(Tổ Quốc) - Ukraine cho rằng, cây cầu được kỳ vọng kết nối Crimea với thế giới mang theo mục tiêu chiến lược của Nga.
Khi Tổng thống Vladimir Putin đích thân dẫn đầu một đoàn xe tải đi qua con cầu mới xây trị giá 3,7 tỷ USD bắc ngang Eo biển Kerch hồi tháng 5/2018, ông đã gửi đi một thông điệp khá rõ ràng về vị thế của Crimea – vùng lãnh thổ được Nga sáp nhập từ năm 2014 - đối với Moscow.
Theo ông Putin, cây cầu sẽ "đem tất cả chúng ta lại gần nhau hơn" và giúp nền kinh tế Crimea "phát triển với một tốc độ mới và theo những cách mới".
Tuy nhiên, theo tờ Financial Times, trái ngược với Nga, Ukraine và các đồng minh phương Tây lại tin rằng, cây cầu trên được xây dựng với một mục tiêu chiến lược khác, đó là đưa ra một "thòng lọng" kinh tế cho Ukraine và bóp nghẹt công nghiệp vận tải biển thương mại của nước này tại khu vực Biển Azov.
Cây cầu Crimea là thông điệp về tầm quan trọng của bán đảo này đối với nước Nga (ảnh: FT)
Hồi tháng 11 năm ngoái, căng thẳng leo thang khi Nga bắt giữ ba tàu hải quân của Ukraine và thủy thủ đoàn, sau khi họ cố gắng đi qua Eo biển Kerch và tiến vào Biển Azov. Kiev tuyên bố họ có quyền tự do di chuyển hàng hải theo một thỏa thuận thương mại với Moscow được ký kết vào năm 2003. Đáp lại, Nga cho biết, các tàu Ukranie đã tiến vào lãnh hải của mình.
"Chính Nga đã tự đưa ra các quy định về trò chơi quân sự… kiến tạo các rào cản nhân tạo, thực hiện các cuộc điều tra tốn thời gian và cả cơ hội đóng cửa lối đi bên dưới cây cầu", Tướng Serhiy Nayev, cựu tư lệnh các lực lượng liên quân Ukraine, cáo buộc.
Thống kê của một tổ chức tư vấn chính sách Ukraine, trong vòng một năm kể từ khi cây cầu dài gần 20 km đi vào hoạt động, thời gian bị trì hoãn của các tàu đi về hướng cảng biển Mariypol và Berdyansk thuộc Ukraine, đã tăng từ mức trung bình 7 tiếng (vào tháng 6/2018) lên hơn 5 ngày (vào tháng 11/2018).
Cũng theo tổ chức trên, nguyên nhân của thời gian trì hoãn đến từ thiết kế của cây cầu chỉ cho phép các tàu nhỏ với chiều cao tối đa 35 m đi qua. Ngoài ra, còn phải kể đến số lượng các cuộc điều tra, bắt giữ ngày càng gia tăng từ phía hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển Nga.
Các tàu hướng về hai cảng Mariupol và Berdyansk của Ukraine đều gặp phải trì hoãn (nguồn: Viện nghiên cứu chiến lược Biển Đen)
Mặc dù việc Ukraine triển khai các tàu hải quân có súng vào cuối năm ngoái đã khiến tình trạng giữ tàu giảm đi trông thấy, nhưng tháng trước, các tàu cập bến Mariupol và Berdynsk vẫn bị trì hoãn trung bình 40 giờ.
Chính quyền Ukraine cho biết, sau khi Nga nắm quyền kiểm soát Eo biển Kerch vào năm 2014, tỷ lệ xử lý hàng hóa tại hai cảng Mariupol và Berdynsk đã giảm lần lượt gần 70% và 50%; dẫn tới thiệt hại lên tới 400 triệu USD cho các cảng và khu vực này. Tình hình vẫn tiếp tục diễn biến xấu đi từ cuối năm ngoái.
"Bởi vì bị chặn lại… các chủ tàu không muốn lãng phí tiền của và thời gian", Volodymyr Omelyan, Bộ trưởng Hạ tầng cơ sở của Ukraine chỉ ra.
Ukraine đang gặp vấn đề nghiêm trọng. Hai cảng [Mariupol và Berdynsk] sẽ không thể hoạt động và không có cách nào vận hành được.
Phó Đô đốc hải quân Herve Blejean
Phó Đô đốc hải quân Herve Blejean, hiện là Phó chỉ huy Bộ tư lệnh thủy quân đồng minh NATO, đồng thời là một trong những tướng hải quân kỳ cựu của khối nhận định, trừ khi Nga chịu nới lỏng kiểm soát Biển Azov, các cảng của Ukraine sẽ vẫn phải đối mặt với một tương lai đen tối.
"Ukraine đang gặp vấn đề nghiêm trọng", Phó Đô đốc Blejean đánh giá. "Hai cảng sẽ không thể hoạt động và không có cách nào vận hành được".
Với căng thẳng vẫn tiếp diễn tại Biển Đen và cuộc xung đột giữa chính quyền Ukraine và lực lượng đối lập tại vùng Donbas tiến vào năm thứ 6, Kiev muốn Mỹ và châu Âu giúp gia tăng áp lực lên Moscow.
"Hành động của Nga có thể dự đoán được: khi họ không thấy phản ứng đáng kế, họ sẽ có động thái quyết liệt hơn; khi có thêm nhiều chống cự từ phía chúng ta và phương Tây, người Nga sẽ dừng lại", Tướng Nayev nói.
Tháng trước, theo Kay Bailey Hutchinson, Đại sứ Mỹ tại NATO, liên minh quân sự muốn gửi thêm tàu chiến tới khu vực, đồng thời áp dụng thêm lệnh trừng phạt dành cho Nga. "Đó không phải là công việc làm ăn như thường nhật", bà Hutchinson khẳng định.
Trong thực tế, hải quân Ukraine không mạnh đến vậy… Chúng ta không thể xem xét bất kỳ hành động can thiệp quân sự nào… như hộ tống tàu. Đó không phải là thứ NATO có thể làm. Chúng ta phải trông chờ vào áp lực từ quốc tế.
Phó Đô đốc hải quân Herve Blejean
Tuy nhiên, Phó Đô đốc Blejean nhận xét, những gì NATO có thể làm để can thiệp quân sự tại Biển Azov và Biển Đen là khá giới hạn.
"Trong thực tế, hải quân Ukraine không mạnh đến vậy… Chúng ta không thể xem xét bất kỳ hành động can thiệp quân sự nào… như hộ tống tàu. Đó không phải là thứ NATO có thể làm. Chúng ta phải trông chờ vào áp lực từ quốc tế".
Trong khi đó, một nhà ngoại giao phương tây tại Kiev cho biết, ông hy vọng Nga sẽ "tham gia tìm kiếm một giải pháp chính trị" cho tất cả những vấn đề trên.