(Tổ Quốc) -Việc thiết lập một căn cứ quân sự Mỹ ở Ba Lan sẽ đồng nghĩa với việc phá bỏ Hiệp ước nền móng NATO - Nga năm 1997.
Việc thiết lập một căn cứ quân sự Mỹ ở Ba Lan sẽ đồng nghĩa với việc phá bỏ Hiệp ước nền móng NATO - Nga năm 1997 – trong đó trực tiếp cấm triển khai các lực lượng chiến đấu quan trọng dọc biên giới hai bên một cách vĩnh viễn, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko nói với Sputnik bên lề kì họp Đại hội đồng Liên hợp quốc LHQ.
“Điều này có nghĩa là Hiệp ước nền móng NATO-Nga, trực tiếp cấm việc triển khai các lực lượng chiến đấu đáng kể trên cơ sở lâu dài, sẽ bị phá bỏ. Tôi nhắc lại rằng bước đi này sẽ làm trầm trọng thêm tình hình an ninh", ông Grushko nói.
“Động thái trên cũng sẽ khiến chúng tôi thực hiện các biện pháp phòng ngừa quân sự và kỹ thuật bổ sung để đảm bảo an ninh của chúng tôi hoạt động một cách đáng tin cậy trong tình hình mới. Chúng tôi có nhiều lựa chọn khác nhau, kể cả những lựa chọn tiết kiệm chi phí trong cách thức tăng cường an ninh cho mình”, ông Grushko – từng là đại sứ Nga tại NATO nhấn mạnh.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko từng có kinh nghiệm làm việc về mối quan hệ Nga - NATO. (Nguồn: Sputnik) |
Ông cũng nói thêm rằng việc thiết lập căn cứ Mỹ tại Ba Lan đi ngược với lợi ích của an ninh châu Âu.
"Không nên có những ảo tưởng rằng việc mở ra một cơ sở như vậy gần biên giới của chúng tôi đồng nghĩa với việc có lực lượng dự phòng trong vùng lân cận biên giới Nga", ông Grushko nói bên lề Đại hội đồng LHQ.
Cũng theo ông Grushko, một hành động như vậy sẽ minh chứng hiệu quả cho việc Mỹ và các đồng minh chuyển sang sử dụng các công cụ theo phong cách Chiến tranh Lạnh để đảm bảo an ninh.
"Tất cả điều này, tất nhiên, sẽ được đi kèm với những tuyên bố hết sức căng thẳng. Bởi vì sẽ là cần thiết để thuyết phục dư luận rằng bước đi này là hợp pháp. [Nhưng] nó là hoàn toàn bất hợp pháp. Việc nói rằng Nga đang nuôi dưỡng một số kế hoạch hung hăng chống lại các nước Baltic và Ba Lan là hoàn toàn vô nghĩa”, ông Grushko khẳng định.