• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nghệ nhân phố cổ giữ gìn tinh hoa nhạc cụ dân tộc Việt Nam

Văn hoá 02/06/2023 19:45

(Tổ Quốc) - Dù đã đi qua hơn nửa đời người nhưng tại căn nhà nhỏ trên phố Hoàn Kiếm, Hà Nội Nghệ sĩ ưu tú, nghệ nhân Phạm Chí Khánh đã dành hàng chục năm chế tác nhạc cụ dân tộc, bảo tồn và truyền cảm hứng về tình yêu với nhạc cụ dân tộc truyền thống.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, cha ông là cụ Phạm Chí Dương - nghệ nhân chế tác đàn nổi tiếng ở đất Hà Thành xưa nên ngay từ nhỏ nghệ nhân Phạm Chí Khánh đã được tiếp xúc và trải nghiệm nhiều loại nhạc cụ khác nhau. Đặc biệt, các nhạc cụ dân tộc như đàn, trống... đã gắn liền với tuổi thơ của ông.

Nghệ nhân phố cổ giữ gìn tinh hoa nhạc cụ dân tộc Việt Nam - Ảnh 1.

Nghệ sĩ ưu tú, nghệ nhân Phạm Chí Khánh biểu diễn trên chính cây đàn do ông chế tác

Theo nghệ nhân Phạm Chí Khánh chia sẻ: "Cha tôi trước kia thường đi gánh hát, kéo nhị, thổi kèn biểu diễn. Sau khi các gánh hát bỏ và nâng cấp lên thành các đội văn nghệ nhà nước, thì bố tôi lại chuyển về nhà để sản xuất và chế tác các loại nhạc cụ truyền thống cho các đoàn văn công, tuồng, chèo, quan họ, cải lương… Nhờ đó, tôi đã được thừa hưởng những tinh hoa từ người cha của mình truyền lại.

Từ năm lên 7 - 8 tuổi, tôi đã biết bưng mặt trống, có khi còn thành thạo và nhanh hơn cả thợ bình thường. Đến năm 10 tuổi thì được cha dạy cho cách chơi đàn nhị rồi từ đó đem lòng yêu mến loại hình nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Bắt đầu từ những việc nhỏ nhất chế tác nhạc cụ, tôi bền bỉ nhen nhóm ngọn lửa đam mê, công việc chế tác ấy đòi hỏi sự tinh tế, tính tỉ mỉ và phải là người có máu nghệ thuật thì mới làm được".

Với niềm đam mê với nhạc cụ dân tộc và sở thích khám phá, nghệ nhân Phạm Chí Khánh đã sưu tầm được rất nhiều loại nhạc cụ khác nhau. "Nhiều năm công tác tại Nhà hát Tuồng Trung ương (nay là Nhà hát Tuồng Việt Nam), tôi có nhiều cơ hội để đi biểu diễn tại các vùng miền trên cả nước. Mỗi chuyến đi biểu diễn với tôi là một chuyến khám phá, sưu tầm các nhạc cụ dân tộc của các dân tộc khác nhau ở Việt Nam.

Với tôi, mỗi dân tộc đều có một nhạc cụ dân tộc riêng, nó chính là biểu trưng trong đời sống văn hóa tinh thần dân tộc đó. Từ một vài nhạc cụ truyền thống được kế thừa từ người cha, hiện nay tôi đã có thể làm được 170 loại nhạc cụ của các dân tộc khác nhau, từ các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc đến các dân tộc có nền văn hóa đặc sắc vùng Tây Nguyên. Không chỉ học cách chế tác nhạc cụ dân tộc, mà tôi còn đi tìm hiểu về những câu chuyện lịch sử liên quan đến nguồn gốc, tên gọi của loại nhạc cụ đó. Đến nay, tôi đã có hơn 50 năm học hỏi, làm và chế tác đàn dân tộc Việt Nam" – Nghệ nhân Phạm Chí Khánh cho biết.

Nghệ nhân phố cổ giữ gìn tinh hoa nhạc cụ dân tộc Việt Nam - Ảnh 2.

Ngôi nhà của nghệ nhân Phạm Chí Khánh được ví như “bảo tàng thu nhỏ” về nhạc cụ dân tộc Việt Nam

Khi được hỏi về quy trình hoàn thiện một loại nhạc cụ truyền thống, nghệ nhân Phạm Chí Khánh chia sẻ, đầu tiên chúng ta phải hiểu được nhạc cụ ấy là loại gì, thuộc dân tộc nào, có tính năng, âm nhạc như thế nào và đặc biệt, nó được sử dụng bằng nguyên vật liệu gì. Ví dụ, nguyên liệu để làm một số loại đàn nổi tiếng như đàn bầu, đàn nguyệt thường là gỗ cây ngô đồng với ưu điểm xốp nhẹ không mối mọt. Việc chọn gỗ quyết định đến âm thanh của nhạc cụ. Sau khi làm xong phần thô, chiếc đàn được đem đến làm khảm trai để trang trí. Vì những họa tiết khảm trai trên đó đều mang ý nghĩa về một câu chuyện cổ của dân tộc.

Bên cạnh đó, đối với đàn nguyệt hay các đàn khác, phím đàn phải được làm từ loại tre già. Công đoạn gắn phím được coi là công đoạn quan trọng nhất trong việc tạo ra một chiếc đàn với âm thanh hoàn hảo. Còn với nhạc cụ khác, công đoạn bưng mặt quyết định âm thanh có hay hay không. Đây là công đoạn đòi hỏi sự khéo léo tinh tế và cảm nhận nghề của người làm.

Nghệ nhân phố cổ giữ gìn tinh hoa nhạc cụ dân tộc Việt Nam - Ảnh 3.

Nghệ nhân sưu tầm nhiều nhạc cụ dân tộc khác nhau

Đối với nghệ nhân Phạm Chí Khánh, âm nhạc và nhạc cụ dân tộc của Việt Nam là những viên ngọc quý hiếm, ẩn mình dưới lòng đất. ông Khánh bày tỏ: "Vẻ đẹp của nhạc cụ dân tộc Việt Nam không hào nhoáng mà luôn mộc mạc, giản dị. Nhạc cụ dân tộc cũng là một phần trong tinh thần dân tộc, là sự đồng lòng, chung chí hướng của con người. Trong công cuộc thể hiện tinh thần dân tộc, nhạc khí dân tộc làm nhiệm vụ gắn kết con người. Bản thân nó là sự đồng sáng tạo, đồng hiện của cả một cộng đồng khu vực.

Chính vì thế, không chỉ riêng mình tôi mà những người có máu nghệ thuật đều phải có trách nhiệm đưa những viên ngọc đó giới thiệu đến công chúng, đến bạn bè quốc tế. Văn hóa dân gian, nhạc cụ dân tộc không phân biệt tầng lớp mà nó dành cho tất cả mọi người".

Tuy nhiên, với xã hội ngày phát triển hiện nay, nghệ nhân cũng đang trăn trở trước xu hướng chạy theo âm nhạc hiện đại du nhập từ nước ngoài khiến cho công chúng, đặc biệt thế hệ trẻ đang dần quên đi bản sắc dân tộc, mặc cho bản sắc đang bị hao mòn theo năm tháng. Từ đó, nghệ thuật của nhạc cụ dân tộc đang trở nên lạc lõng đứng trước nguy cơ "xóa sổ" bởi cơ chế thị trường.

Nghệ nhân Phạm Chí Khánh chia sẻ: "Nhiều người ngoại quốc khi đến Việt Nam, họ thường tìm đến cơ sở của tôi để tìm hiểu về nhạc cụ đàn dân tộc, tận mắt được xem tôi chế tác và biểu diễn đàn. Trong khi đó, người Việt Nam lại đang dần lãng quên đi. Đó là điều rất đáng buồn".

Nghệ nhân phố cổ giữ gìn tinh hoa nhạc cụ dân tộc Việt Nam - Ảnh 4.

Nghệ nhân luôn bảo quản, giữ gìn cẩn thận các loại nhạc cụ

Trước thực trạng đó, để có thể bảo tồn và phát triển cho nhạc cụ dân tộc, nghệ nhân Phạm Chí Khánh mong muốn, Nhà nước sẽ có những chính sách kịp thời để bảo tồn và phát huy giá trị cốt lõi văn hóa bản sắc dân tộc. Muốn giới trẻ yêu mến âm nhạc dân tộc thì trước hết phải cho họ có cơ hội được tìm hiểu, được biết, được lắng nghe ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Và bản thân ông, cũng sẽ quyết giữ gìn và phát huy văn hóa nhạc cụ của 54 dân tộc Việt Nam bằng việc chế tác, sửa chữa và biểu diễn trên chính những cây đàn do ông tạo ra.

Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa nói chung, nhạc cụ dân tộc nói riêng là nhiệm vụ chung của cả cộng đồng. Chỉ cần một chút sự quan tâm cũng đã góp một phần trong công cuộc giữ vững các giá trị dân tộc. Và nghệ nhân Phạm Chí Khánh là một trong những nghệ sĩ hiếm hoi chọn truyền cảm hứng về tình yêu cháy bỏng với nền âm nhạc quê hương. Không chỉ bằng lời ca hay tiếng đàn mà còn bằng cả trái tim, tâm sức và khối óc của cả đời người./.

Thương Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ