(Tổ Quốc) - Hội nghị ngoại giao văn hoá với chủ đề Triển khai chiến lược ngoại giao văn hoá đến năm 2030: Chủ động thích ứng, góp phần lan toả giá trị và quảng bá sản phẩm Việt Nam diễn ra ngày 20/12 tại Nhà làm việc Bộ Ngoại giao, Hà Nội. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dự và chỉ đạo Hội nghị.
Tham dự Hội nghị còn có các lãnh đạo Bộ Ngoại giao, đại diện hơn 40 tỉnh, thành phố trên toàn quốc; hơn 60 các cơ quan đại diện Việt Nam và đại diện các bộ, ngành trung ương liên quan đến công tác ngoại giao văn hóa và hơn 20 đại diện các công ty, tập đoàn là đối tác của công tác ngoại giao văn hoá.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết: Đảng và Nhà nước đã khẳng định "văn hóa là động lực phát triển" và nhấn mạnh "văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị".
Thời gian qua, đặc biệt là từ khi Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến 2020 được Thủ tướng Chính phủ thông qua năm 2011, công tác Ngoại giao văn hóa luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và được triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả và đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã khái quát 3 thành tựu đó là: Ngoại giao Văn hóa đã góp phần tôn vinh trí tuệ, phẩm chất, cốt cách, lý tưởng cao đẹp của người Việt Nam; quảng bá mạnh mẽ hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thông qua nhiều hoạt động, sự kiện, lễ hội ở trong và ngoài nước; và nâng giá trị văn hóa Việt Nam lên tầm quốc tế thông qua công tác vận động danh hiệu quốc tế.
Trên cơ sở kết quả đạt được, vừa qua Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã nêu 3 điểm mới nổi bật của Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 là:
Thứ nhất, chúng ta đã làm rõ hơn, sâu sắc hơn nội hàm của Ngoại giao văn hoá, qua đó xác định nhiệm vụ của ngoại giao văn hóa là phục vụ 2 mục tiêu: Phục vụ đường lối đối ngoại và chính sách phát triển văn hóa của Đảng và Nhà nước.
Thứ hai, chiến lược mới đã xác định chủ thể hướng tới và đối tác triển khai là các địa phương, người dân, doanh nghiệp.
Thứ ba, chiến lược đã cập nhật và cụ thể hóa 5 nhiệm vụ trọng tâm là: Thúc đẩy quan hệ, hội nhập văn hoá, quảng bá đất nước, vận động danh hiệu và tiếp thu tinh hoa nhân loại.
Về các nhiệm vụ của ngoại giao văn hóa thời gian tới, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã chia sẻ và gợi mở một số chủ đề.
Một là, bên cạnh mặt tích cực, thuận lợi của môi trường quốc tế, chúng ta vẫn phải đối mặt với nguy cơ bị xâm lăng về văn hóa do mặt trái của kinh tế thị trường, của toàn cầu hoá, các tiêu cực từ mạng xã hội, hay sự áp đặt các giá trị, tư tưởng, tiêu chuẩn kép về dân chủ, nhân quyền từ bên ngoài.
Vậy ngoại giao văn hóa thời gian tới đóng góp như thế nào để vừa tiếp thu tinh hoa, trí tuệ của nhân loại, làm giàu kho tàng văn hóa Việt Nam, đóng góp vào xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc sân tộc, lại vừa bảo vệ các giá trị nền tảng tư tưởng của Đảng, thành quả của đất nước.
Hai là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ví "Thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to, tiếng mới lớn". Trong lĩnh vực văn hoá, những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể được hun đúc từ nghìn năm lịch sử, cũng như vị thế, cơ đồ, tiềm lực, tiềm năng của đất nước chính là "thực lực", là "cái chiêng". Vậy ngoại giao văn hóa phải làm sao để không chỉ có "tiếng chiêng lớn" mà còn "tạo thành giai điệu", thành thanh âm mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam. Vì vậy, bên cạnh việc đa dạng hóa các danh hiệu hợp tác quốc tế, chúng ta phải lựa chọn, vận dụng công cụ văn hóa nào để quảng bá, lan tỏa giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc ra thế giới một cách hiệu quả nhất.
Ba là, ngoại giao văn hóa phải đóng góp vào những vấn đề thiết thực của đời sống, phải hướng tới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, lấy địa phương, người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Với địa phương, ngoại giao văn hóa cần tích cực hỗ trợ xây dựng và quảng bá thương hiệu, sản phẩm, ngành nghề, mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư, du lịch, hợp tác.
Với người dân, cần thúc đẩy giao lưu nhân dân, tạo môi trường thuận lợi để tiếp cận nhanh tri thức mới của nhân loại, nâng cao, chất lượng thụ hưởng, phát huy vai trò của đội ngũ các nhà tri thức, văn hoá, văn nghệ sĩ trong sự nghiệp văn hoá, phát triển văn hóa đỉnh cao, có các tác phẩm tầm cỡ, phản ánh hiện thực đổi mới vĩ đại của đất nước.
Với doanh nghiệp, cần hỗ trợ xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân Việt Nam, tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia triển khai ngoại giao văn hoá, kết hợp giới thiệu sản phẩm gắn với tinh hoa văn hóa Việt.
Bốn là, trước bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh, cùng sự phát triển mạnh mẽ của CMCN 4.0, tác động lâu dài của đại dịch Covid-19, ngoại giao văn hóa cần phải nâng cao khả năng thích ứng, tính linh hoạt và sức sáng tạo để hoàn thành sứ mệnh của mình, cùng với các "lực lượng", "binh chủng" khác phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại.
Trong khuôn khổ Hội nghị, đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Công thương, một số địa phương và các công ty đối tác tham gia công tác ngoại giao văn hóa đã có tham luận về kinh nghiệm và phương hướng triển khai chiến lược ngoại giao văn hoá.