

(Tổ Quốc) - Vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được tăng cường với dự án đường ống TurkStream.

Khi Thổ Nhĩ Kỳ và Nga khánh thành tuyến đường ống dưới biển –nằm trong dự án đường ống dẫn khí TurkStream, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan có thể hân hoan về ảnh hưởng địa chính trị mới của Ankara, theo tờ DW của Đức.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 19/11 đã cùng dự lễ khánh thành tuyến đường ống dưới biển của TurkStream- một giai đoạn trong dự án đường ống dẫn khí tự nhiên kết nối hai nước.

Nga – Thổ tung cửa đường ống TurkStream: Người thắng, kẻ thua? - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại lễ khánh thành phần đường ống dưới biển của TurkStream. (Nguồn: Reuters)

Ông Erdogan nói với các phóng viên rằng TurkStream sẽ sẵn sàng hoạt động vào năm 2019 sau khi các hoạt động kiểm tra được tiến hành, trong khi ông Putin cho biết, đường ống này sẽ đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một "trung tâm lớn của châu Âu". Việc hợp tác với Moscow sẽ cho thấy "không còn nghi ngờ gì về ảnh hưởng từ vị thế địa chính trị của Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ".

Theo tờ DW, hợp tác năng lượng là lĩnh vực mới xuất hiện mặc dù quan hệ giữa Moscow và Ankara đã gần như đóng băng cách đây ba năm sau khi một máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một máy bay chiến đấu Nga tại vùng trời biên giới Syria.

Tính khẩn cấp của TurkStream

TurkStream là một đường ống dẫn khí dài 910 km (570 dặm) chạy dưới Biển Đen, nối Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Các đường ống đôi trong dự án này sẽ có tổng công suất tối đa là 31,5 tỷ m3 khí tự nhiên mỗi năm. Giai đoạn một sẽ cung cấp năng lượng cho thị trường Thổ Nhĩ Kỳ; và giai đoạn hai sẽ cung cấp khí đốt của Nga cho Nam Âu.

Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt nhập khẩu từ Nga, Azerbaijan và Iran vì sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 2% nhu cầu của họ. Hiện tại, khí đốt từ Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ được đưa qua đường ống dẫn Blue Stream và một đường ống cũ khác mang lại lượng khí đốt còn lại của Nga đi qua Ukraine và Đông Âu.

Lượng khí nhập khẩu giúp đáp ứng gần một nửa nhu cầu phát điện của Thổ Nhĩ Kỳ và gần một phần ba tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp của Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ là nước châu Âu duy nhất có sự tăng trưởng mạnh về nhu cầu khí đốt kể từ cuối cuộc khủng hoảng tài chính 2008/9. Năm ngoái, mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên hàng năm đạt mức cao kỷ lục lịch sử là 53,5 tỷ m3, tăng 20% so với năm trước, theo cơ quan giám sát năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ là khách hàng lớn thứ hai của khí đốt Nga sau Đức, và hầu hết các nhà phân tích dự đoán nhu cầu sẽ tiếp tục phát triển nhanh chóng.

Người hưởng lợi và tranh cãi dữ dội từ TurkStream?

Rõ ràng, Gazprom sẽ có thể đáp ứng nhu cầu khí đốt tăng từ Thổ Nhĩ Kỳ. Năm ngoái, hơn một triệu khách hàng mới tại Thổ Nhĩ Kỳ đã ký hợp đồng sử dụng gas.

Theo nhận định từ tờ DW, TurkStream cũng sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ đạt được mục tiêu trở thành một "cây cầu" chính giữa Đông và Tây. Việc trở thành một trung tâm năng lượng quan trọng trong khu vực, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có thể cung cấp khí đốt cho phần còn lại của đông nam châu Âu, kiếm được hàng tỷ euro trong quá trình này.

Hiện nay, các nước Liên minh châu Âu EU vẫn phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga, hầu hết trong số đó vẫn đang được vận chuyển thông qua tuyến đường ống đi qua Ukraine. Trong những năm 2000, do những mâu thuẫn về giá cả, Nga đã cắt nguồn cung khí đốt mùa đông cho Ukraine, và do đó châu Âu cũng bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là trong thời kì mùa đông lạnh giá. Thêm vào đó, việc Nga sáp nhập Crimea, và sự ủng hộ của Moscow đối với những người ly khai ở miền đông Ukraine cũng đưa mối quan hệ giữa hai nước láng giềng và giữa Nga với châu Âu xuống một mức thấp mới.

TurkStream, cùng với Nord Stream, một đường ống dẫn khác của Nga chạy dưới biển Baltic đến Đức, sẽ cho phép Nga vận chuyển nhiều khí đốt hơn tới châu Âu mà không phải đi qua Ukraine. Chính phủ Kiev dự kiến sẽ mất hàng tỷ euro tiền phí vận chuyển với những đường ống mới này.

Bất chấp việc một số nước EU và cả Mỹ cũng đang tìm cách ngăn cản, Nga đang xúc tiến dự án Nord Stream 2. Nhiều quốc gia Đông Âu khác cũng cáo buộc Moscow cố gắng gây ảnh hưởng chính trị bằng cách bỏ qua họ.

Nga cũng đang có kế hoạch mở rộng TurkStream đi qua Bulgaria và Serbia tới Hy Lạp và Italy. Giai đoạn hai xây dựng đường ống trên mặt đất dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2019.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ