• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nga: yếu tố quyết định Mỹ gửi vũ khí sát thương tới Ukraine?

Thế giới 28/10/2017 21:53

(Tổ Quốc) - Trong khi Mỹ được kỳ vọng sẽ sớm gửi vũ khí sát thương tới Ukraine,  Moscow lại có thể chính là nguy cơ lớn nhất đến từ quyết định này.  

Theo tờ Foreign Policy, nhiều chính trị gia người Ukraine tin tưởng rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ sớm “bật đèn xanh’ cho việc gửi vũ khí đến quốc gia Đông Âu.

Mỹ sẽ sớm quyết định cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine?

“Chúng tôi rất hài lòng với sự tăng tốc trong mối quan hệ giữa Mỹ và Ukraine tại thời điểm hiện tại,” Artur Gerasymov, một thành viên trong  Quốc hội Ukraine, đồng thời là người đứng đầu một tiểu ban quân sự cho biết. Đặc biệt, Kiev đang rất hào hứng trước viễn cảnh nhận được không chỉ là những hỗ trợ tinh thần mà còn cả “vật chất cụ thể”, bao gồm “việc cung cấp vũ khí phòng thủ gây sát thương cho Ukraine”.

“Chúng tôi đang thấy được nhiều tín hiệu rất khả quan trong vấn đề này, và tôi tin rằng đối tác chiến lược của chúng tôi là nước Mỹ sẽ giúp đỡ chúng tôi,” ông  Gerasymov nói. Ngài nghị sỹ cũng lưu ý rằng, trái với những đánh giá trước đây, kể từ khi Tổng thống Trump lên nắm chính quyền, hợp tác giữa hai nước ngày càng được đẩy mạnh.

Một số quan chức và cố vấn Quốc hội Mỹ tiết lộ với Foreign Policy rằng, ông Trump đang cân nhắc việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine. Chính quyền Kiev hiện đang vướng vào cuộc xung đột đã kéo dài 3 năm với những nhóm ly khai – được cho là có sự “chống lưng” từ Nga – tại miền đông Ukraine. Các nguồn tin cho biết, các vũ khí phòng thủ có thể bao gồm súng trường bắn tỉa, radar chống trọng pháo, thiết bị phục vụ phòng thủ trên không, và thậm chí là cả tên lửa chống tăng Javelin…

Nếu Mỹ quyết định gửi vũ khí sát thương đến Ukraine, đây sẽ là một thay đổi mang tính bước ngoặt trong chính sách của Washington, đồng thời đánh dấu sự khác biệt lớn so với những gì ông Trump từng theo đuổi trong chiến dịch tranh cử Tổng thống của mình. Trước thềm Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng hòa hồi tháng 7/2016, đội ngũ của ông Trump từng tiến hành nhiều nỗ lực để loại bỏ khả năng kêu gọi cung cấp vũ khí cho Ukraine. 

Theo một số quan chức từng làm việc trong chính quyền cựu Tổng thống Obama, Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm góc muốn gửi vũ khí đến Ukraine ngay từ đầu. Tuy nhiên, vấn đề này đã bị ngăn cản bởi chính ông Obama và cố vấn an ninh quốc gia lúc đấy, bà Susan Rice. Thay vào đó, Washington quyết định cung cấp theo quy mô nhỏ các vũ khí không gây sát thương cho Kiev, như thiết bị radio, kính nhìn trong đêm, dụng cụ y tế và xe cứu thương quân sự…

Max Bergmann, một nhân viên Bộ Ngoại giao dưới thời ông Obama nhận xét, việc không cung cấp vũ khí sát thương “trong thực tế đã trở thành một chính sách, và sau đó chủ trương này dần bị thay đổi.” Một số thành viên Quốc hội cho biết, giống như Lầu Năm góc, ông Kurt Volker - Đại diện đặc biệt của chính quyền Trump trong các cuộc thương lượng về Ukraine, cũng ủng hộ việc gửi vũ khí sát thương tới quốc gia Đông Âu.

Trong khi đó, thái độ của Châu Âu có phần trái ngược. “Nhiều đồng minh Châu Âu gần như chắc chắn sẽ có phản đối tiêu cực trước động thái này của Mỹ,” Erik Brattberg đến từ Quỹ Carnegie cho hòa bình quốc tế, nói với Foreign Policy. “Chiến lược này không phải là hoàn toàn không có nguy cơ nào, và nó có thể dễ dàng đem lại kết quả ngược lại nếu Nga chọn đáp trả bằng việc gia tăng leo thang”.

Tuy nhiên, học giả Hannah Thoburn đến từ Học viện Hudson phân tích, sau hơn 3 năm xung đột, nhu cầu phòng thủ của Ukraine và những gì họ có thể nhận được – nhiều khả năng không tương thích. Ví dụ, các vũ khí chống tăng có thể hữu dụng ở nhiều năm trước, nhưng “vào thời điểm hiện tại trong cuộc xung đột, tôi không rõ nó sẽ như thế nào,” bà Hannah nói. Tình hình chiến sự giờ đây không còn quá căng thẳng và “chúng ta không cần thiết phải xông pha trên chiến trường”.

Cuộc xung đột Ukraine đã có nhiều thay đổi so với thời điểm mới bắt đầu

Khái niệm “vũ khí phòng thủ” cũng khá mơ hồ. “Có một câu hỏi lớn đó về việc ‘vũ khí phòng thủ’ là cái gì. Tôi thực sự nghi ngờ về tính hữu dụng của việc cung cấp cho họ [Ukraine] các vũ khí như xe tăng Javelin – một thiết bị được gọi là phòng thủ nhưng lại mang năng lực tấn công,” Thượng Nghị sỹ Mỹ Chris Murphy phát biểu trước báo giới hôm thứ Ba (24/10) sau chuyến công du ngắn ngày tới Ukraine.

Hiện cũng chưa rõ liệu chính quyền ông Trump đơn giản chỉ muốn lợi dụng lời đe dọa gửi vũ khí đến Ukraine nhằm thúc đẩy Moscow chấp nhận thương lượng, hay Washington đã sẵn sàng và sẽ thực sự tiến hành việc này.

Học giả Thoburn cho biết, ngay cả trong trường hợp cuộc xung đột tại Ukraine được dàn xếp, Kiev vẫn sẽ muốn sở hữu các vũ khí hiện đại. “Họ có lý khi tin rằng, cuộc chiến có khả năng lớn sẽ thay đổi, từ tình trạng yên ả cho sang căng thẳng hơn rất nhiều”, bà nói.

Có thực sự là “con bài” trong thương lượng với Nga?

Một số nhà phân tích nhận định, việc cung cấp vũ khí gây sát thương cho Nga sẽ giúp ông Kurt Volker có thêm sức mạnh trong các cuộc đàm phán với Nga – và khiến Moscow nhìn nhận vấn đề Ukraine một cách nghiêm túc hơn. Trước đó trong tháng này, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko từng đề xuất một dự thảo luật, trong đó nhắc đến Nga là “kẻ hiếu chiến” và gọi Donetsk cùng Luhansk là hai vùng “đang tạm thời bị chiếm đóng”. Điện Kremlin bình luận văn bản này là “không thể chấp nhận được”.

Theo nhiều chuyên gia, nguy cơ thực sự nằm ở chỗ, quyết định Mỹ cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine có thể khiến Điện Kremlin gia tăng leo thang xung đột. Đối với Moscow, việc Ukraine nằm trong tầm quan sát của Nga hay hướng gần hơn tới phương Tây – không còn là điều gì xa xôi, mà đã trở thành một vấn đề tồn tại trước mắt.

Foreig Policy dẫn lời Charles Kupchan, cựu Giám đốc về các vấn đề Châu Âu trong Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời ông Obama cho biết, “người Nga sẽ sẵn lòng tiến thêm một bước xa hơn.”

(Theo Foreign Policy)

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ