• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nghiên cứu: Nguy cơ về sức khỏe tinh thần gia tăng đối với người lao động ở châu Á

Thế giới 22/09/2023 09:49

(Tổ Quốc) - Trang CNBC dẫn tin, người lao động ở châu Á đang đối mặt với tỷ lệ cao liên quan đến sức khỏe tinh thần. Ước tính tỷ lệ 82% người lao động có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến sức khỏe tinh thần từ mức trung bình đến cao.

Theo một báo cáo mới từ công ty bảo hiểm Aon và TELUS Health, 35% người lao động ở châu Á có nguy cơ mắc bệnh tinh thần cao và 47% có nguy cơ vừa phải.

Nghiên cứu: Nguy cơ về sức khỏe tâm thần gia tăng đối với người lao động ở châu Á - Ảnh 1.

Người lao động ở châu Á đối mặt với căng thẳng nghiêm trọng về sức khỏe tinh thần. Ảnh: Getty image

Trước đó, cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 11/ 2022 với sự tham gia của 13.000 lao động tại 12 quốc gia châu Á cũng cho thấy 51% người lao động nhạy cảm hơn với căng thẳng so với năm 2021.

Ông Jamie MacLennan, Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc điều hành khu vực Châu Á -Thái Bình Dương của TELUS Health cho biết trong khi đại dịch Covid-19 có thể đã giảm đi từ năm 2022 thì những người lao động ở châu Á dường như lại phải đối mặt với loạt vấn đề căng thẳng mới.

"Điều đó bao gồm sự bất ổn về kinh tế, thách thức về chi phí sinh hoạt, chi phí chăm sóc sức khỏe gia tăng, tác động của biến đổi khí hậu và bất ổn địa chính trị", ông Jamie MacLennan nhấn mạnh.

Người dân ở các nước như Hàn Quốc (44%), Malaysia (42%) và Nhật Bản (41%) là những quốc gia có nguy cơ cao nhất liên quan đến sức khỏe tinh thần và rất dễ nhạy cảm với căng thẳng.

"Những khó khăn về tinh thần hoặc rối loạn cảm xúc, bao gồm trầm cảm và lo lắng, phổ biến ở những người lao động ở mọi cấp độ, mọi ngành và địa điểm được khảo sát trên khắp châu Á", báo cáo nhận định.

Giảm năng suất công việc

Tại châu Á, năng suất làm việc sẽ giảm đi do lo lắng và trầm cảm cao hơn "đáng kể" so với các khu vực khác trên thế giới. Điều này cũng gây ra "mối lo ngại ngày càng tăng" về phúc lợi tại nơi làm việc.

Chẳng hạn như châu Á ghi điểm năng suất làm việc là 47,2/100 so với 66,7/100 ở Mỹ và 60,1/100 ở Châu Âu.

"Những con số này được thúc đẩy bởi một số yếu tố, cụ thể là mức độ kỳ thị cao đối với những người gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần. Hơn 1/2 số người tham gia khảo sát bày tỏ lo ngại về việc lựa chọn nghề nghiệp sẽ bị hạn chế đối với những người lao động có sức khỏe tinh thần", ông MacLennan giải thích.

Báo cáo cũng ghi nhận 45% người lao động ở châu Á tin rằng sức khỏe tinh thần đang ảnh hưởng đến năng suất làm việc, trong đó 7 quốc gia báo cáo tổn thất doanh thu tại nơi làm việc "cao hơn mức trung bình" là Malaysia, Ấn Độ và Philippines.

Đây sẽ là mối lo ngại đối với người sử dụng lao động do các chi phí kinh doanh có thể phát sinh như nghỉ phép y tế, khuyết tật dài hạn, vắng mặt và luân chuyển nhân viên.

Trong khi đó, một nghiên cứu gần đây từ Singapore cũng cho thấy những người mắc chứng lo âu và trầm cảm sẽ làm việc kém hiệu quả hơn. Năng suất bị giảm do lo lắng và trầm cảm đã khiến Singapore thiệt hại lên tới 12 tỷ USD mỗi năm.

Ông Tim Dwyer, Giám đốc điều hành các giải pháp y tế của công ty bảo hiểm Aon khu vực Châu Á - Thái Bình Dương khẳng định nếu các công ty không triển khai các cơ cấu hỗ trợ những người gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần tại nơi làm việc thì có thể sẽ phải trả giá đắt. Hỗ trợ phúc lợi của nhân viên là cần thiết để các tổ chức duy trì mức độ gắn kết và năng suất cao nhằm mang lại năng suất trong công việc.

Khoản tiết kiệm khẩn cấp

Theo báo cáo, ngoài căng thẳng, lo lắng và kiệt sức cũng là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến năng suất lao động. Thậm chí, tình trạng bất an về tài chính cũng "đi đôi với nguy cơ gây ra sức khỏe tinh thần cao".

Điều đó đặc biệt đúng trong môi trường kinh tế ngày nay, người dân đang phải vật lộn với chi phí gia tăng và thắt chặt hầu bao.

Báo cáo cho biết thêm rằng chính sự sung túc về tài chính sẽ giúp cuộc sống trở nên thú vị và có ý nghĩa hơn, cả ở hiện tại và trong thời gian nghỉ hưu.

Theo khảo sát, người lao động ở châu Á có rủi ro tài chính cao hơn so với các châu lục khác trên thế giới, ước tính khoảng 1/3 người lao động không có khoản tiết kiệm khẩn cấp và tình hình tài chính không đảm bảo. Điều này đã có tác động đáng kể đến sức khỏe tinh thần.

Báo cáo cũng cho rằng những người không có khoản tiết kiệm khẩn cấp có nguy cơ khó tập trung tại nơi làm việc. Những quốc gia có tỷ lệ người lao động không có khoản tiết kiệm khẩn cấp cao nhất là Philippines (48%), Malaysia (42%) và Trung Quốc (39%).

Thêm vào đó, các công ty nên đóng vai trò cung cấp các chương trình giáo dục cần thiết giúp nhân viên "xây dựng thói quen sử dụng tiền lành mạnh hơn".

"Việc giới thiệu và giải thích rõ ràng, liên tục về các nguồn lực y tế sẵn có sẽ là chìa khóa để giúp người lao động có được sự chăm sóc sức khỏe phù hợp và giải quyết các vấn đề trước khi đẩy lên căng thẳng leo thang dẫn đến các vấn đề phức tạp hơn, mất nhiều thời gian hơn và tốn kém hơn", báo cáo gợi ý./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ