(Tổ Quốc) - Mỹ đang mất không ít thị trường mua bán vũ khí vào tay hai đối thủ là Nga và Trung Quốc.
Trang National Interest đưa tin, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang kỳ vọng có thể thúc đẩy xuất khẩu các hệ thống vũ khí của Mỹ tới các nước đồng minh, thông qua việc thay đổi chính sách và tinh giảm các thủ tục hành chính. Hồi tháng Tư, Washington đã công bố chính sách vận chuyển vũ khí thông thường có chỉnh sửa; tuy nhiên, đây chỉ là bước đầu tiên. Vẫn còn nhiều thay đổi chính sách nữa còn đang ở phía trước.
“Chính sách mới cho thấy những ưu tiên trong Chiến lược An ninh Quốc gia của ngài Tổng thống”, Đại sứ Tina Kaidanow, quyền Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao về các vấn đề chính trị - quân sự phát biểu hôm 8/8 tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, chỉ ra. “Những điều đó là gìn giữ hòa bình bằng sức mạnh với việc cải tổ các quy định nhằm tạo điều kiện cho xuất khẩu thiết bị quân sự của Mỹ; củng cố quan hệ với các đối tác và đồng minh; thúc đẩy an ninh và sáng tạo kinh tế Mỹ”.
Với chính sách mới, Mỹ hy vọng sẽ khiến các thủ tục xuất khẩu trở nên thuận tiện hơn, và giảm tình trạng quan liêu trong quy trình.
“Chúng tôi mong đợi đây là những bước tiến đầu tiên trong một loạt nỗ lực để tinh gọn quá trình mua bán vũ trang”, Đại sứ Kaidanow nói. “Tôi có thể đảm bảo rằng, bản thân tôi và các đồng nghiệp tại Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục tìm cách để loại bỏ sự quan liêu và đem lại mọi thuận lợi cho ngành công nghiệp Mỹ trong việc tăng cường tính cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, trong khi vẫn duy trì đảm bảo xuất khẩu vũ khí có trách nhiệm”.
Theo National Interest, Mỹ tiến hành những thay đổi chính sách trên nhằm đối phó với sự trỗi dậy của hai cường quốc đối thủ là Trung Quốc và Nga.
“Chúng tôi đang cố gắng cải thiện khả năng để cạnh tranh với các đối thủ bằng cách cung cấp cho đối tác những lựa chọn sản phẩm khả thi… giúp duy trì ảnh hưởng tại các khu vực chủ chốt trên toàn thế giới”, Laura Cressey, Phó Giám đốc Chuyển giao vũ khí và an ninh khu vực tại Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết. “Chúng tôi sẽ làm việc với các đối tác và đồng minh để nhận dạng các yêu cầu năng lực quan trọng của họ, sau đó cố gắng tiến hành chuyển giao [vũ khí] để hỗ trợ các chính sách đối ngoại và mục tiêu an ninh quốc gia thiết yếu”.
Mỹ không muốn mất thị phần vào tay Trung Quốc và Nga (ảnh: AP) |
Tuy nhiên, viết ra hướng dẫn chính sách là một chuyện, còn thực thi chính sách đó lại đòi hỏi rất nhiều thách thức.
“Việc ban hành chính sách mới chỉ là bước đầu tiên trong một loạt các sáng kiến mà chúng tôi tin rằng sẽ rất thực tế và tập trung vào kết quả, nhằm thay đổi cách chính phủ Mỹ làm việc để hỗ trợ và phát triển nền tảng công nghiệp phòng thủ của chúng tôi”, bà Đại sứ Kaidanow nói.
“Thông qua đó, ngài Tổng thống cũng chỉ thị Ngoại trưởng Mỹ hợp tác với các Bộ trưởng quốc phòng, thương mại và năng lượng, để nộp và thực hiện kế hoạch trong 60 ngày”.
Mỹ cũng đang tìm cách để giảm bớt các rào cản xuất khẩu trong Quy định Vũ trang - từng là một vấn đề “nan giải” cho ngành công nghiệp quốc phòng nước này trong nhiều thập kỷ.
Cả Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng sẽ cùng “chung tay” để đẩy nhanh thủ tục hành chính liên quan tới xuất khẩu vũ khí.
“Một vài thứ mà chúng tôi đang xem xét và được yêu cầu xem xét bao gồm: thiết lập các mốc và khung thời gian cho quy trình bán thiết bị quân sự ra nước ngoài; cải thiện và gia tăng quy trình xử lý hợp đồng bên trong Bộ Quốc phòng; cố gắng tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm và hệ thống phòng thủ của Mỹ trong thiết kế và phát triển… Chúng tôi đang xem xét và lựa chọn nguồn tài chính tiềm năng, có thể giúp các hệ thống của chúng tôi trở nên dễ tiếp cận hơn đối với các đối tác nước ngoài…”, Cressey nói.
Nếu không kịp thay đổi, Mỹ sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất đi thị phần ngày càng lớn, đặc biệt là khi Trung Quốc không ngừng gia tăng phát triển và sản xuất các vũ khí phục vụ riêng cho thị trường xuất khẩu. Một ví dụ là lĩnh vực hệ thống thiết bị không người lái. Mặc dù hiện Mỹ đang thống trị thị trường này, nhưng những nguy cơ cạnh tranh từ Trung Quốc vẫn liên tục xuất hiện bên cạnh những quy định xuất khẩu ngặt nghèo ngay từ bên trong nội bộ Mỹ.
Những quốc gia không mua được vũ khí của Mỹ sẽ dễ dàng nhận thấy Nga hoặc Trung Quốc luôn sẵn sàng cung cấp cho họ những hệ thống tương thích với mức giá và điều kiện mua bán “dễ chịu” hơn.
“Chúng ta đang chứng kiến Trung Quốc – và đây không phải là một ví dụ duy nhất – tiếp nhận những đơn hàng bị Mỹ từ chối…” Keith Webster, chủ tịch của Hội đồng xuất khẩu không gian và quốc phòng, thuộc Phòng Thương mại Mỹ cảnh báo.
Theo ông Webster, hệ quả của việc trên là “Mỹ mất đi những thị phần không dễ gì lấy lại được, và trong một số trường hợp là không bao giờ… Mỹ đánh mất cơ hội huấn luyện, gây ảnh hưởng và duy trì quan hệ quân sự với các quân đội nước ngoài, những lực lượng giờ đây lại sở hữu năng lực vũ khí do Trung Quốc sản xuất”.
Webster cũng nhắc tới trường hợp của Ấn Độ. “Chúng ta chưa bao giờ đáp ứng yêu cầu của Ấn Độ về hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD)”, ông nói. “Và giờ đây họ buộc phải cân nhắc và có nhiều khả năng sẽ mua hệ thống S-400 của Nga… Còn chúng ta đang vội vã tìm cách đưa ra một đề xuất về BMD cho Ấn Độ hòng thay đổi tình huống trên”.