• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nga- Trung chung hành động về Triều Tiên tại "bàn nóng" LHQ

Thế giới 21/01/2022 16:48

(Tổ Quốc) - Hôm thứ Năm, Nga và Trung Quốc đã ngăn Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 5 quan chức Triều Tiên để đáp trả các vụ thử tên lửa đạn đạo gần đây của Bình Nhưỡng.

Tại cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an LHQ liên quan tới 4 vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên trong hai tuần qua, Mỹ đã kêu gọi 15 thành viên hội đồng thông qua một tuyên bố báo chí ngắn gọn nhấn mạnh rằng những vụ phóng tên lửa như vậy vi phạm các nghị quyết của hội đồng, mạnh mẽ thúc giục Bình Nhưỡng tuân thủ các nghĩa vụ của nước này với hội đồng "Và tham gia vào đối thoại hướng tới phi hạt nhân hóa."

HĐBA chưa thể nhất trí về vấn đề Triều Tiên

Các nhà ngoại giao, chia sẻ với yêu cầu giấu tên vì cuộc họp của Hội đồng bảo an diễn ra theo diện kín, cho biết, Trung Quốc, nước láng giềng và là đồng minh lớn của Triều Tiên, phản đối việc đưa ra bất kỳ tuyên bố nào như vậy.

Trước khi cuộc họp của Hội đồng bảo an bắt đầu, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield đã công khai đọc một tuyên bố từ tám quốc gia, trong đó cho rằng "hành vi trái pháp luật (phóng tên lửa-pv)... của Triều Tiên là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế".

Nga, Trung chung hành động về Triều Tiên tại "bàn nóng" LHQ - Ảnh 1.

Hai nhà lãnh đạo Nga, Trung đang có lập trường đồng nhất về vấn đề Triều Tiên, bất chấp các vụ thử tên lửa liên tục gần đây của nước này. Ảnh: Reuters.

"Những vụ phóng này thể hiện quyết tâm của chính quyền (Triều Tiên-pv) trong việc theo đuổi các chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa đạn đạo bằng mọi giá, kể cả người dân của họ là bên phải trả giá", tuyên bố trên cho hay.

Mỹ, Albania, Brazil, Pháp, Ireland, Nhật Bản, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Vương quốc Anh kêu gọi Hội đồng Bảo an thống nhất trong việc lên án Triều Tiên vì đã thực hiện các hành vi vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an.

Các nước này đã kêu gọi Ủy ban giám sát các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Bình Nhưỡng, thuộc Hội đồng Bảo an LHQ, ủng hộ các biện pháp trừng phạt nhằm vào 5 cá nhân Triều Tiên do chính quyền Biden đề xuất vào tuần trước, sau khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt của riêng nước này đối với 5 cá nhân trên.

Trước đó, Hội đồng bảo an đã đạt được sự nhất trí về vấn đề Triều Tiên nhưng trong phiên họp vào thứ Năm tuần này, các thành viên đã không đạt được sự thống nhất.

Khi được hỏi về việc Nga và Trung Quốc ngăn chặn các biện pháp trừng phạt nhằm vào 5 người Triều Tiên, Đại sứ Mỹ Thomas Greenfield cho biết việc các quốc gia phản đối các lệnh trừng phạt sẽ cho Triều Tiên "một tấm séc trống".

Trung, Nga muốn nới lỏng trừng phạt

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân đầu tiên vào năm 2006 và sau đó có nhiều hành động cứng rắn hơn để đáp trả các vụ thử hạt nhân cùng chương trình tên lửa đạn đạo ngày càng tối tân của Bình Nhưỡng. Năm 2018, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley cho biết các lệnh trừng phạt của LHQ đã cắt đứt tất cả xuất khẩu của Triều Tiên và 90% thương mại của nước này, đồng thời giải tán nhóm lao động mà Triều Tiên xuất khẩu nước ngoài để trao đổi và thu về doanh thu. Tuy nhiên, Triều Tiên dường như đã tránh được một số biện pháp này.

Trung Quốc và Nga đã đưa ra một dự thảo nghị quyết vào tháng 11 năm ngoái thúc giục Hội đồng Bảo an chấm dứt một loạt các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên, bao gồm lệnh cấm xuất khẩu thủy sản và dệt may, giới hạn nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ tinh chế và cấm công dân của Triều Tiên làm việc ở nước ngoài đồng thời gửi thu nhập về nhà. Hai nước này nhấn mạnh những khó khăn kinh tế ở Triều Tiên và cho biết các lệnh trừng phạt này cùng các lệnh cấm vận từ các bên khác cũng nên được dỡ bỏ "với mục đích nâng cao sinh kế của dân thường."

Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã cảnh báo sẽ có nhiều hành động mạnh mẽ hơn sau khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt mới vào tuần trước. Vào thứ Năm tuần này, Hãng thông tấn trung ương chính thức của Triều Tiên (KCNA) cũng cho biết nước này sẽ xem xét khởi động lại "tất cả các hoạt động" mà họ đã tạm dừng trong thời gian thực hiện tiến trình ngoại giao với chính quyền Trump. Đây dường như là một nguy cơ cho thấy nước này muốn nối lại hoạt động thử nghiệm chất nổ hạt nhân và tên lửa tầm xa.

Hãng thông tấn này cũng cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị của Đảng Lao động cầm quyền. Tại sự kiện này, các quan chức đã đặt ra các mục tiêu chính sách để "tăng cường ngay lập tức" năng lực quân sự nhằm chống lại "các động thái thù địch" của người Mỹ.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ