(Tổ Quốc) - Quan hệ giữa hai nước láng giềng Nga- Ukraine đang ngày càng xuống thấp.
Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Quan hệ đối tác mà Nga và Ukraine đã ký sau khi Liên Xô sụp đổ sẽ sớm hết hiệu lực, và các quan chức ở Kiev đã thông báo cho các đối tác của họ ở Moscow rằng nó sẽ không được gia hạn.
Đối với nhiều người, tin tức này không có gì đáng ngạc nhiên, vì hai nước đã có xung đột và mâu thuẫn trong năm năm qua. Nga được cho là vẫn đang ủng hộ phe ly khai ở phía đông Ukraine xung đột với chính quyền Kiev. Moscow từ năm 2014 cũng đã sáp nhập bán đảo Crimea. Vài tháng trước, căng thẳng giữa hai bên lại tiếp tục bùng lên ở eo biển Kerch gần biển Azov. Nga cho rằng các tàu chiến của hải quân Ukraine vi phạm lãnh hải của họ và đã nổ súng, bắt giữ ba tàu cùng thủy thủ đoàn. Những người này hiện vẫn đang bị phía Moscow giam giữ.
Nga phản ứng mạnh
Ngày 13/3, Nga đã lên tiếng chỉ trích Ukraine vì việc muốn để cho hiệp ước hợp tác giữa hai bên hết hạn.
Nga vẫn muốn duy trì hiệp ước quan hệ với Ukraine. (Nguồn: TASS)
"Văn bản này là vì lợi ích của cả hai nước chúng ta, và việc giải thể hiệp ước này sẽ không có lợi cho quốc gia của chúng ta; nó giống như tự bắn vào chân mình", phát ngôn viên của Kremlin, ông Dmitry Peskov nói với các phóng viên hôm thứ Tư. Bộ Ngoại giao Nga cũng đưa ra một tuyên bố khẳng định rằng họ đã sẵn sàng đàm phán lại các điều khoản của Hiệp ước, và nói rằng không phải là lỗi của Moscow nếu hiệp ước này đi đến kết thúc.
Vào thứ 3, Bộ Ngoại giao Nga đã gửi một văn bản cho phía Ukraine, đưa ra danh sách những hoạt động của Ukraine vi phạm hiệp ước hữu nghị. Theo Newsweek, Nga cũng đã cáo buộc Ukraine vi phạm hiệp ước. Trong đó, Moscow đã cáo buộc Kiev "tiến hành một cuộc tấn công có chủ đích chống lại ngôn ngữ Nga và quyền của cộng đồng nói tiếng Nga của Ukraine". Điện Kremlin cũng tuyên bố rằng Ukraine đã vi phạm hiệp ước bằng cách xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với phương Tây.
Trước đó, ngày 24/9/2018, Nga đã nhận được văn bản chính thức từ Kiev nói rằng sẽ không gia hạn hiệp ước. Hiệp ước này được kí vào tháng 5/1997 và có hiệu lực từ tháng 4/1999 với thời hạn 10 năm, sẽ tự động gia hạn nếu hai bên không phản đối.
Quyết định dễ hiểu?
Tuy nhiên, theo Newsweek, các chuyên gia quốc tế cho rằng việc Ukraine cho phép hiệp ước hết hạn là hợp lý vì Nga đã vi phạm các điều khoản của mình. Hiệp ước chính thức hết hạn vào ngày 31 tháng 3 năm 2019, đúng hai mươi năm sau khi nó có hiệu lực.
Hiệp ước hữu nghị năm 1997 đã đưa ra cam kết cả Nga và Ukraine tôn trọng về toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền lãnh thổ lẫn nhau. Điện Kremlin đã vi phạm hiệp ước này - giống như họ đã vi phạm hiệp ước năm 2003 liên quan đến Azov và Kerch, và Bản ghi nhớ Budapest - khi họ sáp nhập Crimea và tiến hành cuộc chiến bí mật tại Donbas, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Ukraine John Herbst nói với Newsweek.
Hiệp ước được dự kiến sẽ để cho tự nó hết hạn vào cuối tháng này vì Ukraine thấy không có lý do gì để gia hạn một hiệp ước Moscow tiếp tục vi phạm. Một lập trường hợp lý. Điện Kremlin có thể sẽ cố thể hiện điều này như một bằng chứng về ý định leo thang của Ukraine, và để biện minh cho những hành vi gây hấn không được công bố của họ. Nhưng, tất nhiên, một lập luận như vậy không có giá trị. Hiệp ước này được gạt sang một bên một cách đúng đắn như một ví dụ cho thấy niềm tin xấu đi đối với Kremlin, ông Herbst nói thêm.
Tổng thống Ukraine, ông Petro Poroshenko mới đây tuyên bố rằng đất nước của ông sẽ củng cố liên minh với Liên minh châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và hủy bỏ hiệp ước quan hệ với Nga khi nước này theo đuổi hội nhập với phương Tây.
Các quan chức ở Ukraine cũng lưu ý rằng nhà lãnh đạo của nước này đã quyết định không chấm dứt hiệp ước trước thời hạn vì nó cho phép Kiev theo đuổi nhiều vụ kiện riêng biệt chống lại Nga vì những vi phạm các điều khoản của hiệp ước hữu nghị.
"Trong giai đoạn này, chúng tôi đã có thể tận dụng cơ hội để nộp đơn tất cả các vụ kiện chống lại Liên bang Nga và chúng tôi có thể tiếp tục làm như vậy trên cơ sở các hành vi vi phạm hiệp ước mà Nga đã cam kết tuân thủ cho đến ngày 31 tháng 3 năm 2019, khi thỏa thuận vẫn còn hiệu lực cho đến thời điểm đó", Ivanna Klympush-Tsintsadze, Phó Thủ tướng Ukraine về châu Âu và hội nhập châu Âu – Đại Tây Dương, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên truyền hình.
"Điều đó có nghĩa là tất cả những hành vi vi phạm này, chẳng hạn như sáp nhập bất hợp pháp [Crimea], và xâm chiếm miền đông Ukraine, và cuộc tấn công và xâm lược ở Biển Đen và Biển Azov, ở Eo biển Kerch, tất cả những điều này đều được ghi lại và là căn cứ để chúng tôi kiện Liên bang Nga", bà nói thêm.