• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nga "yếu thế" giằng co với NATO giữa quốc gia chia rẽ nhất tại Balkan?

Thế giới 14/12/2018 11:27

(Tổ Quốc) - Chính phủ Bosnia-Herzegoniva không đạt được sự thống nhất xung quanh vấn đề gia nhập NATO?

Tháng 10/2018, NATO từng "qua mặt" Nga khi chính thức bắt đầu quá trình thương thảo với Cộng hòa Bắc Macedonia, chuẩn bị cho quốc gia tách ra từ Liên bang Nam Tư trở thành một thành viên chính thức của khối. Giờ đây, liên minh quân sự đang tiếp tục một cuộc "ganh đua" mới tại một trong những điểm nóng bạo lực tồi tệ nhất của châu lục kể từ Thế chiến thứ Hai.

Sau khi đón chào Montenegro gia nhập vào năm 2017, mục tiêu mới của NATO chính là Bosnia-Herzegovina – cũng chính là nơi từng diễn ra chiến dịch quân sự Deliberate Force của khối này vào năm 1995. Một mặt sự can thiệp của NATO đóng vai trò quan trọng trong việc chấm dứt cuộc chiến giữa các lực lượng người Hồi giáo, người Serb và người Croat; mặt khác, ít nhất 100.000 người đã thiệt mạng trong các cuộc đánh bom quy mô lớn vào Liên bang Nam Tư cũ. Và cho tới thời điểm này, những xung đột sắc tộc vẫn luôn tồn tại như một nguy cơ, sẵn sàng bùng nổ chỉ với một hoặc vài mồi lửa

Nga yếu thế giằng co với NATO giữa quốc gia chia rẽ nhất tại Balkan? - Ảnh 1.

NATO không giấu ý định mở rộng ảnh hưởng tại khu vực Balkan (ảnh: Bloomberg)

Tuần trước, căng thẳng leo thang khi các ngoại trưởng NATO tái khởi động một chương trình từng bị "đóng băng" trong một thập kỷ: Kế hoạch hành động thành viên (viết tắt là MAP). Trong khi nhiều người Hồi giáo và người Croat tại Bosnia-Herzegovina mong muốn một mối quan hệ gần gũi hơn với NATO, thì hầu hết cộng đồng người Serb, bao gồm cả nhà lãnh đạo của họ là Milorad Dodik, lại phản đối mạnh mẽ.

"Bất kỳ điều gì có nghĩa là tham dự vào một liên minh quân sự, NATO hoặc cái gì khác, sẽ không nhận được sự ủng hộ từ tôi", ông Dodik tuyên bố. Nhà lãnh đạo gốc Serb hiện đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội đồng Tổng thống gồm 3 thành viên của Bosnia-Herzegovina, và là một đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trái ngược lại, ông Sefik Dzaferovic, một thành viên khác của Hội đồng Tổng thống và đại diện cho cộng đồng người Hồi giáo tại Bosnia-Herzegovina khẳng định, trở thành thành viên NATO là một trong "những mục tiêu chính sách đối ngoại quan trọng nhất" của giới lãnh đạo nước này. Tương tự, đại diện cho cộng đồng người Croat Zeljko Kosmic cũng gọi đó là một ưu tiên, đồng thời nhấn mạnh, năm 2009, một cựu thành viên người Serb của Hội đồng, Nebojsa Radmanovic cũng thể hiện sự ủng hộ với MAP khi nó lần đầu tiên được đưa ra thảo luận.

"Republika Srpska từng cân nhắc việc gia nhập NATO lúc đó, bởi vì chúng tôi cho rằng nên nói chuyện với liên minh", Dodik giải thích. "Ngày nay, tình huống địa chính trị đã thay đổi".

NATO hiện hy vọng có thêm các thành viên tại Balkan. Trong khi đó, Moscow đã nhiều lần chỉ trích động thái mở rộng của khối quân sự tại khu vực vốn nằm trong tầm ảnh hưởng của Nga. Các nước thuộc Liên bang Nam Tư cũ là Slovenia, Croatia và Montenegro đều gia nhập NATO; còn Macedonia nhận được lời mời vào tháng 7/2018.

Nga yếu thế giằng co với NATO giữa quốc gia chia rẽ nhất tại Balkan? - Ảnh 2.

Ông Milorad Dodik (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (ảnh: getty)

Bom và chết chóc

Thỏa thuận hòa bình Dayton năm 1995 tại Bosnia-Herzegovina đã đưa đất nước 3,5 triệu dân tới một cục diện chính trị bao gồm hai thực thể là Republika Srpska do người Serb điều hành, và Liên bang do người Hồi giáo và Croat chia nhau lãnh đạo. Nó cũng tạo ra một chính phủ trung ương "yếu ớt" bao gồm đại diện tất cả các nhóm sắc tộc. Những mâu thuẫn trong chính phủ trên mọi vấn đề từ phân bổ ngân sách cho tới nên để treo cờ màu gì mỗi khi có hội họp…, đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực lên việc đưa ra quyết định, phát triển kinh tế và hòa hợp chính trị của Bosnia-Herzegovina.

Hàng nghìn quả bom và tính mạng của người Serb tại Republika Srpska và Serbia không thể bị lãng quên. Tư cách thành viên NATO sẽ làm bẽ mặt tất cả người Serb.

Milorad Dodik

Cũng trong tuần trước, ông Dodik đã bất ngờ rời một cuộc họp giữa chừng, nhằm phản đối việc cờ Republika Srpska không được đặt bên cạnh cờ Liên bang. Sự phản đối của ông trước quan hệ ngày càng thắt chặt giữa Bosnia-Herzegovina và NATO xuất phát từ lịch sử. Trong năm cuối của cuộc chiến tại Bosnia, NATO đã đánh bom lực lượng người Serb khiến khoảng 8.000 đàn ông và thanh niên bị thiệt mạng.

Năm 1999, trong cuộc chiến Kosovo, NATO cũng tấn công Serbia – quốc gia láng giềng cũng có quan hệ thân cận với cộng đồng người Serb tại Bosnia-Herzegovina.

"Hàng nghìn quả bom và tính mạng của người Serb tại Republika Srpska và Serbia không thể bị lãng quên", ông Dodik phát biểu trong năm nay. "Tư cách thành viên NATO sẽ làm bẽ mặt tất cả người Serb".

Nhà lãnh đạo gốc Serb từng phải chịu trừng phạt của Mỹ vì cáo buộc cố tình phá hoại thỏa thuận hòa bình Bosnia khi kêu gọi ly khai thực thể Serb. Ông Dodik cũng tuyên bố sẽ làm mọi cách để chống lại những thay đổi hậu chiến trong cơ cấu quyền lực tại Bosnia, mà theo các quan chức quốc tế, đã khiến quốc gia này trở nên "tập trung hơn" so với thời dưới thỏa thuận Dayton nguyên gốc.

Bloomberg nhận định, các cường quốc lớn cũng gia nhập cuộc tranh cãi. Đầu tháng này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chỉ trích NATO và Liên minh châu Âu đã "đẩy mạnh nỗ lực nhằm xâm chiếm khu vực [Balkan] nhiều hơn nữa"; đồng thời đưa ra "các lựa chọn sai lầm" cho các quốc gia tại đây là, họ phải lựa chọn giữa Nga và phương Tây. Còn Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói, liên minh quân sự muốn nhìn thấy sự đồng thuận rõ ràng trong các biện pháp cần thiết để các nước này trở thành thành viên NATO.

"Mọi chuyện phụ thuộc vào quyết định của Bosnia-Herzegoniva có chấp nhận lời đề nghị này hay không", ông Stoltenberg phát biểu tại Brussels. "Chúng tôi đã trao cơ hội cho họ rồi".

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ