• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nga – Trung: Top thử thách tân Tổng thống Mỹ phải giải quyết ngay đêm đăng quang

Thế giới 07/11/2016 20:15

(Tổ Quốc) - Người chủ mới của Nhà Trắng sẽ phải đối mặt với những thử thách không hề dễ dàng trong nhiệm kỳ 4 năm của mình.  

Tân Tổng thống sẽ là người cầm trịch những cuộc thảo luận thâu đêm suốt sáng, tập trung vào những cuộc xung đột nóng, lạnh hoặc thậm chí mới chỉ “nhem nhóm” trên khắp toàn cầu. Ông Trump hoặc bà Clinton cũng sẽ chứng kiến tham vọng mở rộng ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc; sự gia tăng các cuộc tấn công mạng trên nhiều lĩnh vực; và cả nỗi lo lắng từ những đồng minh cũ hay mới của Washington…

Thử thách đến trong chớp mắt

Theo Mark Dobowitz, Giám đốc điều hành của Quỹ Quốc phòng Dân chủ, tân Tổng thống sẽ gần như ngay lập tức sẽ phải đối mặt với các thử thách về chính sách đối ngoại. Các chuyên gia khác đưa ra dự đoán về các bài kiểm tra đến từ châu Âu và châu Á. Tại Nga, Tổng thống Vladimir Putin dường như không “chào mừng” cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton – người có thể từng “nhúng tay” vào cuộc biểu tình phản đối ông hồi 2012. CHDCND Triều Tiên vẫn tiếp tục chuỗi các hành động khiêu khích của mình như phóng tên lửa và thử hạt nhân… – có thể chỉ trong vòng vài tuần trước và sau cuộc bầu cử.

Bà Hillary là một trong những chính trị gia bị ghét nhất tại Nga

Theo Victor Cha, một chuyên viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế, quốc gia của Kim Jong-un sẽ là một trong những nhiệm vụ khó nhất cho chính quyền mới. Chính sách của ông Obama trước đây, bao gồm áp dụng lệnh trừng phạt, cô lập quốc tế… dường như không có chút ảnh hưởng nào lên những quyết định của các nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng.

“Vấn đề [Triều Tiên] đang tồi tệ hơn rất nhiều so với 8 năm trước,” Victor Cha nói. Điều này khiến nội các mới sẽ phải tìm ra những bước đi quyết đoán, như cấm vận các công ty Trung Quốc hoạt động tại Triều Tiên hoặc thay đổi chính sách về hệ thống phòng ngự tên lửa…

Triều Tiên vẫn tiếp tục phóng tên lửa, thử vũ khí hạt nhân 

Bắt đầu cuộc chiến tranh lạnh với Trung Quốc?

Một lập trường cứng rắn hơn về vấn đề Triều Tiên, chắc chắn sẽ làm “mếch lòng” Trung Quốc, vì vậy “nó sẽ giống như một cuộc chiến tranh lạnh với Trung Quốc,” Victor Cha phân tích.

Bắc Kinh đang sử dụng sức mạnh quân sự của mình, ngang ngược “lấy thịt đè người” với cuộc tranh chấp biển Đông; trong khi Mỹ lại muốn tìm kiếm các giải pháp hoà bình với sự định hướng từ cộng đồng quốc tế.  

Một quan chức cấp cao chia sẻ, Tổng thống nhiệm kỳ mới sẽ phải đối mặt với một Trung Quốc luôn cảm thấy “đã đến thời kỳ thăng hoa của mình”, và chắc chắn sẽ tìm mọi cách để thách thức sự lãnh đạo của Mỹ trong trật tự toàn cầu.

Mỹ có nguy cơ mất các đồng minh lâu năm, như Philippines... về phía Trung Quốc

Ngoài ra, người đứng đầu Nhà Trắng cũng sẽ phải “truyền sinh khí mới” cho các mối quan hệ tại châu Á; với đồng minh lâu năm Hàn Quốc đang “oằn mình” trong một vụ bê bối chính trị, hay Philippines đang to tiếng đòi “thoát Mỹ thân Trung”.

Sự linh hoạt của Trung Quốc là một phần của một sự thay đổi lớn hơn - chuyển sang một “thế giới đa cực, nơi các quốc gia như Nga và Trung Quốc nhìn nhận bản thân như những người chơi quan trọng, thậm chí là chiếm ưu thế trong bối cảnh toàn cầu,” James Clapper, Giám đốc của Tình báo quốc gia cho biết.

Căng thẳng Mỹ - Nga tiếp tục gia tăng

Mâu thuẫn giữa Washington và Moscow những năm gần đây đang ngày một gia tăng trước những nỗ lực của Tổng thống Putin nhằm giảm bớt sức ảnh hưởng của Mỹ đối với các vấn đề toàn cầu, bao gồm sát nhập Crimea, duy trì xung đột mức độ thấp tại phía đông Ukraine, “doạ nạt” các đồng minh của NATO tại Baltics và ủng hộ cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad (trong khi Mỹ phản đối)…

Nước Nga cũng rút khỏi các hiệp ước kiểm soát và hạn chế vũ khí với Mỹ, “bóng gió” về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân; đặt các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tên lửa đầu đạn hạt nhân tại Kaliningrad – ngay cạnh hai đồng minh của Washington là Ba Lan và Lithunaia; thậm chí Nga còn bị cáo buộc đã gây ra các vụ tấn công mạng vào Đảng dân chủ trong quá trình bầu cử.

Nga và Trung Quốc cùng chia sẻ mong muốn về một thế giới đa cực

“Một năm trước, tôi từng nói mối quan hệ hai nước đã rơi vào tình trạng xấu nhất” kể từ sau Chiến tranh lạnh, Angela Stent, Giám đốc của Trung tâm nghiên cứu Lục địa Á-Âu, Nga và Đông Âu tại Đại học Georgetown nói. “Nhưng bây giờ, nó còn trở nên tồi tệ hơn.”

Nga cũng đã tiến hành “ve vãn” các đồng mình truyền thống của Mỹ tại Trung Đông, bao gồm cả Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ - vào thời điểm khi các mối quan hệ của Washington trong khu vực đang bị rạn nứt.

Thừa kế một Trung Đông hỗn loạn

Trong tám năm vừa qua, ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực Trung Đông đã có những thay đổi đáng kể và đòi hỏi phải có sự củng cố Một số nhà lãnh đạo thân Mỹ hoặc đã bị lật đổ, hoặc đã trở thành kẻ thù. Ngay cả mối quan hệ “thân thiết” lâu năm với Iran cũng đang có vấn đề.

Không chỉ Mỹ, mà cả NATO cũng đang trong tình trạng “bằng mặt mà không bằng lòng” với Thổ Nhĩ Kỳ. Gần đây, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu phía Mỹ dẫn độ một công dân của nước này, bị cho là đã đứng sau cuộc đảo chính hồi tháng Bảy tại nước này. Việc Mỹ đưa ra lời từ chối càng khiến Thổ Nhĩ Kỳ tức giận, nhất là sau khi chiến dịch đẩy lùi IS ra khỏi nước láng giềng Iraq được Mỹ ủng hộ.

Thổ Nhĩ Kỳ luôn phản đối việc Mỹ hợp tác với các nhóm người Kurds tại Syria, mà theo Ankara là có mối quan hệ với khủng bố; tuy nhiên, đối với Washington, đó lại là lực lượng chiến đấu thiện chiến nhất trên chiến trường.  

Vấn đề người Kurds chỉ là một trong nhiều rắc rối mà ông Trum hoặc bà Clinton sẽ phải “đau đầu” liên quan đến Syria. Sau hơn 5 năm, cuộc nội chiến tại Syria đã cưới đi sinh mạng của gần nửa triệu người và trở thành một trong những thảm hoạ nhân đạo tồi tệ nhất của lịch sử hiện đại.

Nội chiến Syria có thể là thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất trong lịch sử loài người hiện đại

Hon 11 triệu dân thường đã bị buộc phải rời bỏ nhà cửa, với hơn 4 triệu người tìm đến các quốc gia láng giềng như Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và Lebanon; đồng thời gây nên một cuộc khủng hoảng nhập cư tại châu Âu. Cuộc hỗn loạn này đã tạo điều kiện cho IS lớn mạnh và “mở đường” cho sự can thiệp của quân đội Nga bằng cách ủng hộ cho Chính phủ đương thời.  

Theo Josh Landis, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Oklahoma, tân Tổng thống sẽ phải đưa ra những lựa chọn khó khăn về việc nước Mỹ sẽ ủng hộ ai tại Syria. “Nếu chúng ta hỗ trợ người Kurds, chúng ta sẽ làm mếch lòng người Thổ. Nếu chung ta ủng hộ người Thổ và các lực lượng nổi dậy, chúng ta sẽ leo thang căng thẳng với Nga và quay lưng với người Kurds.” Ngoài ra, tuyệt đối không thể bỏ qua mối đe doạ từ IS và các nhóm cực đoan khác đang lợi dụng Syria để nuôi quân và dưỡng lực.  

(Theo CNN)

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ