• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ngành hàng không châu Âu đối mặt với khó khăn sau đại dịch

Thế giới 05/07/2022 16:51

(Tổ Quốc) - Hàng nghìn chuyến bay đã bị hủy và du khách phải xếp hàng nhiều giờ làm thủ tục là tình trạng chung ở nhiều sân bay châu Âu.

Trì hoãn, hủy bỏ và đình công là những từ ngữ dùng để mô tả khoảng thời gian khó khăn ở những điểm nóng du lịch của châu Âu khi các hãng hàng không và sân bay chật vật giải quyết các nhu cầu đi lại của hành khách sau thời gian dài ngừng hoạt động vì Covid-19.

Ngành hàng không châu Âu đối mặt với khó khăn sau đại dịch - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Getty

Hàng nghìn chuyến bay đã bị hủy và du khách phải xếp hàng nhiều giờ để làm thủ tục hay lấy hành lý là tình trạng chung tại sân bay trên ở châu Âu. Giới quan sát cho rằng những vấn đề này dự kiến sẽ còn kéo dài trong thời gian tới.

Vào ngày 4/7, hãng hàng không Scandinavia SAS đã hủy 173 chuyến bay, ước tính hơn một nửa lịch trình chuyến đi của hãng do gặp sự cố trong các cuộc đàm phán trả lương cho phi công, khiến họ tiếp tục đình công không tham gia các chuyến bay. Vì sự cố này, hãng hàng không SAS đã phải hủy một nửa lịch trình các chuyến bay, gây ảnh hưởng đến khoảng 30.000 hành khách mỗi ngày.

Ông Laura Hoy, nhà phân tích chứng khoán tại Hargreaves Lansdown cho biết du lịch hàng không vào mùa hè đang đối mặt với tình trạng "không chắc chắn" cho cả hành khách và các hãng hàng không.

"Việc chậm trễ hay hủy chuyến kéo dài có thể ảnh hưởng đến mong muốn đi du lịch của người dân trong bối cảnh các hãng hàng không chưa thể giải quyết được ranh giới giữa sự bùng nổ du lịch sau đại dịch và các tác động của nền kinh tế đang suy yếu.

Theo công ty dữ liệu hàng không Cirium (Anh), 400 chuyến bay của hãng đã bị hủy tại tất cả các sân bay của Vương quốc Anh trong khoảng thời gian từ 24/6 đến 30/6. Thời kỳ cao điểm của hè sẽ tiếp tục bắt đầu từ tháng 7 đến đầu tháng 9 ở châu Âu.

Sân bay bận rộn nhất của London, Heathrow tuần trước đã yêu cầu các hãng hàng không cắt giảm chuyến bay vì số lượng hành khách cao hơn mức cho phép. Một số hành khách đã không hề biết chuyến bay của họ bị hủy trong khi nhiều người khác tiếp tục phàn nàn về tình trạng xếp hàng dài ở sân bay chờ làm thủ tục.

Trong khi đó, các hãng hàng không giá rẻ như EasyJet cũng cắt giảm hàng nghìn chuyến bay trong mùa hè nhằm giảm thiểu nguy cơ gây bất ổn vì quá đông. Giám đốc điều hành của EasyJet, ông Peter Bellow đã phải từ chức vào ngày 4/7 sau sự cố gián đoạn này. Hãng cho biết đang hoàn toàn tập trung vào vận hành hàng ngày và sẽ tiếp tục xây dựng khả năng phục hồi hơn nữa trong mùa hè.

Theo CNBC, nhiều người dân khác cũng đối mặt với khó khăn đi lại trong bối cảnh hơn 12.000 chuyến bay bị hoãn và hàng trăm chuyến bay khác bị hủy vào đầu tháng Bảy.

Theo ông Stephen Furlong, nhà phân tích cấp cao của công ty quản lý tài sản Davy, tình trạng "hỗn loạn" đi lại sẽ khó có thể giảm đi trong những tháng tới.

"Các chuyến đi tiếp tục có nguy cơ bị gián đoạn trong mùa hè bởi còn nhiều vấn đề chưa thể giải quyết trong ngành hàng không", ông Stephen nhấn mạnh.

Ở Pháp, trong tháng Sáu, 1/4 các chuyến bay đã bị hủy tại sân bay chính ở Paris do các cuộc đình công diễn ra. Và rất nhiều xáo trộn do đình công nữa có thể diễn ra trong thời gian tới.

Nguyên nhân gây ra gián đoạn

Có một số lý do dẫn đến sự gián đoạn trong du lịch, hầu hết nằm ở vấn đề của toàn ngành, mà không phải vấn đề quốc gia hay riêng của hãng hàng không.

"Sự trở lại của khách du lịch với ngành hàng không trong kỳ nghỉ hè đã tăng đáng kể. Các sân bay luôn trong tình trạng đông đúc. Bởi dịch bệnh kéo dài 2 năm nay, lực lượng nhân sự của ngành hàng không đã cắt giảm đáng kể, không đảm bảo hết được lịch trình trong mùa hè", ông Alexander Irving, nhà phân tích vận tải châu Âu tại AB Benstein nói trên CNN vào tuần trước.

Nhiều hãng hàng không, nhà hoạt động sân bay hay các công ty trong lĩnh vực du lịch đều đã sa thải ít nhiều nhân lực trong thời gian xảy ra đại dịch. Nhiều người đã có công việc mới và không trở lại làm việc trong ngành du lịch nữa.

"Chúng tôi cần thêm nhân lực để xử lý suôn sẻ rất nhiều lĩnh vực trong ngành", ông Irving nhấn mạnh.

Tuy nhiên, rất khó để thu hút nhân tài mới ngay thời điểm hiện tại do những thay đổi của thị trường lao động. Tuyển dụng là một giải pháp trung và dài hạn trong các ngành, đặc biệt liên quan đến ngành du lịch. Tuy nhiên, người lao động cần phải được đào tạo bài bản trước khi có thể bắt đầu công việc. Đồng thời, những người đang trong ngành hiện cảm thấy không được hưởng lợi ích nhiều và phàn nàn về công việc quá tải mà họ phải đáp ứng ở hiện tại.

Các vấn đề về nhân lực và những cuộc đình công đang tiếp tục diễn ra.

Ngay như ở sân bay Schiphol của Amsterdam, nhóm nhân viên vệ sinh, xử lý hành lý và nhân viên an ninh sẽ được trả thêm 5,25 euro/ giờ trong mùa hè. Sân bay cũng đã thông báo hạn chế lượng hành khách trong mùa hè này nhằm ngăn chặn tình trạng gián đoạn.

Những quốc gia khác cũng đang cố gắng cải thiện tình trạng sân bay. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha hiện đang phải tuyển dụng thêm nhân viên làm việc ở những sân bay đông đúc hay thuê thêm nhân viên kiểm soát khu vực biên giới.

"Phản ứng của hầu hết các công ty sau đại dịch là đặt ra kỳ vọng tăng trưởng thấp hơn. Đại dịch đã khiến cho kinh tế toàn cầu gần như dừng lại và sau đó bật lên trong một thời gian ngắn", ông Roger Jones, người đứng đầu bộ phận chứng khoán tại London&Capital cho biết.

Theo ông Roger Jones, lạm phát chi phí, đặc biệt là nhiên liệu và tiền lương đang làm trầm trọng thêm tình hình hiện tại và khiến các hoạt động trở lại thực sự khó khăn./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ