(Tổ Quốc) - Sự thiếu niềm tin giữa hai nước góp phần khiến đề xuất được giúp đỡ đối phó dịch bệnh từ Mỹ chưa được Trung Quốc "bật đèn xanh".
Trang SCMP dẫn lời giới phân tích nhận định, những ngờ vực giữa Bắc Kinh và Washington đã khiến lời đề nghị được giúp đỡ của Mỹ trong việc đối phó với dịch bệnh do virus COVID-19 gây ra bị ảnh hưởng tiêu cực, đồng thời dồn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào ngõ cụt chính trị.
Phía Mỹ cho hay, họ lần đầu đề xuất gửi các chuyên gia người Mỹ tới Trung Quốc trong khuôn khổ một sứ mệnh của WHO vào đầu tháng 1 . Bất chấp Chủ tịch Tập Cận Bình từng kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế trong cuộc khủng hoảng y tế mà Trung Quốc đang phải đối mặt, lời đề nghị của Mỹ vẫn chưa được chấp thuận.
Hôm thứ 5 (13/2), giới chức Mỹ nói, vẫn chưa có người Mỹ nào được mời tới Trung Quốc cho dù trong danh sách mà WHO đưa ra, có tới 13/25 chuyên gia đến từ Mỹ.
Ngày 14/2, người đứng đầu WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố, nhóm làm việc cuối cùng của WHO gồm 12 chuyên gia quốc tế và 12 chuyên gia Trung Quốc. Họ sẽ bắt đầu điều tra về quy mô và tầm nghiêm trọng của dịch bệnh đang bùng phát từ cuối tuần này. Theo Giám đốc điều hành chương trình y tế khẩn cấp của WHO Mike Ryan, phái đoàn sẽ bao gồm cả các nhân viên y tế của Mỹ.
Giới quan sát nhận xét, những ngờ vực chiến lược ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ đã ảnh hưởng tới phản ứng của Bắc Kinh trước lời đề nghị trợ giúp từ Washington. Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc từng chỉ trích Mỹ không cung cấp "trợ giúp thực sự" cũng như "phản ứng thái quá không phù hợp" khi đưa ra các lệnh cấm đi lại nghiêm khắc.
"Đối với việc Mỹ có thể đem tới sự hỗ trợ hiệu quả cho Trung Quốc trong dịch bệnh này hay không, tôi nghĩa vấn đề của Bắc Kinh là họ không muốn tỏ ra yếu kém hay cần phải được giúp gỡ, đặc biệt là từ người Mỹ", ông Adam Ni, biên tập viên của trang tin China Neican bình luận.
Bắt đầu xuất hiện từ tháng 12 tại thành phố Vũ Hán, dịch bệnh do virus COVID-19 gây ra đã nhanh chóng bùng phát tại Trung Quốc và lây lan ra nhiều quốc gia khác.
Bắc Kinh đã thực hiện loạt biện pháp chưa từng có trong tiền lệ nhằm cố gắng kiềm chế sự lây lan, bao gồm cả phong tỏa toàn bộ một số thành phố và cấm hàng triệu người đi lại. Tuy nhiên, quốc gia châu Á cũng phải đối mặt với những thách thức trong và ngoài nước liên quan tới thiếu hụt nhân viên và thiết bị y tế, cũng như một số cáo buộc rằng chính phủ chưa hành động đủ quyết liệt hay còn giấu giếm thông tin.
Giáo sư chính trị học từ Đại học Phục Đán, Thượng Hải Wang Zhengxu chỉ ra, Bắc Kinh không coi những hỗ trợ từ Mỹ là chân thành. Ông cho rằng, gần như chắc chắn Trung Quốc cảm thấy đề nghị gửi chuyên gia y tế của Mỹ là quá nhỏ và không có ý nghĩa hoặc không thể hiện đủ những nỗ lực của "đoàn kết quốc tế".
"Chính phủ Mỹ đã nói rất nhiều về việc hỗ trợ Trung Quốc nhưng trong thực tế, chiến lược hoặc dự định lớn nhất của họ là coi đây như một cơ hội để gây thêm áp lực cho Trung Quốc", ông Wang nói.
Tuy nhiên, theo ông, sẽ có lợi cho Bắc Kinh nếu nhắm tới Mỹ đúng vào thời điểm Trung Quốc đang phải chống đỡ với những chỉ trích từ cả bên trong và bên ngoài về cách đối phó với bùng phát dịch bệnh.
Mặc dù vậy, điều đó lại khiến WHO rơi vào tình thế khó xử.
"WHO bằng một cách nào đó bị kẹt ở giữa", ông Adam Ni phân tích. "Một mặt, họ phải coi y tế quốc tế là vấn đề nghiêm trọng; mặt khác, họ phải làm vậy theo một cách xoa dịu Bắc Kinh bởi vì WHO sẽ không làm việc hiệu quả mà không có sự hợp tác của Bắc Kinh trong cơn dịch bệnh này".
Còn ông Yanshong Huang, học giả cấp cao về y tế toàn cầu tại tổ chức tư vấn chính sách có trụ sở tại Washington là Hội đồng Quan hệ Đối ngoại nhận định, tổng giảm đốc WHO Tedros cũng đang trong thế tiến thoái lưỡng nan, giữa nhiệm vụ đảm bảo cộng đồng quốc tế không phản ứng thái quá đối với dịch bệnh trong khi phải tỏ ý tán thành những "nỗ lực rất kiên quyết đôi khi quá khắc nghiệt" để kiềm chế virus đang được thực hiện tại Trung Quốc.
"Điều đó gần như biện hộ cho việc các nước khác áp dụng một loạt biện pháp cấm đoán, ví dụ như hủy chuyến bay", ông Huang nói. "WHO muốn đảm bảo phản ứng là vừa phải, không quá táo bạo nhưng cùng lúc, các biện pháp cách li, phong tỏa tại Trung Quốc lại bị [Mỹ] coi là có phần ảnh hưởng tới cuộc sống bình thường của người dân, vì vậy giữa hai nước [Mỹ và Trung Quốc] không kết nối được với nhau". Theo ông, quyết định của Bắc Kinh từ chối chấp nhận chuyên gia Mỹ cho thấy sự thiếu niềm tin giữa hai nước, đồng thời khiến lời đề nghị của Mỹ bị chính trị hoá.
"Nếu bị chính trị hoá, đặc biệt khi chúng đi theo logic của chính trị, thì thứ logic về nhu cầu phải đấu tranh với bệnh tật không còn tồn tại nữa", ông Huang giải thích.