(Tổ Quốc) - Sự hợp tác giữa Trung Quốc và Nga đặt ra những câu hỏi khó cho Mỹ, theo một bài viết trên tờ Asia Nikkei Review.
Khi Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục diễn ra sự cọ xát không thể tránh khỏi, một câu hỏi nổi bật là liệu có một bên nào khác sẽ can thiệp vào cạnh tranh diễn biến nhanh chóng này - và vai trò của họ sẽ là gì.
Một thập kỷ trước, có vẻ như EU có thể là lực lượng thứ ba, nhưng khối này đang thấy mình bị xáo trộn về thể chế. Và quốc gia có nhiều khả năng đảm nhận vai trò này hiện nay là Nga.
Thập kỷ đầu tiên của Chiến tranh Lạnh chủ yếu là cuộc đua giữa Hoa Kỳ và Liên Xô, nhưng sự ganh đua đã trở thành ba bên sau khi Trung Quốc - Liên Xô chia rẽ. Lịch sử này đã quay trở lại trong bối cảnh ma sát Trung-Mỹ ngày càng tăng và nếu những suy nghĩ của những người bi quan là chính xác, một ngày nào giai đoạn này có thể được nhớ đến như là "Chiến tranh lạnh thứ hai".
Tổng thống Nga Vladimir Putin không hề che giấu mong muốn đưa nước Nga trở nên mạnh mẽ hơn. Gần đây, Moscow đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng của mình ở Trung Đông thông qua vai trò chủ chốt trong cuộc xung đột Syria và hỗ trợ cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Nga cũng ủng hộ chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro ở Venezuela và việc mở lại và nâng cấp một trạm vô tuyến thời Chiến tranh Lạnh ở Cuba đang cho thấy Moscow muốn được nhìn nhận là một cường quốc toàn cầu.
Một cuộc tập trận chung Nga - Trung. Nguồn: Reuters
Mặc dù chịu áp lực về ngân sách dành cho chi tiêu quân sự và nền kinh tế khó khăn do trừng phạt, Moscow vẫn có nhiều khả năng đảm nhận được vị thế nổi lên trong mối quan hệ ba bên đang tranh cãi.
Nồng ấm đáng kể
Có thể Nga và Trung Quốc sẽ xây dựng một liên minh hoàn chỉnh, nâng cấp "quan hệ đối tác chiến lược" hiện tại của họ như điều Hoa Kỳ và Trung Quốc đã làm trong những năm 1970 sau chuyến thăm năm 1972 của Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon tới Trung Quốc.
Cả hai quốc gia đều có chung hai mục tiêu chung: chấm dứt sự đơn cực của Mỹ và hướng tới quá trình đàm phán lại cơ bản về trật tự toàn cầu.
Bằng cách gia tăng sức ép tới Bắc Kinh thông qua chiến tranh thương mại và Nga thông qua các lệnh trừng phạt liên quan đến Ukraine, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã vô tình tạo ra một nền tảng hợp tác sâu sắc hơn giữa Moscow và Bắc Kinh, và một đầu mối mà hai nước này có thể bắt tay giải quyết các vấn đề còn nghi ngờ và xung đột lợi ích quốc gia.
Trong một tín hiệu dường như là một cảnh báo cho Hoa Kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Wang Yi cho biết hồi tháng Năm rằng quan hệ Trung Quốc-Nga đang ở mức tốt nhất.
Trên thực tế, tình thế này bao gồm tuyên bố chung của Bắc Kinh và Moscow vào tháng 5 năm 2015 về Liên minh kinh tế Á-Âu và chương trình BRI của Trung Quốc.
Tính đến tháng 7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ông Putin đã có hơn 30 cuộc họp trên cương vị lãnh đạo đất nước và các cuộc họp "hợp tác chiến lược" thường xuyên được tổ chức ở cấp bộ trưởng.
Mối quan hệ này đã được thể chế hóa hơn nữa thông qua rất nhiều các ủy ban song phương thúc đẩy hợp tác đầu tư, năng lượng, nhân đạo và hội nhập khu vực.
Đáng chú ý, trong hợp tác quân sự, quan hệ Trung-Nga có vẻ đặc biệt tích cực. Trung Quốc chiếm khoảng 15% xuất khẩu vũ khí của Nga và trong thập kỷ qua, hơn 3.600 sĩ quan Trung Quốc đã được đào tạo trong các học viện quân sự Nga.
Các cuộc tập trận phòng thủ hợp tác hàng năm tiếp tục mở rộng, bao gồm trong các lĩnh vực như đổ bộ, phòng không, tấn công tên lửa chung và tác chiến chống tàu ngầm.
Ngoài ra còn có sự hợp tác ngày càng tăng giữa các lực lượng an ninh nội địa của cả hai quốc gia, ví dụ giữa Cảnh sát Trung Quốc và Vệ binh quốc gia Nga - đã cùng nhau huấn luyện các hoạt động tìm kiếm cứu nạn và tác chiến.
Kể từ khi mối quan hệ Trung-Nga tích cực trở lại vào cuối những năm 1980, hai nước đã cẩn trọng tránh các vấn đề xung đột bằng cách thể chế hóa quan hệ thông qua các thực thể như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải SCO.
Theo Asia Nikkei, Bắc Kinh từ lâu đã công nhận Trung Á là khu vực chịu ảnh hưởng của Moscow, dù Trung Quốc có mối quan hệ kinh tế sâu rộng và ngày càng tăng với các quốc gia Trung Á.
Khe cửa giữa Nga và Trung Quốc
Lập trường này rất hữu ích trong việc củng cố quan hệ Trung-Nga. Nhưng điều đó có thể kéo dài bao lâu khi các quốc gia như Kazakhstan ngày càng - và dễ thấy – đang tiến vào quỹ đạo của Bắc Kinh?
Ngoài ra, các quan chức và truyền thông địa phương vùng Viễn Đông Nga từ lâu đã cảnh báo về sức ảnh hưởng của Trung Quốc đối với khu vực dân cư thưa thớt này.
Nga từ lâu cũng đã từ chối nguyện vọng của Bắc Kinh trong việc quy giá trị xuất khẩu tài nguyên của Nga bằng đồng nhân dân tệ thay vì đô la Mỹ - do Trung Quốc muốn củng cố vị thế toàn cầu của tiền tệ.
Bên cạnh đó, điều gì sẽ xảy ra khi sự quan tâm của Trung Quốc đối với Kavkaz, một cửa ngõ chính để Sáng kiến Vành đai và Con đường tiến vào Châu Âu sẽ trở thành một vấn đề đáng bàn đối với Moscow?
Cơ bản hơn, liệu Moscow có muốn một Trung Quốc tự tin và bành trướng ngay trước cửa, ngay cả khi nền kinh tế đang phát triển của Trung Quốc cung cấp một thị trường mới phát triển mạnh cho khí đốt tự nhiên của Nga?
Cuối cùng, cách gây tác động bằng kinh tế gần đây của Trung Quốc ở Serbia và các nơi khác ở Balkan có thể được coi là có nhiều hệ luỵ đến Nga, vốn có lợi ích lâu dài trong khu vực. Mặc dù có dấu hiệu ấm lên gần đây, quan hệ kinh tế Trung-Nga vẫn còn thấp.
Trong khi tồn tại những vấn đề như vậy, nhu cầu muốn chấm dứt sự thống trị toàn cầu của Mỹ và sửa đổi trật tự thế giới sẽ tiếp tục củng cố mối quan hệ song phương Nga - Trung trong tương lai gần.
Nếu quan hệ Trung - Nga không bị chia rẽ dưới sức nặng mâu thuẫn của chính họ, Washington sẽ cần phải quyết định mối quan hệ nào cần ưu tiên, và tìm ra cách ngăn Moscow và Bắc Kinh xích lại hơn nữa.