(Tổ Quốc) -Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 9/7 đã rút ý tưởng thành lập một đơn vị an ninh mạng với Nga sau khi bị chỉ trích mạnh mẽ.
Nga-Mỹ: Thành lập đơn vị an ninh mạng
Tổng thống Donald Trump đã viết trên Twitter rằng, ông không nghĩ điều này có thể xảy ra, chỉ vài giờ sau khi đề xuất của ông bị chỉ trích mạnh mẽ bởi các thành viên Đảng cộng hòa.
Tổng thống Trump và Tổng thống Putin đã có thảo luận vào ngày 8/7 về việc thành lập đơn vị an ninh mạng bất khả xâm phạm. Ảnh: Politico |
Các thành viên Đảng cộng hòa cho rằng, Mỹ không thể tin tưởng được Nga.
Trên Twitter, ông Trump viết: “Tôi và Tổng thống Putin đã có thảo luận vào ngày 8/7 về việc thành lập đơn vị an ninh mạng bất khả xâm phạm nhằm đối phó với rủi ro của tấn công mạng giống trường hợp tấn công mạng tại bầu cử Mỹ năm 2016”.
Việc trao đổi giữa hai nhà lãnh đạo được cho là không có kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên, sau đó, các quan chức Đảng cộng hòa đã chỉ trích và cho rằng, tại sao Mỹ có thể hợp tác với Nga sau các nghi ngờ cho rằng, Moscow là yếu tố “bị nghi ngờ nhiều nhất” xung quanh vụ tấn công mạng trong bầu cử Mỹ năm 2016.
“Đây không phải là ý tưởng tồi tệ nhất mà tôi từng nghe, tuy nhiên, điều này nên khép lại ở đây”, Thượng nghị sỹ bang South Carolina Lindsey Graham nói trong chương trinh "Meet the Press" của NBC.
Cựu Bộ trưởng quốc phòng thời cựu Tổng thống Obama Ash Carter nói trên CNN rằng: “Điều này giống như một kẻ đã cướp nhà của bạn và đề xuất làm việc nhóm cùng tham gia hoạt động trộm cắp".
Các cố vấn của Tổng thống Trump bao gồm Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, Bộ trưởng Ngân khố Mỹ Steve Mnuchin đang tìm các lời giải thích cho vấn đề này.
Ông Mnuchin nói vào ngày 08/7 rằng, Tổng thống Trump và Tổng thống Putin đã đồng ý tiến tới việc thành lập một đơn vị an ninh mạng nhằm đảm bảo sẽ không có bất kỳ vụ việc tấn công mạng nào tương tự xảy ra trong thời gian tới. Mỹ-Nga có thể sẽ làm việc cùng nhau về vấn đề an ninh mạng toàn cầu.
Tuy nhiên, vào ngày 9/7, ông Trump lại viết trên Twitter từ bỏ ý tưởng này.
“Sự thật rằng, Tổng thống Putin và tôi đã thảo luận về việc thành lập đơn vị an ninh mạng nhưng không có nghĩa điều này sẽ xảy ra. Việc này là không thể”, Tổng thống Trump viết trên Twitter.
Thượng nghị sỹ Đảng cộng hòa của Arizona John McCain cho biết: “Tổng thống Trump có thể rất mong muốn thúc đẩy quan hệ cải thiện với Nga. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với cái giá phải trả cho mối quan hệ này.”
“”Không có hình phạt nào mặc dù Tổng thống Vladimir Putin có thể đã trực tiếp gây ảnh hưởng đến kết quả bầu cử của Mỹ năm 2016”, ông Mc Cain nói trên "Face the Nation" của CBS.
Cố vấn đặc biệt giám sát điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016, ông Robert Mueller vẫn đang trong quá trình điều tra xung quanh các vấn đề liên quan của Nga với các quan chức chính quyền Tổng thống Trump.
Moscow vẫn kiên quyết bác bỏ cáo buộc này. Tổng thống Trump cũng cho biết, Nga không có liên quan gì đến chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Ông Adam Schiff, quan chức cấp cao của đảng Dân chủ thuộc Ủy ban tình báo Hạ viện nói trên CNN rằng, Nga không thể là đối tác tin cậy của Mỹ để tiến tới thành lập đơn vị an ninh mạng.
“Nếu đây là một biện pháp an toàn cho bầu cử Mỹ thì rất có thể chúng ta sẽ rơi vào bẫy của Moscow”, ông Schiff nói thêm.
Các quan chức chính quyền Mỹ cho biết, vụ việc tấn công mạng gần đây vào hệ thống mạng của Mỹ nhiều khả năng do tin tặc chính phủ Nga thực hiện, tờ the Washington Post dẫn tin vào ngày 8/7.
“Đã đến lúc đối diện với Nga”
Tổng thống Trump cho biết, ông đã nhắc đến vấn đề tấn công mạng lần thứ hai với Tổng thống Nga Putin nhưng ông Putin vẫn bác bỏ điều này.
“Chúng tôi đã có các thảo luận về lệnh ngừng bắn tại Syria nhằm đảm bảo sự sống cho người dân vô tội nơi đây. Đã đến lúc Mỹ và Nga nên hợp tác mang tính xây dựng”, ông Trump nói tiếp.
Khi bàn đến nỗ lực đầu tiên của Tổng thống Trump nhằm kết thúc nội chiến Syria trong 6 năm qua thì cả Mỹ, Nga và Jordan đã tiến tới đồng thuận lệnh ngừng bắn vào ngày 8/7 và thỏa thuận giảm căng thẳng tại Tây Nam Syria. Lệnh ngừng bắn đã thông qua trong vài giờ và có hiệu lực chính thức vào ngày 9/7, hai quan chức của phe nổi dậy cho biết.
Sáng kiến an ninh mạng giữa Nga và Mỹ lại là một vấn đề khác. Cho dù là bất kỳ lựa chọn nào, điều này chắc chắn cũng sẽ phải đối mặt với rào cản pháp lý, Reuters đưa tin.
Dự Luật Ủy Quyền Quốc phòng năm 2017 của Mỹ đã ngăn cấm Lầu Năm Góc bao gồm cơ quan an ninh quốc gia và Tư lệnh không gian mạng quân đội Mỹ về việc sử dụng ngân sách thúc đẩy hợp tác quan sự song phương với Nga.
Ông Michael McFaul, cựu đại sứ Mỹ tại Nga nhấn mạnh, các lệnh cấm chia sẻ thông tin với Nga nhằm ngăn chặn Nga tiến tới hợp tác an ninh mạng với Mỹ. Nga luôn là yếu tố bất lợi đối với Mỹ.
“Điều này sẽ không thể xảy ra”, ông McFaul nói với Reuters.
(Theo reuters)