(Tổ Quốc) - Tứ cường tên lửa (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ) chạy đua hoàn thiện vũ khí chiến lược.
Kể từ khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhậm chức hôm 10/5, Triều Tiên đã thực hiện 5 vụ phóng tên lửa. Đây là nỗ lực để hoàn thiện kho vũ khí chiến lược của Bình Nhưỡng trước khi các cuộc đàm phán ngoại giao thực sự giữa Bình Nhưỡng với Seoul và Washington có thể được tiến hành. Và cũng là cách Bình Nhưỡng tiếp tục tạo đòn bẩy lên Seoul khi tổng thống mới của nước này đang muốn lặp lại những chính sách “Ánh Dương” không mấy thành công. Vì, dường như những vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng chỉ càng củng cố quyết tâm của chính quyền Hàn Quốc thực hiện cuộc hòa giải thứ hai với người anh em Triều Tiên.
Xét về sự tiên tiến công nghệ tên lửa của Triều Tiên, dù là đáng nể ở quyết tâm tự cường, thực vẫn là những bước “chập chững”, nghĩa là kém xa trình độ tiến tiến qua các vụ thử gần đây của tên lửa Mỹ, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ - tứ cường tên lửa hiện nay.
Tên lửa siêu nhanh của Trung Quốc
Tổng công ty Khoa học và Công nghệ Hàng không Trung Quốc (CASIC) tuyên bố đã phát triển một thiết bị đánh chặn tên lửa “siêu nhanh”, có khả năng bay ở độ cao hàng chục cây số và tiêu diệt vật thể bay có tốc độ “nhanh gấp 10 lần tốc độ của đạn”, theo Trung Hoa Nhật báo.
Tên lửa đánh chặn tên lửa siêu nhanh của Trung Quốc: Liệu có sánh ngang với của Nga và Mỹ? |
Thiết bị đánh chặn này được giới thiệu là “tên lửa phòng thủ không gian thế hệ mới”, kết hợp các công nghệ hàng không tinh vi nhất và được miêu tả là một trong những nền tảng của sự phát triển quân sự tại Trung Quốc.
Tờ Trung Hoa Nhật báo nhấn mạnh loại vũ khí mới này sở hữu công nghệ tiên tiến mà trước đây chỉ Nga và Mỹ mới có. Đặc biệt, những người tham gia phát triển loại vũ khí này là một nhóm các nhà khoa học – kỹ sư có tuổi đời trung bình chỉ 32.
Theo sự tính toán của một số chuyên gia “độ cao hàng chục cây số” mà tên lửa đánh chặn có thể đạt tới tương đương từ 10 đến 100km. Tốc độ “nhanh gấp 10 lần tốc độ của đạn” tương đương khoảng 12.000km/giờ, xấp xỉ 10 lần tốc độ âm thanh.
Với các thông số này, loại tên lửa mà Trung Quốc đang xây dựng có thể “vượt mặt” tên lửa Zircon đang được Nga phát triển. Zircon có vận tốc siêu thanh nằm giữa khoảng 7.350 - 9.800km/giờ.
Mẫu máy bay không người lái Boeing X-51 của Mỹ đang trong quá trình phát triển cũng đạt vận tốc khoảng tương 6.100 - 7.350km/giờ. Thiết bị tiền nhiệm NASA X-43 thậm chí còn lập kỷ lục về tốc độ máy bay phản lực với 11.850km/giờ.
Tuy nhiên, khi so sánh với các thiết bị trên, hãng tin Sputnik (Nga) đánh giá số liệu mà Trung Quốc giới thiệu về tên lửa mới có vẻ hơi... cường điệu.
Tên lửa “khủng” của Nga - sức hủy diệt kinh hoàng
Hãng Sputnik đưa tin Trung tâm thiết kế tên lửa Makeyev của Nga mới đây công bố một thông cáo cùng loạt ảnh liên quan đến siêu tên lửa RS-28 Sarmat. Đây là loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới đầu tiên của Moscow trong nhiều thập niên và do Trung tâm Makeyev, đặt tại thành phố Miass (Nga), phát triển.
Tên lửa vượt đại châu của Nga có sức tàn phá khủng bố và có năng lực vượt qua hệ thống đánh chặn tên lửa của NATO |
RS-28 Sarmat được chế tạo nhằm thay thế loại tên lửa R-36M Voyevoda (NATO gọi là SS-18 Satan) ra đời vào năm 1986 và dự kiến sẽ bắt đầu được đưa vào hoạt động trong năm 2018.
Với trọng lượng tầm 100 tấn, siêu tên lửa RS-28 Sarmat có thể mang đầu đạn thông thường lẫn hạt nhân nặng tới 10 tấn. Giới chức Nga khẳng định tên lửa mới mang được cùng lúc 10 đầu đạn hạng nặng hoặc 16 đầu đạn loại nhẹ hơn nhờ công nghệ đầu đạn đa phân hướng (MIRV). Đây là công nghệ dẫn đường độc lập giúp các đầu đạn sau khi được phóng đi sẽ tự tách ra để phá hủy cùng lúc nhiều mục tiêu. Cộng thêm tầm bắn vượt trội lên tới khoảng 10.000 km, RS-28 Sarmat có sức công phá lớn đến mức san bằng được những khu vực lãnh thổ có diện tích tương đương nước Pháp hoặc bang Texas của Mỹ, theo Zvezda TV, kênh truyền hình của Bộ Quốc phòng Nga.
Tiến sĩ người Mỹ Paul Craig Roberts nhận định tên lửa mới một khi đi vào sử dụng sẽ khiến những quả bom nguyên tử do Mỹ thả xuống Hiroshima và Nagasaki chỉ như “thuốc súng”. Ông Roberts còn nói rằng RS-28 Sarmat có sức công phá đủ mạnh để “xóa sạch 3/4 diện tích bang New York của Mỹ” trong chớp mắt.
Là tên lửa đạn đạo chiến lược thế hệ thứ 5, RS-28 Sarmat được trang bị những công nghệ hiện đại nhất với tính năng kỹ thuật, chiến thuật ưu việt hơn hẳn so với các tên lửa thế hệ trước.
Theo Zvezda TV, một trong những sứ mệnh chính của RS-28 Sarmat là vượt qua mọi lá chắn phòng thủ hiện đại nhất của Mỹ và các đồng minh NATO đặt tại châu Âu. Vì thế, đầu đạn được trang bị công nghệ dẫn đường tối tân để có thể né tránh tên lửa đánh chặn, cộng thêm tốc độ được cho là lên đến 24.500 km/giờ.
Ấn Độ nỗ lực đuổi kịp Trung Quốc
Ngày 5/6 vừa rồi, Ấn Độ đã phóng thành công tên lửa tự sản xuất theo chương trình vũ trụ của nước này. Tên lửa dài 43 mét, nặng 640 tấn. Vụ phóng này nằm trong chương trình GSLV - MKIII D1/GSAT-19 đưa Ấn Độ tới gần hơn mục tiêu nâng cao năng lực tên lửa thế hệ mới. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi viết trên trang mạng cá nhân ca ngợi thành tựu mới như “niềm tự hào dân tộc”.
Ấn Độ lần đầu tiên thử thành công tên lửa hạng nặng, có thể đưa vệ tinh thám không nặng 4 tấn lên vũ trụ |
Tên lửa dùng động cơ cực mạnh do Ấn Độ phát triển trong những năm gần đây. Vụ phóng thành công là thời khắc quan trọng của công nghệ vũ trụ của Ấn Độ khi tự sản xuất thành công một tên lửa hạng nặng. Tên lửa GSLV Mk III có thể đưa một vệ tinh nặng 3 tấn bay vào quỹ đạo Trái Đất, là một cột mốc sau nỗ lực phấn đấu nhiều năm để đuổi kịp những người khổng lồ vũ trụ như Nga, Mỹ, Trung Quốc.
Các tên lửa làm nhiệm vụ thông tin thường là nặng, và xưa nay, Ấn Độ chỉ có thể phóng được tên lửa chở vệ tinh nặng 2 tấn.
Tháng 2 năm nay, Ấn Độ đã thành công trong việc đưa 104 vệ tinh lên vũ trụ trong một lần phóng tên lửa, phá kỷ lục Nga đưa 39 vệ tinh trong một vụ phóng vào tháng 6/2014. Tên lửa lần này có khả năng đưa vật nặng 4 tấn lên quỹ đạo, gấp hai năng lực các lần phóng trước.
Ấn Độ theo đuổi mục tiêu trở thành quốc gia thứ tư đưa con người lên vũ trụ, sau Nga, Trung Quốc và Mỹ. Nhưng dự tính, Ấn Độ cần 7 năm nữa để thực hiện mục tiêu này.
Cơ quan vũ trụ quốc tế năm 2015 tính toán, đầu tư cho công nghiệp vũ trụ của các nước trên thế giới đạt 323 tỷ USD./.
Lưu Việt