(Tổ Quốc) - Nhân Ngày Đại dương Thế giới (8/6), hãy cùng nhìn lại vai trò của biển cả và tại sao chúng ta lại phải bảo vệ các đại dương hơn bao giờ hết.
Bầu không khí cho loài người
Các cánh rừng thường được coi là lá phổi của Trái đất; nhưng chính các sinh vật trong đại dương cũng giúp sản sinh ra hơn một nửa lượng khí oxy mà chúng ta đang hít thở.
Đại dương và cuộc sống trong lòng nó cũng hấp thụ khoảng ¼ lượng khí CO2 mà chúng ta thải ra.Tuy nhiên, khi đại dương hấp thụ CO2, nó lại gia tăng lượng acid. Ngày nay, các đại dương bị acid hóa nhiều hơn so với ít nhất 800.000 năm trước và điều đó ảnh hưởng tới hầu hết các loài sinh vật biển.
Năng lượng cho thế giới
Năng lượng gió ngoài khơi, sóng và thủy triều có nhiều tiềm năng trở thành những nguồn năng lượng làm mới được cho một thế giới đang phải cắt giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch. Mặc dù vậy, chính bản thân đại dương lại là một nguồn nhiên liệu hóa thạch lớn với hơn ¼ trữ lượng khí đốt và dầu mỏ tới từ biển cả.
Tuy nhiên, mỗi năm các đại dương cũng phải hứng chịu hàng ngàn tấn dầu từ nhiều nguồn khác nhau. Dầu loang là một nguy cơ chết chóc cho biển cả và cần vài thập kỷ thì hệ sinh thái bị ảnh hưởng bởi tai nạn này mới có thể được phục hồi.
Tạo ra khí hậu
70% diện tích Trái đất được che phủ bởi các đại dương, do đó, vai trò của chúng đối với khí hậu là vô cùng to lớn. Các đại dương giúp khí hậu không bị quá nóng hoặc quá lạnh, đồng thời nước từ biển bốc hơi tạo nên các đám mây lớn di chuyển những quãng đường xa xôi trước khi rơi xuống lại thành mưa.
Đại dương còn được coi như một vùng đệm chống lại hiện tượng Trái đất ấm lên. Hơn 90% hiện tượng ấm lên của Trái đất trong vòng 50 qua diễn ra trên biển. Tuy nhiên, nhiệt độ tăng cao khiến mực nước biển dân và đe dọa các cộng đồng ven biển trên toàn cầu. Bên cạnh đó, nhiệt độ nước biển quá ấm cũng ảnh hưởng lớn tới cuộc sống và sự tồn tại của các sinh vật đại dương.
Cho tới nay, giới khoa học đã tìm ra khoảng 250.000 loại sinh vật biển nhưng có tới 80% đại dương vẫn chưa được khám phá và 9/10 loài sinh vật biển vẫn chưa được phân loại.
Tuy nhiên, ô nhiễm đang là một nguy cơ lớn phá hủy hệ sinh thái và cuộc sống thiên nhiên trong lòng biển cả. Hàng năm, hàng triệu tấn nhựa bị thải ra đại dương, Rác thải phân bón từ các trang trại đổ ra biển làm hình thành nên các bãi tảo lớn – "ngốn" hết lượng oxy trong nước và tạo ra hơn 400 "khu vực chết chóc" (nơi hầu như sinh vật biển không thể tồn tại) ở các đại dương với tổng diện tích lớn hơn Vương quốc Anh.
Vẫn chưa quá muộn
Tình hình dường như rất nguy cấp nhưng vẫn kịp để con người hành động.
Hồi tháng 4, một nhóm các khoa học gia thế giới tìm ra, cuộc sống đại dương có thể hồi phục trong 30 năm tới nếu các áp lực lên đại dương, bao gồm cả biến đổi khí hậu, được giải quyết.
Bên cạnh ý thức con người, công nghệ cũng đóng vai trò quan trọng. Năm ngoái Viện Thám hiểm Đại dương đã sử dụng vệ tinh và công nghệ không người lái để dọn sạch hơn 40 tấn rác thải nhựa từ Đại Tây Dương…